Có những chính sách nông nghiệp đã ra đời được 12 năm nhưng chẳng thấy kết quả đâu, trong khi lại có những chính sách để giải quyết vụ việc lại quá hấp tấp ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp.

Tại buổi Tọa đàm “Tiêu thụ nông, thủy sản: Liên kết từ sản xuất tới thị trường” do cổng thông tin Chính phủ tổ chức sáng nay 27-4, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), nói: “Từ phía doanh nghiệp chúng tôi thấy chính sách nông nghiệp vừa đủng đỉnh vừa hấp tấp.”

Theo ông Dũng, mặc dù Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về tiêu thụ nông sản và liên kết sản xuất đã ban hành được 12 năm nhưng kết quả chưa thấy gì. Điều này cho thấy tính đủng đỉnh của chính sách. Trong khi đó, cơ quan quản lý giải quyết sự vụ lại quá hấp tấp dẫn tới nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp.

Ông Dũng kể lại năm 2002, ngành cá tra Việt Nam bị Mỹ kiện và gặp rất nhiều khó khăn, xuất khẩu lúc đó chỉ 80 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, tới nay xuất khẩu đã đạt 1,8 tỉ đô la Mỹ. Vụ kiện đã gây khó khăn lớn cho ngành cá tra nhưng chính sức cản từ bên ngoài này làm cho ngành cá tra lớn mạnh. Trong khi đó, Nghị định 36 về cá tra đưa ra năm ngoái, chỉ một động tác đó đã khiến hàng loạt doanh nghiệp tuyên bố nếu không thay đổi thì chỉ còn nước đóng cửa.

“Tại sao Mỹ gây khó khăn cho mình 12 năm như vậy mà mình còn vượt lên, mà một chính sách rất nhỏ của Chính phủ đưa ra gây khó như vậy?” ông Dũng đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, mô hình sản xuất đã thay đổi nhưng chính sách chưa thay đổi hoặc thay đổi rất chậm.

Năm 2002, doanh nghiệp chế biến cá tra mới nuôi 5% sản lượng cá tra cả nước, nhưng tới giờ doanh nghiệp tham gia trực tiếp nuôi cá tra đã lên tới 70%. Có nghĩa mô hình sản xuất đã thay đổi trong chuỗi giá trị. Trước kia chu kỳ sản xuất của doanh nghiệp chỉ mua cá của dân, chế biến và xuất đi trong vòng 4 tháng. Nhưng tới giờ, thời gian nuôi và chế biến dài hơn, lên tới 12 hoặc 14 tháng nhưng chu kỳ vay tiền vẫn như cũ. Doanh nghiệp thiếu tiền nên lấy vốn vay ngắn hạn để làm dài hạn. Chính điều này đã làm cho nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành thủy sản đổ vỡ.

Bên cạnh đó, quy hoạch thì rất đẹp vì đó là trên hình vẽ nhưng không có ai đôn đốc thực hiện, giám sát quy hoạch, không có cơ chế để phạt sai phạm tại các tỉnh, địa phương, liên vùng, tức không có sự phối hợp.

“Việt Nam hay nói chữ phối hợp và đây cũng là chữ mà chúng ta làm yếu nhất; trong thực tế thì chúng ta phối hợp rất kém,” ông Dũng bức xúc.

Xuất khẩu nông sản giảm mạnh là do cung vượt cầu

Lý giải nguyên nhân về việc kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản suy giảm hơn 13% trong quý I năm nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, sự sụt giảm này có nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất năm 2015, biến động trên thị trường thế giới tương đối bất ngờ, cân đối cung cầu trên thị trường thế giới có thay đổi nhiều so với cùng kỳ. Cung thị trường thế giới tăng đột biến với một số sản phẩm như gạo và thủy sản, cao su…Đi kèm với đó là diễn biến giá xuất khẩu nông sản lại liên tục bị giảm, thậm chí giảm sâu như cà phê, thủy sản.

Một số mặt hàng khác, mặc dù sản lượng không thay đổi nhưng cầu tương đối yếu do suy thoái kinh tế, nên lượng tiêu thụ thấp.

Còn một số vấn đề khác nhưng mang tính dài hạn cố hữu của nền sản xuất trong nước, theo Thứ trưởng Tuấn Anh là do trình độ công nghệ trong chế biến nông sản mặc dù đã cải thiện trong thời gian gần đây nhưng còn khoảng cách. Tổ chức sản xuất dựa chủ yếu quy mô hộ cá thể dẫn tới quy mô sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ và năng suất lao động, chất lượng sản phẩm thấp trong khi đây là những yếu tố quan trọng hình thành chuỗi giá trị nông sản.

Năng lực của doanh nghiệp kể cả chế biến xuất khẩu thủy sản, cao su, gạo còn hạn chế về tài chính và thị trường.

“Đây là những nguyên nhân gây nên sự sụt giảm xuất khẩu trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh và mạnh, tạo ra áp lực lớn cả thị trường quốc tế và nội địa,” ông Tuấn  Anh nói.

Bổ sung ý kiến của Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), cho hay, trong quí 1, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực giảm sâu như gạo giảm 28,1%, cà phê  giảm trên 40% và thủy sản trên 20%…Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do cung vượt cầu. Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu nhỏ lẻ, chưa xây dựng được thương hiệu nên thâm nhập thị trường thế giới gặp nhiều khó khăn.

Riêng đối với lĩnh vực thủy sản, ông Dũng của Vasep cho hay, do năm 2014, các nước nhập khẩu nhiều, lượng hàng tồn lại quí 1 nhiều hơn do đó nhu cầu nhập những tháng đầu năm giảm đi.

“Chúng ta cần bình bĩnh. Chuyện thị trường, lên xuống là chuyện cần được nhìn dài hạn. Có những biện pháp ngắn hạn nhưng không cần quá vội vã,” ông Dũng nói.

Song ông Dũng nói, trong giải pháp điều hành cả dài hạn và ngắn hạn hình như chưa có sự phối hợp chặt chẽ và có sự tách nhóm giữa mục tiêu của Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương và doanh nghiệp.

Một cách khá hình tượng, ông Dũng nói: “Bộ NNPTNT chỉ tập trung vào tấn nông sản, bộ Công Thương vào tỉ đô la nhưng doanh nghiệp họ chỉ tính tới lợi nhuận. Do đó 3 nhóm này cần có sự phối hợp thì mới tránh gây khó khăn cho nhau, nếu không sẽ kìm hãm nhau phát triển.”

– Thời báo KTSG

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác