Trước đây, cao su vốn là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, khiến cho nhiều người dân không do dự bỏ các loại cây trồng khác như mì, điều để chọn lấy cây cao su.

Thế nhưng, trong khoảng thời gian hai năm trở lại đây, giá mủ cao su không ngừng tuột dốc khiến cho người trồng cao su không vui. Nhưng có lẽ buồn nhất, lao đao nhất chính là những người tuy không trồng cao su nhưng lại dựa vào cây cao su để mà kiếm sống.

Vườn ươm hẩm hiu

Nghề ươm trồng cây cao su giống không đòi hỏi nguồn vốn lớn hay kỹ thuật phức tạp, nhưng lại cho thu nhập tương đối cao. Cũng vì thế nhiều hộ dân đã đến với nghề này. Họ có thể tận dụng đất gia đình, hoặc thuê đất để ươm trồng. Có người có thể kiếm lợi nhuận vài trăm triệu đồng/năm. Thế nhưng, đó là chuyện của nhiều năm về trước, còn 2 năm trở lại đây, người ươm trồng cây cao su thường từ lỗ tới lỗ!

Thời huy hoàng của cây cao su, vườn ươm giống cao su của ông Nguyễn Văn Bên (sinh năm 1966), ngụ ở ấp Đường Long, xã Thạnh Đức (huyện Gò Dầu) không chỉ có mối giao hàng tại nhiều địa phương trong tỉnh như Tân Biên, Bến Cầu, Châu Thành… mà còn có nguồn khách hàng từ các tỉnh khác tìm đến đặt mua.

Theo nhẩm tính, trước đây với giá cây giống từ 10.000 – 15.000 đồng/cây (tuỳ theo loại), ông Bên có thể kiếm lợi nhuận khoảng hơn 200 triệu đồng. Nhưng trong 2 năm 2012 và 2013, cao su tuột giá liên tục, ông bị lỗ 400 triệu đồng.

Ông nói: “Tôi mới chặt bỏ cả nửa mẫu cao su giống (khoảng 10.000 cây) vì để hoài không ai mua. Xót lắm nhưng phải chặt đi để trồng cây khác”. Mủ cao su xuống giá tất nhiên cây giống cũng phải xuống giá theo.

Năm ngoái, cao su giống của ông Bên vẫn còn có người mua nhưng năm nay không mấy ai tìm đến nữa. Hiện giờ, ông còn 1.000 cây giống cứ để lay lắt trong vườn, số lượng bán được rất ít.

Cùng ngụ ấp Đường Long, chị Phan Thị Cẩm Lừng, năm nay 29 tuổi cũng đang dở khóc dở cười như ông Bên. Theo lời kể của chị Lừng, năm 2010 thấy cao su đang sốt giá, vợ chồng chị tập tành nghề ươm giống cao su.

Anh chị mua hột cao su về trồng trên vài công đất. Thấy bán cao su giống có lời, chị Lừng thuê thêm đất, mở rộng diện tích, ươm trồng gần 200.000 cây giống. Vốn liếng bỏ ra vừa cây giống, vừa thuê đất, thuê công… tốn khoảng 300 triệu đồng gần như “đi toong” hết.

Hai năm vừa rồi, mỗi năm chị thua lỗ hơn 200 triệu đồng. Giá cây giống từ 10.000 – 15.000 đồng/cây rớt xuống chỉ còn 3.000 – 4.000 đồng/cây, thậm chí có lúc chỉ còn 700 – 800 đồng/cây mà còn không ai mua.

Trước kia thương lái thường mua với số lượng từ 10.000 – 50.000 cây/năm nhưng năm vừa rồi, cây cao su giống gần như chựng lại, không bán được nữa, chị Lừng chỉ còn biết bán lẻ cho vài người mua với số lượng ít để trồng tại nhà.

Không đủ sức cầm cự, vợ chồng chị đành dằn lòng chặt hết cây giống trên diện tích đất thuê rồi trả đất lại cho người ta, chỉ chừa lại chừng 20.000 cây để bán được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Chị Lừng chia sẻ: “Mới đầu vợ chồng tôi còn nghĩ làm thì có năm được năm mất, bị lỗ năm nay chắc năm sau sẽ lấy lại được, nhưng đến năm ngoái thì coi như… đi luôn! Giờ nhìn vườn cây thấy rầu quá, hẩm hiu quá”.

