Doanh nghiệp ngành cao su thiên nhiên: Vượt khó bằng cách nào?
Các doanh nghiệp (DN) ngành cao su thiên nhiên đang trải qua giai đoạn khó khăn. Nhưng đây cũng là cơ hội để các DN đổi mới mình nhằm tạo ra hướng phát triển bền vững hơn.
Hiệu suất kinh doanh không thấp so với mặt bằng chung
Sau khi đạt đỉnh vào tháng 2/2011 với mức giá xấp xỉ 6.200 USD/tấn, giá cao su tự nhiên thế giới đã liên tục lao dốc và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Giá cao su XK bình quân 7 tháng đầu năm 2014 đạt 1.870 USD/tấn, giảm 25,76% so với cùng kỳ năm trước và giảm 66% so với mức đỉnh của tháng 2/2011. Doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính của các DN cao su thiên nhiên đã sụt giảm lần lượt 35% và 60% so với năm 2011.
Tuy nhiên, nếu nhìn ở mặt tích cực hơn, các DN ngành cao su thiên nhiên chỉ bị giảm lãi, chứ tình hình làm ăn so với mặt bằng chung vẫn khá tốt. Đơn cử như đối với các DN cao su tự nhiên đã niêm yết trên sàn chứng khoán, năm 2013, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) bình quân đạt 6.200 đồng, trong khi lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE), lợi nhuận/tài sản (ROA) bình quân đạt lần lượt 16% và 11%. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chính vẫn mạnh và đặc biệt là tỉ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính (tỉ lệ vay nợ ngắn hạn và dài hạn trên vốn chủ sở hữu) thấp, dao động ở mức 0,1-0,5 lần (năm 2013). So sánh với DN các ngành khác, liệu có bao nhiêu nhóm ngành, bao nhiêu DN trong điều kiện hiện nay có thể đạt được kết quả này?
Còn có khả năng tiết giảm cơ cấu chi phí?
Hiện giá bán vẫn là yếu tố ảnh hưởng lớn đến doanh thu, lợi nhuận của DN ngành cao su. Trong khi đó, giá cao su tự nhiên thế giới là do yếu tố cung cầu thị trường quyết định. Từ năm 2010, tiêu thụ cao su liên tục tăng với tốc độ tăng trưởng bình quân 3%/năm. Tuy nhiên, tăng trưởng nguồn cung giai đoạn này là 4,3%/năm, nhanh hơn so với nhu cầu. Đặc biệt, nguồn cung tại khu vực Đông Nam Á, vốn chiếm khoảng 75% nguồn cung cao su thế giới, tăng mạnh do diện tích đưa vào khai thác tăng. Điều này khiến giá cao su liên tục sụt giảm. Theo dự báo của Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRSG) và Ngân hàng Thế giới (WB), giá cao su tiếp tục giảm nhẹ và sẽ thiết lập mặt bằng giá mới dao động ở mức 2.000-2.300 USD/tấn trong giai đoạn 2015-2020.
Với mức giá dự báo trên, hoạt động kinh doanh của các DN ngành cao su thiên nhiên sẽ ra sao? Nhìn vào cơ cấu chi phí của DN trong ngành, chi phí nhân công chiếm tỉ lệ cao nhất xấp xỉ 40% doanh thu. Ngoài ra, còn có chi phí phân bón, khấu hao vườn cây. Các chi phí khác như chi phí bán hàng và chi phí quản lý DN chiếm từ 5-7% doanh thu. Chi phí tài chính hầu như không đáng kể do lượng tiền mặt của các DN ngành cao su không quá eo hẹp.
Theo tính toán, nếu cắt giảm chi phí phân bón và tiết kiệm các chi phí khác, giá bán hòa vốn của DN nằm ở mức 30 triệu đồng/tấn (tương đương giá thế giới xấp xỉ 1.500 USD/tấn). Với mặt bằng giá như dự báo của IRSG và WB, có thể khẳng định hiệu suất kinh doanh hiện tại của DN ngành cao su vẫn sẽ được duy trì.
Ngoài ra, ngành cũng được sự hỗ trợ từ chính sách.
Đầu tháng 7 vừa qua, Bộ Tài chính đã có công văn số 8881 gửi Hiệp hội Cao su VN và các Hội viên lấy ý kiến về việc sửa đổi thuế xuất khẩu mặt hàng cao su. Theo đó, thuế xuất khẩu dự kiến giảm từ mức 1% xuống còn 0% đối với sản phẩm cao su thuộc nhóm HS 4001, 4002 và 4005. Việc giảm thuế xuất khẩu sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận và làm tăng tính cạnh tranh về giá của cao su VN.
Để ứng phó diễn biến bất lợi của thị trường, các DN ngành cao su VN đang cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, bảo đảm thu nhập cơ bản cho CNLĐ, tiết kiệm chi phí để giảm giá thành, đồng thời tăng tốc độ tái canh bổ sung nguồn thu từ gỗ và điều chỉnh giảm sản lượng góp phần cân đối cung cầu.
Về lâu dài, DN ngành cao su VN cần nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu sản phẩm cao su thiên nhiên đáp ứng thị trường, đảm bảo chất lượng, uy tín. Cùng với đó, xây dựng thương hiệu quốc gia và quốc tế, tăng tiêu thụ nguyên liệu cao su trong nước cho lĩnh vực chế biến sâu những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và thân thiện môi trường, giảm lệ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô, hướng đến phát triển bền vững.
Trung Kiên
Theo Tạp chí CSVN
//Tin tự động cập nhật//