Lai Châu: Chỉ nên phát triển cây cao su theo quy hoạch và phải có cơ sở sơ chế
Đó là ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực lâm nghiệp khi thảo luận về thực trạng phát triển cây cao su tại Hội nghị tư vấn phản biện đánh giá tình hình phát triển cây cao su ở miền núi phía Bắc và giải pháp phát triển trong thời gian tới do UBND tỉnh phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức sáng ngày 31/10/2014.
Dự Hội nghị có Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, các giáo sư: Lê Đình Khả, Nguyễn Ngọc Lung – Tiến sĩ khoa học của hội Lâm nghiệp giống cây trồng Việt Nam, các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực nông lâm nghiệp; đại diện lãnh đạo Tập đoàn và các Công ty Cổ phần Cao su đứng chân trên địa bàn tỉnh. Về phía tỉnh có đồng chí Lê Trọng Quảng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện một số sở, ngành liên quan.
Theo thông tin từ các chuyên gia, vùng cao su Tây Bắc tập trung tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái. Với quy hoạch phát triển thí điểm là 50.000 ha, hiện nay số diện tích quy hoạch này đã hoàn thành. Tỉnh ta hiện đã trồng được trên 12.500 ha cây cao su, tập trung ở các xã vùng thấp Sìn Hồ, vùng dọc 2 con sông: Nậm Na và sông Nậm Mu. Theo mục tiêu đến 2020 tỉnh sẽ có khoảng 20.000 ha và đến 2030 sẽ ổn định ở mức 30.000 ha. Việc phát triển cao su đã và đang đem lại việc làm, thu nhập ổn định cho gần 3.500 lao động, trong đó có đến 90% là con em đồng bào địa phương.
Đánh giá về việc phát triển cao su của tỉnh ta các chuyên gia cho rằng, cây cao su là cây có giá trị kinh tế cao và là cây đa mục đích. Nếu phát triển tốt, đúng hướng cây vừa cho giá trị kinh tế, vừa giải quyết vấn đề xã hội và vừa giải quyết vấn đề môi trường. Tuy nhiên các chuyên ra cũng có những băn khoăn nhất định khi cho rằng vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh ta nói riêng là vùng chưa được nghiên cứu nhiều. Không phải là vùng truyền thống phát triển cây cao su, lại bị hạn chế về địa hình khí hậu? nên việc phát triển cây cao su phải rất thận trọng và không nên phát triển bằng mọi giá.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Lung cho rằng: So với năng suất đại trà vùng Nam bộ, cao su ở tỉnh ta năng suất mủ sẽ thấp hơn rất nhiều. Tuy nhiên trồng cao su ở Lai Châu ngoài kinh tế còn góp phần giải quyết vấn đề môi trường và dân sinh. Do đó Giáo sư Lung cho rằng tỉnh ta chỉ nên phát triển ở những vùng tối ưu hoá, nghĩa là những vùng thích hợp với cây cao su thực sự cả về khí hậu, địa hình. Như thế sẽ đảm bảo đủ cả ba yếu tố nêu trên và có thể phát triển bền vững được.
Đồng quan điểm với Giáo sư Lung, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Đình Khả cho rằng cây cao su ở tỉnh ta đã qua một thời gian thực tế và cho thấy khả năng sinh trưởng bình thường nên có thể thấy những vùng phát triển cao su ở tỉnh ta là phù hợp Tuy nhiên nếu tiếp tục mở rộng diện tích tỉnh cần chú ý đến yếu tố địa hình, thời tiết và sự phù hợp của giống để phát triển một cách hợp lý nhất có thể. Do cây cao su là loài cây không thể chặt bỏ như cây nông nghiệp ngắn ngày nên chọn giống vừa lấy mủ vừa lấy gỗ và trồng xen các loại cây lương thực, hay các loại cây thuốc… để đảm bảo tối ưu về bài toán kinh tế và môi trường. Vị Giáo sư này cũng đề nghị tỉnh chỉ nên phát triển theo quy hoạch và phải có cơ sở sơ chế. Nên có đánh giá khả năng cho mủ và chịu rét của một số giống đã trồng tại các tiểu vùng làm cơ sở phát triển cao su bền vững cho toàn tỉnh.
Cũng như các vị Giáo sư trên, chuyên gia, các nhà khoa học và các đại biểu tham gia Hội nghị đều nhận định việc phát triển cao su của tỉnh ta hiện đang đúng hướng và mở ra cơ hội phát triển mới cho các vùng và nhân dân địa phương. Tuy nhiên khi phát triển cần phải đảm bảo được một số vấn đề như: Vùng, giống phù hợp, thời vụ, phương thức trồng phải đảm bảo kỹ thuật, phải có các biện pháp phòng trừ sâu bệnh…
Nhận định về đánh giá của chuyên gia cũng như hướng phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh ta hiện tại và trong thời gian tới, ông Lê Trọng Quảng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Ý kiến các chuyên gia cung cấp rất nhiều thông tin bổ ích về tình hình phát triển cây cao su trên thế giới, trong nước và đặc biệt là tỉnh ta. Với những thông tin, nhận định đó, tỉnh có thể yên tâm để tiếp tục phát triển cây cao su ở 3 tiểu vùng như đã quy hoạch. Tỉnh cũng sẽ phát triển một cách chắc chắn chứ không làm theo phong trào và sẽ tính toán để đảm bảo cả mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Trước mắt tỉnh chưa cho phát triển cao su tiểu điền mà đang tập trung để có bước đi vững chắc với cao su đại điền.
Theo Báo Lai Châu
//Tin tự động cập nhật//