Dù dự báo sẽ có sự sụt giảm từ năm 2016, nhưng thực tế đã cho thấy nguồn cung cao su thiên nhiên đã bắt đầu sụt giảm từ năm 2015.

Năm 2011, Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) cảnh báo: “Các năm tiếp theo sau năm 2016, thị trường sẽ chứng kiến sự sụt giảm sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu. Các số liệu cho thấy sự thiếu hụt sản lượng cao su thiên nhiên sẽ tiếp tục và mặt hàng này sẽ thiếu hụt cho đến năm 2018 cho dù nhu cầu chỉ tăng ở mức độ vừa phải”.

Mới đây, thông tin từ Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, Thái Lan, Malaysia và Indonesia có nguồn cao su thiên nhiên xuất khẩu lớn nhất thế giới, chiếm 70% sản lượng cao su thiên nhiên thế giới đã đồng ý cắt giảm xuất khẩu cao su thiên nhiên trong năm 2015 để giảm nguồn cung và hỗ trợ giá bán.

Còn trong nước, đang vào mùa khô, sản lượng cao su thiên nhiên sụt giảm. Mặt khác, giá cao su thiên nhiên lao dốc liên tục trong 2 năm qua đã ảnh hưởng đáng kể đến diện tích trồng cây cao su. Nhiều nông dân đã ngưng chăm bón cao su do giá mua thấp, khoảng 5.000 – 6.000 đồng/kg mủ, không đủ bù đắp chi phí.

Cao su thiên nhiên vẫn là nguồn nguyên liệu không thể thay thế hoàn toàn. Do vậy, việc khan hiếm nguồn cung cao su sẽ khiến giá cao su thiên nhiên tăng trong thời gian tới, gây ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm.

Theo Tổ chức Nghiên cứu cao su Quốc tế (IRSG), nguồn cung cao su thiên nhiên 2015 sẽ giảm so với năm 2014 do nông dân bỏ trồng. Tuy nhiên, so với sức cầu vẫn dư 202.000 tấn mủ khô từ mức dư 371.000 tấn năm 2014, khiến giá cao su phục hồi rất chậm.

Mặc dù vậy, cũng có những tin vui cho các doanh nghiệp sản xuất cao su thiên nhiên khi năm 2015, các nhà máy săm lốp như DRC (Công ty CP Cao su Đà Nẵng), CSM (Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam)… dự kiến nâng công suất lên 200.000 lốp/năm, có thể khiến nhu cầu tiêu thụ cao su trong nước tăng nhẹ.

Đồng thời, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã tìm được thị trường xuất khẩu cao su tới 200.000 tấn/năm sang Nhật Bản.

Theo Doanh nhân Sài Gòn

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác