Dư thừa cao su thiên nhiên ít nhất 2 năm nữa
Cao su thiên nhiên được dự báo tiếp tục dư thừa đến năm 2016 với mức giá vẫn thấp trừ khi nhu cầu tại Trung Quốc tăng nhanh hơn dự đoán.
Dư thừa cao su thiên nhiên trong năm thứ 6 liên tiếp có thể tiếp tục làm giảm giá cao su thiên nhiên đến tận năm 2016 khi cây cao su trưởng thành giúp tăng sản lượng và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại làm giảm nhu cầu tại Trung Quốc, nước tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới.
Theo Rubber Economist Ltd trụ sở tại London, năm 2016 cung sẽ vượt cầu khoảng 316.000 tấn, giảm so với 483.000 tấn năm 2015. Hồi tháng 3, công ty tư vấn này cũng đã tăng dự báo dư thừa cao su trong năm nay thêm 78% khi sản lượng cao su tại Thái Lan, nước sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới, cao hơn dự đoán.
Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRSG) cũng nâng dự báo cho rằng sản lượng cao su thiên nhiên sẽ tăng khi cây cao su trồng năm 2006-2008 trưởng thành và bắt đầu cho thu hoạch.
Giá cao su thiên nhiên kỳ hạn tại Tokyo đã giảm 26% trong năm nay, chạm mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua vào tháng 4. Mức giá thấp hơn có thể giúp tăng doanh thu cho các nhà sản xuất lốp xe kể cả Pirelli & C. SpA và Bridgestone, trong khi làm giảm lợi nhuận của nông dân – chiếm 80% nguồn cung toàn cầu.
Kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 7,3% trong năm nay, tốc độ thấp nhất kể từ 1990.
Ông Prachaya Jampasut, giám đốc điều hành Rubber Economist Ltd, cho biết, thị trường cao su thiên nhiên có thể vẫn tiếp tục dư thừa cho đến năm 2016 với mức giá vẫn thấp trừ khi nhu cầu tại Trung Quốc và các nước tiêu thụ chủ yếu tăng nhanh hơn dự đoán.
Theo Thị trường Giao dịch Cao su quốc tế Thanh Đảo, lượng cao su lưu kho tại Thanh Đảo, trung tâm thương mại cao su chủ yếu của Trung Quốc, đạt mức kỷ lục 270.000 tấn tính đến 16/5.
Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên, nhập khẩu cao su thiên nhiên của Trung Quốc năm nay có thể tăng 10,7% lên 4,26 triệu tấn, thấp hơn so với mức tăng 14,3% năm 2013.
Mặc dù hiện tượng El Nino có thể là chưa đủ để làm giảm lượng dư thừa cao su, nhưng hiện tượng thời tiết gây khô hạn tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể giúp hạn chế mức giảm giá cả. El Nino năm 1997-1998 đã khiến sản lượng cao su năm 1997 chỉ tăng trưởng 0,4%, giảm mạnh so với 6% năm 1996.
Ông Prachaya Jampasut cho biết, tác động của thời tiết khô hạn và El Nino sẽ là chưa đủ để làm giảm mức dư thừa lượng cao su thiên nhiên, nhưng có thể giúp làm chậm lại xu hướng giá giảm.
Giá cao su thiên nhiên kỳ hạn đã tăng đôi chút khi có tin đồn rằng kế hoạch cắt giảm 200.000 tấn cao su dự trữ quốc gia của Thái Lan có thể bị trì hoãn.
Theo ông Stephen Evans, Tổng thư ký IRSG, giờ đây điều có thể hỗ trợ giá cao su rõ ràng chỉ là nhu cầu tăng lên.
Theo Gafin.vn
//Tin tự động cập nhật//