Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Thủ tướng Chính phủ (3024/BC-BNN-CB ngày 14/4/2015), trong quý 1/2015, kim ngạch xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản (NLTS) đạt khoảng 6,13 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2014.

Nhìn chung, XK của cả 3 nhóm hàng NLTS đều giảm trong quý 1/2015 so với cùng kỳ: giá trị XK thủy sản ước đạt 1,27 tỷ USD (giảm 20,6%); nông sản chính ước đạt 2,92 tỷ USD (giảm 15,1%); lâm sản chính ước đạt 1,5 tỷ USD (giảm 0,4%) trong đó gỗ và sản phẩm gỗ giảm 1,1%.

Một số mặt hàng có lượng và giá trị XK giảm mạnh là: gạo (giảm 28,1% về lượng và giảm 32% về giá trị), cà phê (giảm 41,4% về lượng và giảm 37,3% về giá trị), thủy sản (giảm 20,6% về giá trị). Riêng mặt hàng cao su XK trong quý 1/2015 đạt 196 nghìn tấn, giá trị đạt 279 triệu USD, tăng 35,1% về khối lượng nhưng giảm 4,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Trong thời gian tới, việc hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại sắp được ký kết (TPP, FTA Việt Nam – Hàn Quốc,…) cũng như việc gia nhập vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015 sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển cho nền kinh tế của Việt Nam trong đó có ngành nông nghiệp, nhưng bên cạnh đó ngành nông nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là sự cạnh tranh gay gắt đối với các sản phẩm NLTS.

Hiện nay, ngành nông lâm thủy sản đang phải đối mặt với những khó khăn chung như: giá hàng hóa và dịch vụ trên thế giới đầu năm 2015 có xu hướng giảm trong khi tỷ giá hối đoái biến động không thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) XK; nguồn cung nông sản tăng dẫn đến tồn kho cao tại nhiều nước; yêu cầu chất lượng ngày càng khắt khe tại các thị trường XK chủ lực như Mỹ, EU, Nhật Bản…; tình hình hạn hán tại một số khu vực miền Trung; năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp XK còn yếu và khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.

Trước những khó khăn trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã triển khai các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN như tổ chức cuộc họp với các Hiệp hội ngành hàng và các DN XK chủ lực bàn về các biện pháp đẩy mạnh XK NLTS vào ngày 30/3/2015; chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng (GTGT), phát triển bền vững; đẩy mạnh triển khai liên kết sản xuất (SX) gắn với tiêu thụ nông sản; tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị SX hàng hóa; đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm giảm 50% thời gian làm thủ tục XK; phối hợp với các cơ quan hữu quan của các tỉnh biên giới phía Bắc bàn việc mở thêm các điểm thông quan hàng hóa biên giới để tạo thuận lợi cho XK nông sản…

Đối với ngành cao su, Bộ đã đưa ra các giải pháp cụ thể như giảm nguồn cung thông qua tiết giảm chu kỳ khai thác mủ; tăng cường liên kết với các nước SX cao su trong khu vực và thế giới để thống nhất điều tiết nguồn cung; giảm giá thành XK thông qua việc không kê khai, tính nộp thuế GTGT trong khâu kinh doanh thương mại cho sản phẩm cao su sơ chế như các nông, thủy sản sơ chế khác.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đã đưa ra một số kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan như đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành việc ký kết các Hiệp định thương mại để tạo thuận lợi cho XK hàng NLTS của Việt Nam; cho phép một số tỉnh phía Bắc mở thêm các điểm thông quan hàng hóa biên giới; Bộ Công Thương cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, chỉ cho phép tạm nhập tái xuất các loại hàng hóa qua cửa khẩu chính và dành cửa khẩu phụ ưu tiên cho XK NLTS trong nước; Bộ Tài chính cần nghiên cứu đề xuất mở rộng áp dụng chính sách không kê khai, tính nộp thuế GTGT trong khâu kinh doanh thương mại đối với mặt hàng chè và cao su sơ chế; Bộ Giao thông vận tải cần kiểm soát việc tăng cước phí và các loại phí dịch vụ của các hãng tàu biển và các hãng đại lý nhằm giảm giá thành NLTS XK…

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác