Trong những năm qua, công tác thu mua mủ cao su tiểu điền của Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận khá ổn định, đạt hiệu quả tốt. Theo ông Nguyễn Văn Thanh – TGĐ công ty, công ty tiếp tục tự tin và phát huy tốt trong năm nay. Năm 2014 công ty tổ chức nhiều biện pháp mới, phù hợp hơn ngoài việc tổ chức, tiếp cận và nắm bắt thị trường. Đó là việc tổ chức triển khai dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật đến tận tay bà con nông dân về bệnh cây, phân bón.

Ứng vốn, phân bón và hỗ trợ kỹ thuật miễn phí

Theo lãnh đạo công ty, biện pháp này nhằm tăng thêm mối quan hệ gắn bó, tình cảm giữa công ty và bà con. Hộ nông dân nào thực hiện không đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc, khai thác cao su thì yêu cầu kỹ thuật công ty xuống hỗ trợ hướng dẫn miễn phí. Ngoài ra công ty còn tăng cường hỗ trợ cho bà con về ứng vốn và phân bón, tạo mối gắn kết bền vững. Công ty đã liên kết với Công ty Quế Lâm Phương Nam cung cấp phân bón cho bà con, trừ dần vào tiền thu mua. Hiện có khoảng 100 hộ thực hiện theo phương thức này.

Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận: Tổ chức thu mua gắn kết chặt chẽ với hộ nông dân
Cách làm của công ty là tạo niềm tin, cam kết có trách nhiệm từ hộ nông dân

Về ý nghĩa của việc thu mua trong tình hình hiện nay, ông Thanh cho biết, đây là trách nhiệm của công ty trong suốt nhiều năm qua. Làm sao để người dân không bị thua thiệt, không bị ép giá khi bán cho tư thương, nhất là với giá thấp như hiện nay. Vì vậy công ty phải thực hiện nhiều biện pháp tác động đến người nông dân và quan trọng để họ tin tưởng.

Đến nay công ty đã có lượng khách hàng ổn định và thường xuyên với khoảng 650 hộ nông dân và 30 doanh nghiệp bán mủ thường xuyên, tập trung chủ yếu trên địa bàn 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh, một số ở huyện Hàm Thuận Bắc và Tân Phú (tỉnh Đồng Nai). Trong đó có 25 hộ gắn bó với công ty ngay từ khi tổ chức thu mua đến nay.

Chị Nguyễn Thị Kim Cúc, chủ vườn thường xuyên bán mủ cho công ty hiện có 13ha khai thác từ tháng 5/2011 đến nay. Chị chia sẻ, công ty Bình Thuận là doanh nghiệp Nhà nước nên bán mủ cho công ty rất yên tâm, công ty đã tạo được niềm tin với khách hàng nhờ cân đong chính xác, đúng chất lượng. Ngoài ra công ty còn có các chính sách quan tâm, ưu đãi khách hàng, động viên tạo quan hệ thủy chung, gắn kết giữa 2 bên.

Kiểm tra chặt chẽ chất lượng đầu vào

Để có sản phẩm đạt chất lượng từ việc thu mua, nguyên liệu đầu vào phải được kiểm soát chặt chẽ. Cách làm của công ty là tạo niềm tin, cam kết có trách nhiệm từ phía người bán, không thể bán hàng kém chất lượng. Ngoài ra công ty có biện pháp giám sát chặt chẽ, các bộ phận làm việc tích cực. Mặt hàng không tốt đều loại ngay và áp dụng các biện pháp chế tài. Nhờ vậy từ đầu năm đến nay chưa có trường hợp nào chất lượng không đạt.

Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận: Tổ chức thu mua gắn kết chặt chẽ với hộ nông dân
Công ty còn hỗ trợ kỹ thuật miễn phí cho bà con nông dân

2 năm trở lại đây cũng không có trường hợp nào vi phạm hợp đồng. Khi phát hiện tạp chất công ty lập tức lập biên bản, trừ tiền phạt và thông báo với chính quyền địa phương, niêm yết công khai để tạo tính răn đe.

Công ty tổ chức hệ thống thu mua tại mỗi điểm gồm 2 nhân viên tiếp nhận và kỹ thuật. Nhân viên kỹ thuật kiểm tra chất lượng mủ bằng cảm quan ngay ban đầu, sau đó lấy mẫu và đo nồng độ TSC. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm thu mua, nhân viên thu mua còn tìm hiểu về lịch sử khách hàng. Nếu có hiện tượng lạ thì lấy mẫu ngay, niêm phong có chữ ký khách hàng, nếu phức tạp thì tiến hành xét mẫu ngay. Ngoài ra còn áp dụng quy trình thu mua rất chặt chẽ gồm số liệu tiếp nhận tại điểm thu mua và khi đưa về nhà máy phải khớp nhau, sai sót không đáng kể. Tại nhà máy cũng có thêm nhân viên đánh đông phụ trách tiếp nhận, nếu khách hàng bán mủ ngay tại nhà máy thì có đến 3 bên tham gia là tổ thu mua – đại diện nhà máy và khách hàng.

Ưu đãi về giá để tăng tính cạnh tranh

Về tính cạnh tranh với hệ thống thu mua bên ngoài, ông Bùi Hải Hà – Tổ phó Tổ thu mua cho biết, hiện trên địa bàn có 4 nhà máy tương đương nhà máy công ty, ngoài ra còn có 17 cơ sở sản xuất mủ tờ và một số điểm cán mủ cơ động. Để thực hiện thu hút khách hàng, công ty tổ chức tốt dịch vụ, chăm sóc khách hàng và ưu đãi về giá. Hộ bán số lượng lớn thì có giá hỗ trợ. Khách hàng thường xuyên thì cộng 5 giá. Khách hàng khác thì cộng 3 giá. (Ví dụ giá cơ sở là 270 đồng/độ TSC thì + 5 giá =275 đồng/độ TSC). Theo ông Hà, việc thực hiện đo TSC cũng là cách để thu hút khách hàng, trong khi các cơ sở khách đo bằng xi lanh thì công ty đo bằng gam nên khách quan, chính xác hơn, khách hàng không e ngại tình trạng gian lận.

Trước đây khi chưa có chủ trương gia công thì công ty có khó khăn về công suất nhà máy nhưng hiện nay thì làm tốt hơn. Công ty phấn đấu năm nay đạt 5.500 tấn mủ thu mua so kế hoạch 5.000 tấn. Đến ngày 28/8 thì đã đạt 2.250 tấn. Ông Hà tính toán, mỗi ngày công ty phải thu mua trên 30 tấn.

Về khó khăn, ông Nguyễn Văn Thanh – TGĐ công ty cho biết, lâu nay công ty tổ chức thu mua theo hình thức hạch toán riêng, tổ chức sản xuất và tiêu thụ riêng để tạo tính đồng bộ. Trong điều kiện giá cao su thấp như hiện nay, việc thu mua vẫn có lãi. Tuy nhiên do vẫn ràng buộc vào giá bán của VRG ban hành nên không linh hoạt theo thị trường, dẫn đến khó tiêu thụ. Trong dự thảo về cơ chế tổ chức thu mua của VRG sắp tới, việc ban hành giá thu mua và giá bán trên cơ sở tự chủ do Hội đồng thẩm định của đơn vị thông qua. Theo ông Thanh, nếu được thông qua, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để công ty đẩy mạnh thu mua và tiêu thụ.

Bài, ảnh: Nguyên Khánh – Nguyễn Cường

Theo Tạp chí CSVN

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác