Nhu cầu cao su thiên nhiên toàn cầu dự đoán tiếp tục ảm đạm đến năm 2016 khi tăng trưởng tiêu thụ của Trung Quốc giảm, gia tăng áp lực lên giá.

Dự đoán nhu cầu cao su năm 2016 tăng trưởng 3,5% so với 3,9% năm 2015 và 4,1% năm 2014, theo Hidde Smit, nguyên Tổng thư ký Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRSG). Nhu cầu cao su thiên nhiên của Trung Quốc ước tính năm 2016 tăng 4,8% so với 6% năm 2015 và 7,1% năm 2014.

Giá cao su tương lai đã giảm 75% từ mức kỷ lục năm 2011 khi sản lượng mủ latex tại châu Á tăng mạnh trong khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ thấp nhất kể từ 1990. Giá cao su tuột dốc giúp kéo giảm chi phí sản xuất cho các nhà sản xuất lốp xe nưh Goodyear Tire & Rubber Co. trong khi buộc Thái Lan, Indonesia và Malaysia phải tăng cường nỗ lực hạn chế nguồn cung bằng cách giảm xuất khẩu và chặt bỏ cây cao su.

Ông Smit dự đoán tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới. Trong khi do diện tích cao su tăng mạnh giai đoạn 2005-2011 sẽ khiến nguồn cung tăng theo, trong khi tiêu thụ sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn.

Hôm thứ Hai 23/3 giá cao su tương lai – loại sử dụng sản xuất lốp xe – trên sàn SICOM Singapore đạt 1,427 USD/kg, giảm so với mức đỉnh 5,75 USD ghi nhận hồi tháng 2/2011. Giá có thể vẫn chỉ dao động ở 1,5-1,6 USD/kg cho đến năm 2020, theo dự đoán của ông Smit. 10 năm qua, giá cao su tương lai trung bình đạt 2,54 USD/kg, theo số liệu của Bloomberg.

Chi phí sản xuất giảm

Goodyear, nhà sản xuất lốp xe lớn nhất Bắc Mỹ, công bố doanh thu 1,7 tỷ USD năm 2014, tăng 8% so với năm 2013, chủ yếu nhờ chi phí nguyên liệu giảm, theo báo cáo của công ty hôm 17/2 vừa qua.

Giá cao su năm nay giảm 5,5%, ghi nhận năm thứ 4 giảm liên tiếp. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại khi chính phủ nước này hạn chế nợ chính quyền địa phương, bài trừ tham nhũng và tăng cường quy định về môi trường. Mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm nay được cho là tốc độ thấp nhất kể từ 1990.

Colin Hamilton, phụ trách nghiên cứu hàng hóa tại Macquarrie Group Ltd ở London, cho biết, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại, đặc biệt trong môi trường lạm phát thấp, sẽ kéo giảm nhu cầu hàng hóa công nghiệp, kể cả cao su.

Trong khi đó, ông Prachaya Jumpasut, giám đốc điều hành The Rubber Economist Ltd., cũng dự đoán tăng trưởng nhu cầu toàn cầu chậm lại, song sản lượng còn tăng trưởng chậm hơn nữa, do vậy, đến nay 2016 thế giới sẽ thiếu hụt 470.000 tấn cao su.

Thiếu hụt toàn cầu

Thị trường thế giới sẽ thiếu hụt 449.000 tấn cao su trong năm nay, cao nhất kể từ 2000, kéo giảm tồn kho xuống 2,47 triệu tấn từ mức kỷ lục 3 triệu tấn năm 2014, ông Prachaya – người đã nghiên cứu thị trường cao su hơn 30 năm qua – cho biết.

Tuy nhiên, ông Hidde Smit dự đoán, tồn kho cao su toàn cầu năm 2015 giảm 70.000 tấn, nhưng tăng 75.000 tấn vào năm 2016.

IRSG hồi tháng 1 vừa qua đưa ra ước tính dư thừa cao su toàn cầu năm 2015 đạt 77.000 tấn và 2016 là 51.000 tấn.

Các quan chức từ Thái Lan, Malaysia và Indonesia – 3 nước chiếm 2/3 sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu – hồi tháng 11 năm ngoái đã quyết định hạn chế xuất khẩu nhằm thắt chặt nguồn cung. Thái Lan, nước xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới, cũng đang tiến hành chương trình thu mua cao su từ nông dân với giá cao hơn giá thị trường nhằm đẩy giá cao su nội địa và khuyến khích nông dân chặt hạ cây cao su già cỗi.

Tiêu thụ cao su toàn cầu năm 2016 dự đoán đạt 12,75 triệu tấn, tăng nhẹ so với 12,32 triệu tấn năm 2015, trong khi sản lượng đạt 12,83 triệu tấn năm 2016 và 12,25 triệu tấn năm 2015, theo ước tính của ông Smit. Tiêu thụ cao su của Trung Quốc dự đoán tăng lên 5 triệu tấn năm 2016 từ 4,78 triệu tấn năm 2015 và 4,51 triệu tấn năm 2014.

– Nguồn: Bloomberg/Gafin

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác