Thế giới:

Giá cao su thiên nhiên giao kỳ hạn tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo, Nhật Bản (Tocom) đang ở mức rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung dư thừa, trong khi nhu cầu tiêu thụ cao su của Trung Quốc – nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suy giảm. Trong 20 ngày đầu tháng 11/2014, giá cao su kỳ hạn và giao ngay biến động tăng giảm thiếu ổn định. Giá cao su hợp đồng benchmark giao tháng 4/2015 chốt phiên 11/11 giảm 0,8 yên, xuống còn 198,8 yên/kg, giá phiên trước đó (10/11) giảm 0,6% do tỉ giá đồng yên/USD giảm xuống mức thấp trong 7 và nhập khẩu cao su Trung Quốc trong tháng 10/2014 giảm. Giá cao su hợp đồng kỳ hạn gần nhất, giao tháng 11/2014 đóng cửa phiên 12/11 ở mức 184 yên/kg, giảm 5 yên so với giá đóng cửa phiên cuối tuần trước (7/10) và giảm tới 8,6 yên so với ngày 31/10. Sức ép từ yếu tố giá dầu thế giới sụt giảm cũng đè nặng lên thị trường cao su kỳ hạn. Giá dầu giảm liên tục nhiều tháng qua khi tăng trưởng nhu cầu yếu ớt trong khi nguồn cung liên tục tăng. Giá dầu Brent giao tháng 12/2014 trên sàn ICE Futures Europe giảm 67 UScent (-0,8%) xuống 81,67 USD/thùng, thấp nhất kể từ 19/10/2010. Mức giá này đã giảm 29% kể từ mức đỉnh hồi tháng 6.

Báo cáo ngành hàng cao su tháng 11/2014

Về cuối tháng, giá cao su giao kỳ hạn tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo, Nhật Bản (Tocom) đã ra khỏi mức thấp của tuần trước đó, tuy nhiên xu hướng biến động giá vẫn giảm. Nền kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái, các thông tin kinh tế ảm đạm về thị trường chứng khoán Tokyo khiến đô la Mỹ tăng mạnh so với đồng Yên lên mức cao trong 7 năm là nguyên nhân chính đẩy giá cao su kỳ hạn đi xuống. Cuối phiên giao dịch 18/11, giá cao su hợp đồng tháng 11/2014 đạt 187,6 Yên/kg, giảm 5,5 Yên so với giá đóng cửa phiên 13/11. Hợp đồng benchmark giao tháng 4/2015, hợp đồng có số lượng giao dịch lớn nhất cuối phiên 18/11 chỉ còn 200,2 Yên/kg, so với 206 Yên/kg hôm 13/11. Giá dầu thế giới phiên 19/11 giảm sau khi số liệu cho thấy dự trữ dầu của Mỹ bất ngờ tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 4/7/2014. Giá dầu Brent giao tháng 1/2015 trên sàn ICE Futures Europe giảm 37 cent (-0,5%) xuống 78,1 USD/thùng. Giá dầu liên tục giảm trong những tháng qua do lo ngại dư cung toàn cầu, một phần do sản lượng dầu của Mỹ liên tục tăng.

Các yếu tố tác động đến thị trường cao su thế giới trong tháng 10/2014 bao gồm:

– Ngày 12/11/2014, đồng đô la Mỹ đã tăng lên mức cao nhất 6 năm so với đồng Yên Nhật do giới đầu tư bắt đầu bán tháo Yên sau lời kêu gọi bầu cử sớm của Thủ tướng Shinzo Abe. Tỉ giá USD/Yên là 115,8.

– Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 10/2014 tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này ngang với số liệu ghi nhận được trong tháng 9 và cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 1/2010.

– Thị trường cao su châu Á đang chờ tin tức từ cuộc họp bàn phương hướng giải quyết tình trạng giá cao su giảm mạnh của ba nước sản xuất cao su hàng đầu thế giới là Thái Lan, Ma-lai-xia và In-đô-nê-xia.

– Giá dầu thế giới phiên 19/11 giảm sau khi số liệu cho thấy dự trữ dầu của Mỹ bất ngờ tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 4/7/2014. Giá dầu Brent giao tháng 1/2015 trên sàn ICE Futures Europe giảm 37 cent (-0,5%) xuống 78,1 USD/thùng.

Việt Nam:

Thị trường cao su trong nước vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, giá cao su nguyên liệu tiếp tục đi xuống trong nửa đầu tháng 11/2014. Tại Bình Phước, giá thu mua mủ tạp dạng nước ngày 12/11 đứng ở mức 7.520 đ/kg, giảm so với 7.840 đ/kg cuối tuần trước, đây vẫn là mức giá thấp chưa từng có trong lịch sử. Giá mủ cao su RSS3 tại Bình Phước ngày 12/11 giảm còn 28.000 đ/kg, so với 28.300 đ/kg ngày 5/11; cao su SVR10 giảm còn 22.800 đ/kg so với 23.100 đ/kg; cao su SVR3L giảm còn 27.800 đ/kg so với 28.100 đ/kg.

Báo cáo ngành hàng cao su tháng 11/2014

Thị trường cao su trong nước bất ngờ tăng lên vào cuối tuần trước, thêm 600.000 đồng mỗi tấn, do có thông tin Thái Lan đang bị lũ lụt nên có khoảng 240.000 hecta cao su của nước này bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, sau khi có thông tin các nhà sản xuất của Ấn Độ đã đề nghị Chính phủ áp thuế chống bán phá giá hoặc tăng mức thuế nhập khẩu đối với cao su thiên nhiên nhập khẩu các nước Đông Nam Á, giá cao su trên thị trường giảm mạnh. Tuy nhiên, ngay sau đó giá tăng lại. Tại Bình Phước, giá cao su RSS 3 tăng mạnh lên 28.900 đ/kg vào ngày 14/11, cao su SVR3L đạt 28.700 đ/kg, cao su SVR10 đạt 23.600 đ/kg, mủ cao su tạp đạt 11.300 đ/kg. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, giá cao su trong nước không còn giữ được mức này. Ngày 19/11, giá cao su RSS3 giảm trở lại mức 28.100 đ/kg, cao su SVR3L giảm còn 27.900 đ/kg, cao su SVR10 giảm còn 23.000 đ/kg.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), kể từ đầu tháng 11/2014, giá cao su Việt Nam xuất khẩu chào bán vẫn không thay đổi, giá SVR 3L xuất khẩu vẫn là 1.580 USD/tấn. Giá SVR 3L của Việt Nam xuất khẩu trung bình hai tuần đầu tháng 11/2014 đạt 1.580 USD/tấn, tăng 62 USD/tấn (+4,1%) so với mức trung bình trong tháng 10/2014, nhưng giảm 718 USD/tấn (-31,3%) so với tháng 11/2013.

Báo cáo ngành hàng cao su tháng 11/2014

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su cả nước trong tháng 10/2014 đạt 147.491 tấn, kim ngạch đạt hơn 221 triệu USD, tăng 15,6% khối lượng và 7,1% giá trị so với tháng 9/2014. Tính đến hết tháng 10/2014, xuất khẩu cao su ước đạt 841.170 tấn, giá trị đạt hơn 1,450 tỷ USD, tăng 1% khối lượng nhưng giảm 25,9% giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Đơn giá xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2014 đạt khoảng 1.724 USD/tấn, giảm 26,7% so với cùng kỳ. Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cao su Việt Nam trong 10 tháng đầu năm nay, với khối lượng là 366.183 tấn, chiếm 43,5% tổng khối lượng xuất khẩu (giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước), trị giá 614,44 triệu USD, chiếm 42,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su trong 10 tháng 2014 (giảm 28,6% so với cùng kỳ năm trước). Tiếp đến là Ma-lai-xia với 163.428 tấn, chiếm 19,4% tổng khối lượng xuất khẩu cao su (giảm 8,5% so với cùng kỳ 2013) và Ấn Độ 69.345 tấn, chiếm 8,2% (giảm 7,2% so với cùng kỳ).

Nhập khẩu cao su của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2014 đạt 262.971 tấn, trị giá 529,9 triệu USD. Thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu gồm Hàn Quốc, chiếm 21,4% khối lượng cao su nhập khẩu, Nhật Bản 12,5%, và Cam-pu-chia 12,5%. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cao su lớn thứ 6 của Việt Nam, chiếm 5,3 tổng kim ngạch nhập khẩu. So với cùng kỳ năm 2013, tổng khối lượng nhập khẩu cao su từ thị trường này trong 10 tháng đầu năm 2014 đạt 12.613 tấn, trị giá 27,86 triệu USD, tăng 10% khối lượng và 3,1% giá trị.

Nguyễn Lan Anh

Tài liệu tham khảo:

  1. Báo cáo Thống kê của Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), Bộ Nông nghiệp & PTNT
  2. CSDL giá nông sản PMARD của CIS
  3. Tin Reuters
  4. Website: VRA, TTXVN, Vinanet, Vneconomy.

Nguồn: Trung tâm XTTM Bộ NN&PTNT

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác