Các nhà sản xuất cao su chủ chốt châu Á, kể cả Sri Trang Agro-Industry Plc, đang lên kế hoạch nâng giá bán, đồng thời tạm dừng giao hàng tại sàn SICOM.

Các nhà sản xuất và nhiều tổ chức ngành cao su cho biết dự định thu phí đối với hợp đồng kỳ hạn từ nửa cuối năm 2015, một động thái đánh dấu sự thay đổi cơ bản trong ngành cao su trong bối cảnh giá liên tục lao dốc, khiến nông dân cao su rơi vào cảnh nợ nần và phá sản.

Nhà sản xuất cao su quy mô lớn Halcyon Agri Corp Ltd  – cùng với Sri Trang chiếm gần 1/5 tổng sản lượng cao su toàn cầu – và ít nhất 8 nhà sản xuất khác tại Thái Lan và  Indonesia cũng tham gia kế hoạch này.

Paitoon Wongsasutthikul, nhà phân tích tại hãng môi giới Agrowealth ở Bangkok, cho biết, nếu động thái này được tiếp nối bằng hành động cụ thể, sẽ có thay đổi cơ bản trên thị trường cao su.

Giá cao su toàn cầu đang lao dốc xuống gần mức thấp nhất kể từ 2009 do dư cung và nhu cầu ảm đạm của Trung Quốc.

Người phát ngôn của Sri Trang tại Thái Lan cho biết, giá cao su trên sàn SICOM Singapore không còn phản ánh đúng chi phí của hoạt động sản xuất cao su và Sri Trang sẽ ngừng giao hàng đến sàn giao dịch SICOM.

Sri Trang không có ý định thao túng giá. Tất cả những gì các nhà sản xuất cao su hướng đến là có được mức giá công bằng, phản ánh đúng chi phí sản xuất.

Sản lượng hàng năm của Sri Trang đạt 1,2 triệu tấn, cao hơn tổng sản lượng của Việt Nam, nước sản xuất cao su số 3 thế giới.

Một số nhà sản xuất cao su Thái Lan – đang bán hàng sang Trung Quốc, nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới – đang tìm cách tăng mức giá chênh lệch lên 30-40 USD/tấn so với giá trên sàn SICOM từ 10-20 USD/tấn hiện nay, theo nguồn thạo tin.

Halcyon và một số nhà sản xuất cao su Thái Lan hôm thứ Tư 22/4 đã nhóm họp với các nhà sản xuất lốp xe và quan chức sàn SICOM để thảo luận các biện pháp.

Theo tin từ cuộc họp, các nhà sản xuất lốp xe tuyên bố không phản đối việc tăng giá bán nhưng cũng sẽ xem xét mua cao su từ các nhà sản xuất khác. Tuy nhiên, vẫn chưa có thỏa thuận rõ ràng giữa các nhà sản xuất về kế hoạch ngừng giao hàng đến sàn SICOM khi một số nhà xuất khẩu cho biết họ vẫn sẵn sàng tiếp tục việc giao hàng.

Halcyon sẽ đi tiên phong trong việc tạm ngừng giao hàng đến sàn SICOM, giám đốc điều hành Robert Meyer tuyên bố.

Giá cao su vật chất hiện cao hơn 3-4 cent/kg so với giá trên sàn SICOM, ông Meyer cho biết.

Cũng theo ông Meyer, các nhà sản xuất sẽ đàm phán trực tiếp với người sử dụng cuối cùng như các nhà sản xuất lốp xe thay vì thông qua trung gian.

Các nhà sản xuất cao su Thái Lan như Southland Rubber, Thai Hua Rubber, Rubberland Products và Num Hua, thông báo với Hiệp hội Cao su Thái Lan rằng họ sẽ tiến hành các biện pháp tương tự.

Hiệp hội Cao su Indonesia (GAPKINDO) cũng lên tiếng ủng hộ kế hoạch nêu trên, chủ tịch GAPKINDO Daud Husni Bastari cho biết.

Kế hoạch nêu trên của các nhà sản xuất cao su được đưa ra tiếp theo những nỗ lực của các nước sản xuất cao su chủ chốt châu Á nhằm nâng giá bán trong những năm gần đây như hạn chế xuất khẩu và trợ cấp nông dân.

Nguồn: Nhipcaudautu.vn/Reuters

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác