Vào mùa xuân là thời điểm cây cao su thay lá, đây cũng là lúc cây cao su mẫn cảm với nhiều loại sâu bệnh.

Lúc này điều kiện thời tiết thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát triển và gây hại nên cây cao su dễ nhiễm nhiều loại bệnh, nhất là bệnh héo đen đầu lá và bệnh phấn trắng hại trên lá, ngọn và cành non. Vì vậy, nông dân cần chú ý triển khai các biện pháp phòng trừ, hạn chế bệnh lây lan diện rộng làm ảnh hưởng đến chất lượng vườn cây.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị 2 loại bệnh nói trên mới chớm xuất hiện trên vườn cao su mới ra lộc non, song đây là bệnh phổ biến qua các năm. Bình quân mỗi năm bệnh này xuất hiện trên khoảng từ 4.000- 8.000 ha cao su toàn tỉnh. Đối với các vườn đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, cây còn thấp thì dễ phun các loại thuốc trừ bệnh, nhưng đối với vườn đã đưa vào khai thác cây cao nên khó phun thuốc. Do đó, nông dân cần sử dụng các loại dụng cụ vòi phun trên cao mới phun thuốc có hiệu quả.

Hai loại bệnh phấn trắng và héo đen đầu lá có lúc xuất hiện đan xen cùng gây hại lá non, cành non gây rụng lá, khô cành, héo đen đầu lá gây hiện tượng chết ngược phần ngọn lan xuống gốc.

Bệnh xuất hiện trên tất cả các vùng trồng cao su trong tỉnh. Đối với các loại bệnh này, do cây cao su thường cao khó phun thuốc nên bệnh không lành hẳn mà mầm bệnh tồn tại từ năm này sang năm khác nên khi có điều kiện thuận lợi thì phát triển gây bệnh.

Hơn nữa, thời tiết giai đoạn này ẩm ướt, ẩm độ không khí trên 80%, thỉnh thoảng có sương mù, có nắng nhẹ, mưa phùn, nhiệt độ 25-30độ C là điều kiện tốt cho nấm bệnh phấn trắng phát tán mạnh bào tử và lây lan nhanh trên diện rộng; nấm bệnh héo đen đầu lá lây nhanh từ lá, ngọn xuống dần thân cây, khi gặp nắng nóng làm cho phần cây bị bệnh nhanh khô tóp và chết dần. Việc ít đầu tư chăm sóc vườn cây và không có các dụng cụ đặc dụng để phun thuốc trên cao làm bệnh không khỏi dứt điểm, tái phát nhiều lần.

Để đảm bảo chất lượng vườn cây, tăng năng suất mủ, nông dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ các loại sâu bệnh cho cây cao su. Phòng bệnh là rất quan trọng, việc phòng bệnh phải tiến hành hàng năm theo chu kỳ. Đối với bệnh phấn trắng nên phun thuốc phòng bệnh lần 1 khi vườn có búp lá non mới ra màu đồng, lần 2 khi có 80% lá đã hoá xanh. Bệnh héo đen đầu lá phun phòng lần 1 đầu mùa mưa, lần 2 khi cây ra búp chồi. Bệnh thường xuất hiện nặng hơn trên cây giai đoạn vườn ươm và trên vườn kiến thiết cơ bản dưới 5 tuổi. Vì thế, nông dân cần chú ý phòng chống bệnh cho vườn cây giai đoạn này.

Công tác vệ sinh vườn cây phải được tiến hành thường xuyên để tạo vườn thông thoáng và làm giảm nguồn lây trên vườn. Cắt bỏ cây chết, ngọn, cành khô, dọn sạch lá rụng đưa ra khỏi vườn để đốt. Đồng thời, tăng cường chăm sóc như làm cỏ, bón phân các đợt đầy đủ, cân đối, đúng loại, đúng kỳ, ưu tiên bón thêm 20% lượng phân kali ngoài định mức bình thường hoặc phun phân bón lá giàu kali (dùng loại Multi-K 1- 2 kg/ha) để tăng khả năng chống chịu, hạn chế tác hại của bệnh gây rụng lá sớm, có thể pha chung Multi-K với thuốc khi phun lần 2.

Ngoài các biện pháp chăm sóc tăng cường sức đề kháng cho cây, khi vườn cây bị bệnh nặng, cần sử dụng các loại thuốc hóa học để chữa trị kịp thời, không để bệnh lây lan diện rộng. Cả bệnh héo đen đầu lá và bệnh phấn trắng đều sử dụng nhóm hoạt chất Hexaconazol (Anvil 5SC) hoặc Carbendazim (Vicacben 50SC, Cacbenda-super 50SC…) phun với nồng độ 0,2- 0,3%, tức là 1 lít thuốc pha với 330- 500 lít nước để phun cho 1 ha. Vườn bị bệnh nặng cần phun 2- 3 lần, mỗi lần cách nhau 7- 10 ngày. Có thể dùng hỗn hợp cả hai nhóm thuốc trên để phun (khi pha giữ nguyên liều lượng của từng loại thuốc).

Đối với các cây bị bệnh héo đen đầu lá, cần tiến hành cắt bỏ phần ngọn khô. Chú ý, khi cắt bỏ phần ngọn khô, nên cắt sâu xuống phần cây chưa bị bệnh 5- 10 cm, vết cắt phải nghiêng để không đọng nước và sau khi cắt xong bôi ngay mỡ vaseline để chống nhiễm trùng và cây chảy nhựa.

Lưu ý, cả bệnh phấn trắng và héo đen đầu lá không cần phun thuốc lên phần thân cây đã hoá nâu, vì ở đó không có nấm bệnh.

Khi thực hiện các giải pháp phòng chống bệnh cho vườn cao su, cần dựa vào thực tế của vườn cây, từng giai đoạn sinh trưởng của cây và thông báo về tình hình dịch bệnh của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, diễn biến khí hậu thời tiết để vận dụng cho phù hợp, đồng bộ và có hiệu quả cao nhất.

Theo Báo Quảng Trị

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác