Thị trường cao su Việt Nam tuần đến ngày 19/1/2015
Trong tuần qua, giá cao su Việt Nam xuất khẩu và cao su tại thị trường trong nước đều giảm.
Kết thúc tuần, giá SVR 3L xuất khẩu đạt 1.580 USD/tấn, giảm 50 USD/tấn (-3,1%) so với ngày đầu tuần và ngày cuối tuần trước đó (09/01).
Cao su SVR 10 xuất khẩu giao dịch ở mức 1.520 USD/tấn vào ngày 16/1, giảm 40 USD/tấn so với đầu tuần, tương đương mức giảm 2,6%; tương tự giá cao su SVR 5 giảm từ 1.580 USD/tấn, xuống còn 1.540 USD/tấn; cao su SVR CV50 giảm xuống 1.610 USD/tấn, giảm 50 USD/tấn.
Giá cao su Việt Nam xuất khẩu chào bán từ 12/1- 16/1/2015 (ĐVT:USD/tấn)
Loại cao su | 12/1 | 13/1 | 14/1 | 16/1 |
SVR CV50 | 1.660 | 1.610 | 1.610 | 1.610 |
SVR 3L | 1.630 | 1.580 | 1.580 | 1.580 |
SVR10 | 1.560 | 1.520 | 1.520 | 1.520 |
SVR 5 | 1.580 | 1.540 | 1.580 | 1.580 |
Nguồn: Vinanet/Hiệp hội cao su Việt Nam
Theo số liệu của Tổng cục hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2014 đạt 1.066.511 tấn, trị giá 1.780.609.946 USD, giảm 0,7% về lượng và giảm 28,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị xuất khẩu giảm phần nhiều do giá bán giảm. Cụ thể, giá xuất khẩu trung bình trong năm 2014 là 1.692 USD/tấn, giảm hơn 27% so với cùng kỳ năm 2013. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất của cao su Việt Nam khi chiếm gần 43% tổng lượng cao su xuất khẩu.
Hiện Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, chủ yếu là cao su thiên nhiên đã qua sơ chế và nhựa cao su Latex (chưa qua sơ chế). Với cách làm này, giá trị gia tăng của ngành cao su không cao và không ổn định. Trong khi đó, giá trị của cao su sẽ tăng gấp nhiều lần nếu sản phẩm thô được đưa vào chế biến sâu.
Theo tính toán của các chuyên gia trong ngành, nếu bán cao su thô được 1, nhưng chuyển sang chế biến thành các sản phẩm cao su thông thường (như săm lốp), giá trị sẽ tăng gấp 8-10 lần; còn nếu chế tạo thành các sản phẩm cao su kỹ thuật, giá trị có thể tăng 18-20 lần. Ngoài ra, việc tập trung chế biến cao su cũng sẽ giúp nền kinh tế giảm thiểu nhu cầu nhập khẩu linh kiện cho các ngành công nghiệp khác.
Tại thị trường trong nước giá cao su giảm từ 700- 1.000 đồng/kg. Ngày 19/1, giá mủ cao su RSS3 giao dịch tại một số thị trường Gia Lai, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương ở mức 26.900 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với ngày 12/1; giá cao su SVR10 giảm từ 22.800 đồng/kg xuống còn 22.000 đồng/kg.
Giá cao su tại thị trường trong nước từ 12-19/1/2015 (ĐVT:đ/kg)
Loại cao su | Thị trường | Ngày 12/1 | Ngày 19/1 |
Mủ cao su RSS3 | Gia Lai – TP.Pleiku | 27.900 | 26.900 |
Cao su SVR10 | Gia Lai – TP.Pleiku | 22.800 | 22.000 |
Mủ cao su tạp (dạng chén) | Gia Lai – TP.Pleiku | 10.100 | 9.400 |
Mủ cao su RSS3 | Bình Phước – Lộc Ninh | 27.900 | 26.900 |
Cao su SVR10 | Bình Phước – Lộc Ninh | 22.800 | 22.000 |
Mủ cao su RSS3 | Đồng Nai – TP.Biên Hòa | 27.900 | 26.900 |
Cao su SVR10 | Đồng Nai – TP.Biên Hòa | 22.800 | 22.000 |
Mủ cao su tạp (dạng chén) | Đồng Nai – TP.Biên Hòa | 10.100 | 9.400 |
Mủ cao su RSS3 | Bình Dương – Bến Cát | 27.900 | 26.900 |
Cao su SVR10 | Bình Dương – Bến Cát | 22.800 | 22.000 |
Mủ cao su tạp (dạng chén) | Bình Dương – Bến Cát | 10.100 | 9.400 |
Năm 2014 là một trong những năm khó khăn nhất của ngành cao su trong nước và là một năm chứng kiến giá cao su thấp nhất trong 5 năm qua khi chạm đáy với giá 1.500 USD/tấn. Nguyên nhân là Trung Quốc- thị trường tiêu thụ lớn nhất lượng cao su Việt Nam trong nhiều năm qua giảm mua vào.
Theo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG): năm 2015 sẽ là năm tiếp tục khó khăn của ngành cao su khi lợi nhuận từ cây cao su sẽ không nhiều. Theo đó, giá cao su trên thị trường sẽ ở mức 31.000 đồng/kg, trong khi giá sản xuất là 30.000 đồng/kg.
T.Nga
Nguồn: Vinanet
//Tin tự động cập nhật//