Hiện nay, ông Bên đã chuyển sang trồng mì và chăn nuôi, vợ chồng chị Lừng đã thay đổi phương kế sinh nhai. Chị Lừng đi làm công nhân xí nghiệp được 8 tháng, chồng chị vẫn còn cố nuôi chút hy vọng- mong đợi một ngày cây cao su có giá trở lại nên vẫn cố gắng bám lấy vườn ươm.

Công nhân cạo mủ cũng bị “văng miểng”

Những năm trước đây, nhiều công nhân cạo mủ cao su có thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng, so với thu nhập từ các ngành nghề khác thì đó là một khoản không đến nỗi tệ. Còn hiện tại, không ít lao động thuộc lĩnh vực ngành nghề này đang rơi vào tình cảnh khốn đốn, bởi công việc vất vả mà lương lại không đủ sống, có người đành phải bỏ việc.

Theo nhiều công nhân cạo mủ cao su, số lượng công việc mà họ phải đảm nhận là quá nhiều so với trước kia. Công nhân cạo mủ phải kiêm luôn cả việc trồng mới và chăm sóc cây, công việc có khi bắt đầu từ 3, 4 giờ sáng đến tối mới xong.

Một mình không thể làm xuể nên họ thường phải tìm thêm một hoặc hai người phụ, dĩ nhiên là tiền lương sau đó sẽ chia theo đầu người, rốt lại mỗi người còn thu nhập khá ít so với trước. Khoản thu nhập ít ỏi ấy không đủ để chi tiêu, nhất là với những người đã có gia đình, đòi hỏi phải tốn kém rất nhiều thứ chi phí.

Anh Nguyễn Hoài Vũ, 37 tuổi, ngụ ở ấp Bến Đình, xã Thạnh Đức cho biết: “Tôi làm công nhân cao su đến nay được 15 năm rồi. Những năm trước lương và cuộc sống khá ổn định, không vất vả như bây giờ, hai ba năm trở lại đây khó khăn lắm”.

Anh Vũ cũng cho biết thêm, lương ít không đủ để chi tiêu làm cho đời sống của công nhân cạo mủ như anh hết sức bấp bênh, hầu như người nào cũng đều phải chạy vạy, vay mượn để trang trải cho cuộc sống, thành ra đã khó khăn lại càng thêm khốn khổ do nợ nần.

Chị Phạm Thị Mỹ Hạnh, 38 tuổi, cùng ngụ ấp Bến Đình, làm việc cho một công ty cao su được 12 năm, vừa mới nghỉ việc một tháng nay. Chị nói thật lòng chị không muốn nghỉ việc vì nghỉ lúc này coi như mất hết các chế độ dành cho người lao động mà lẽ ra chị được hưởng.

Hai năm nay chị cũng đã cố gắng để cầm cự, cố duy trì công việc nhưng rồi cuối cùng đành phải bỏ cuộc, bởi không chịu xiết tình cảnh lương thấp mà cường độ làm việc thì nhiều, lại không có thời gian rảnh rỗi để làm công việc khác kiếm thêm.

Hiện giờ, chị Hạnh đi cạo mủ thuê cho người ta theo kiểu ai kêu thì làm, thu nhập chưa ổn định lắm nhưng tháng vừa rồi cũng được 4 – 5 triệu đồng. Dù sao chị cũng có nhiều thời gian rảnh hơn để nghỉ ngơi hoặc tìm thêm việc khác để làm.

Mong chờ

Ông Trương Anh Dũng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Đức cho biết, xã Thạnh Đức có khoảng 80% diện tích là cây cao su. Do đó hầu như kinh tế của gia đình nào trong xã cũng gắn với cây cao su, người thì trồng cây lấy mủ, người ươm giống bán, người cạo mủ thuê?

Do đó, tình trạng cao su rớt giá thê thảm không chỉ ảnh hưởng đến người trồng mà còn tạo ra hiệu ứng dây chuyền, lây lan khiến nhiều người làm nghề liên quan cũng bị lao đao; ngay cả lớp đào tạo nghề cạo mủ cao su cho lao động nông thôn mỗi năm mở một lần, giờ cũng không thể mở nữa vì không có người theo học.

Với tình hình hiện tại, người dân rất cần được sự hỗ trợ trong việc định hướng hoạt động sản xuất, hoạt động ngành nghề từ phía các cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp để họ có thể yên tâm lao động sản xuất.

Theo Báo Tây Ninh

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác