Liên minh quốc gia Các nhà sản xuất cao su Indonesia đã lên tiếng phản đối việc áp dụng thuế giá trị gia tăng 10% (VAT) của Chính phủ nước này.

Theo Hiệp hội Cao su Indonesia (GAPKINDO), thuế suất này khi được áp dụng sẽ gây gián đoạn hoạt động sản xuất và xuất khẩu cao su.

Thuế suất mới có thể ảnh hưởng đến dòng vốn lưu động của người trồng cao su, khi một phần phải dùng để nộp thuế và số tiền dành cho sản xuất sẽ giảm, theo chủ tịch Gapkindo Daud Husni Bastari.

Theo ông Daud Husni Bastari – Chủ tịch GAPKINDO – biện pháp này đưa ra không đúng thời điểm khi nông dân đang phải vât lộn với tình trạng giảm giá trên thị trường cao su khiến thu nhập của người dân giảm đáng kể.

Thuế suất mới có thể làm giảm xuất khẩu cao su trong năm 2014 xuống 2,5 – 2,6 triệu tấn từ 2,7 triệu tấn dự báo hồi đầu năm và tình hình có thể xấu hơn khi giá cao su tăng vì nông dân sẽ phải nộp thuế cao hơn.

Gần đây, tuân thủ theo phán quyết của Tòa án Tối cao, Bộ trưởng Tài chính Indonesia đã thông qua quy định áp thuế VAT 10% đối với 14 nông sản, kể cả dầu cọ, cao su, cacao, cà phê, chè, đinh hương và thuốc lá. Quy định này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của các hiệp hội nông dân như Hiệp hội Cà phê Indonesia (AEKI) và Hiệp hội Thương nhân Chè.

Đổi lại việc thực hiện thuế VAT, nông dân có thể được hoàn trả khoản tiền thuế họ đã nộp từ việc mua nguyên liệu cần thiết cho sản xuất – như phân bón và dụng cụ, được biết đến như “thuế đầu vào” – từ thuế bán hàng hoặc “thuế đầu ra”. Do vậy, họ chỉ phải trả thuế bán hàng còn lại sau khi trừ đi thuế đầu vào.

Một số nhóm kinh doanh đã cáo buộc việc áp thuế như vậy sẽ làm lợi cho những người kinh doanh quy mô lớn với những trang trại và cơ sở chế biến hợp nhất trong khi gia tăng gánh nặng đối với hộ tiểu điền.

Hộ tiểu điền chiếm khoảng 85% số cơ sở trồng cao su ở Indonesia – nước sản xuất cao su thiên nhiên lớn thứ 2 thế giới. Hiện tại, nông dân có doanh thu chưa đến 4,8 tỷ rupiah (413.258 USD)/năm không thuộc diện chịu thuế.

Nhưng khách hàng tiêu thụ trực tiếp của họ như các công ty cao su, có thể chuyển chi phí tăng thêm sang nông dân bằng cách mặc cả để có giá mua thấp hơn. Mặc dù có thể yêu cầu chính phủ hoàn trả thuế đầu vào, nhưng nông dân có thu nhập cao hơn và những người chịu thuế có thể phải đối mặt với một thủ tục phức tạp và tốn thời gian.

Theo ông Daud, Gapkindo đã đề xuất xem xét lại thuế suất với sự tham gia của 3 bên – Tổng thống Bambang Yudhoyono, Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (Kadin) và Tòa án Tối cao.

Xuất khẩu cao su sơ chế của Indonesia giảm đáng kể từ 11,77 tỷ USD năm 2011 xuống 6,91 tỷ USD năm 2013, theo số liệu của Bộ Thương mại Indonesia.

Thứ trưởng Bộ Thương mại Bayu Krisnamurthi tuần trước đã lên tiếng bày tỏ mối lo ngại rằng thuế suất mới có thể gây khó khăn cho nông dân sản xuất hàng hóa chiến lược.

Theo Gafin.vn

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác