Giá cao su thiên nhiên trong tuần từ ngày 08/6 đến 12/6/2015
Trong tuần từ ngày 08/6 đến 12/6/2015, giá cao su thiên nhiên tại các sàn giao dịch trên thế giới đều giảm nhẹ so với tuần trước. Kết thúc tuần, ngày 12/6, giá cao su RSS 3 trên sàn TOCOM Nhật Bản hợp đồng giao tháng 11/2015 là 1.881 USD/tấn, giảm 1,8% so với cuối tuần trước; giá cao su TSR 20 kỳ hạn tháng 7/2015 trên sàn SICOM Singapore là 1.587 USD/tấn (-1,7%); giá SMR 20 của Malaysia xuất khẩu do Tổng cục Cao su Malaysia (MRB) chào bán ở mức1.590 USD/tấn (-0,9%); giá SVR 3L xuất khẩu chào bán của Việt Nam ở mức 1.790 USD/tấn, không thay đổi so với cuối tuần trước.
Tin tức liên quan đến thị trường cao su trong tuần
– Giá dầu phiên ngày 08/5/2015 giảm do lo ngại sản lượng dầu của Mỹ tiếp tục tăng trong khi nhu cầu nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc suy yếu. Chốt phiê, giá dầu WTI ngọt nhẹ giao tháng 7/2015 trên sàn Nymex New York giảm 99 cent xuống còn 58,14 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent chuẩn toàn cầu giao tháng 7/2015 trên sàn ICE Futures Europe London giảm 62 cent xuống còn 62,69 USD/thùng.
– Theo báo cáo mới được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 08/6/2015, trong tháng 5/2015, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc (tính theo đồng Nhân dân tệ) giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2014 và kim ngạch nhập khẩu giảm 18,1% so với cùng kỳ. Xuất khẩu đã sụt giảm 3 tháng liên tiếp trong khi nhập khẩu có tháng suy giảm lần thứ 7. Những số liệu ảm đạm về tình hình xuất nhập khẩu trùng khớp với các số liệu cho thấy lượng vốn đầu tư cũng sụt giảm, khiến mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm 2015 của Thủ tướng Lý Khắc Cường bị đe dọa.
– Phiên ngày 09/6/2015, đồng Yên tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt khi giá sản xuất tại Trung Quốc giảm khiến giới đầu tư đổ tiền vào những tài sản được cho là giữ giá trị như Yên Nhật trong bối cảnh thị trường đầy biến động. Chốt phiên ngày 09/6, đồng Yên tăng 0,2% so với USD, ghi nhận phiên thứ 2 tăng liên tiếp, lên 124,3 Yên/USD.
– Dự trữ cao su tại Nhật Bản đạt 12.708 tấn tính đến ngày 20/5/2015, tăng 4% so với số liệu dự trữ trước đó, theo Hiệp hội Kinh doanh cao su Nhật Bản cho biết. Bên cạnh đó, tồn kho cao su được giám sát bởi sàn Giao dịch tương lai Thượng Hải tính đến ngày 12/6 cũng đã tăng 1,4% so với 1 tuần trước đó.
– Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, doanh số ô tô của Trung Quốc đã giảm tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 5/2015, đây là lần giảm liên tiếp đầu tiên kể từ cuối năm 2011 cho thấy sự suy yếu của nền kinh tế nước này. Theo đó, doanh số xe ô tô con và xe thương mại trong tháng 5/2015 đạt tổng cộng 1,9 triệu chiếc, giảm 0,5% so với tháng 4/2015 và giảm 0,4% so với cùng kỳ tháng 5/2014.
– Ngày 10/6/2015, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã hạ triển vọng tăng trưởng toàn cầu năm 2015 xuống 2,8%, thấp hơn so với 3% dự báo hồi tháng 1/2015 và thúc giục các nước thắt lưng buộc bụng.
Diễn biến giá cao su trên thị trường quốc tế trong tuần 08/6 – 12/6/2015
Trong tuần qua, giá cao su RSS 3 giao tháng 11/2015 trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Tokyo (TOCOM) giảm trong hai phiên đầu tuần do ảnh hưởng bởi đồng Yên tăng giá so với USD, giá dầu giảm và các nhà đầu tư chốt lời do lo ngại tình hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Sau khi tăng nhẹ vào giữa tuần thì giá cao su tiếp tục giảm trong phiên cuối tuần do chịu ảnh hưởng bởi các thông tin bất lợi như doanh số ô tô của Trung Quốc đã sụt giảm trong tháng 5/2015 và tồn kho cao su tại Nhật Bản và Trung Quốc gia tăng cũng như sản lượng thu hoạch tại các nước Đông Nam Á tăng trở lại sau thời gian ngưng cạo đã gây áp lực đến giá cao su. Kết thúc tuần (12/6), giá cao su RSS 3 giao tháng 11/2015 (TOCOM), đạt 1.881 USD/tấn, giảm 20 USD/tấn (-1,0%) so với ngày đầu tuần (08/6) và giảm 34 USD/tấn (-1,8%) so với ngày cuối tuần trước (05/6).
Trong tháng 6/2015, từ ngày 01 – 12/6/2015, giá cao su RSS 3 (TOCOM) trung bình đạt 1.919 USD/tấn đối với loại hợp đồng giao sau 5 tháng, tăng 67 USD/tấn (+3,6%) so với mức giá trung bình tháng 5/2015 nhưng giảm 75 USD/tấn (-3,8%) so với tháng 6/2014.
Giá cao su TSR 20 kỳ hạn trên sàn SICOM Singapore tuần qua biến động tương tự như tại sàn TOCOM. Vào cuối tuần, ngày 12/6, giá cao su TSR 20 hợp đồng giao tháng 7/2015 đạt 1.587 USD/tấn, tăng 3 USD/tấn (+0,2%) so với ngày đầu tuần nhưng giảm 27 USD/tấn (-1,7%) so với ngày cuối tuần trước (05/6).
Trong tháng 6/2015, từ ngày 01 – 12/6/2015, giá TSR 20 trung bình hợp đồng giao sau 1 tháng đạt 1.614 USD/tấn, tăng 65 USD/tấn (+4,2%) so với trung bình tháng 5/2015, nhưng giảm 95 USD/tấn (-5,6%) so với tháng 6/2014.
Tại Sở Giao dịch Cao su Malaysia (MRE), giá cao su SMR 20 xuất khẩu do MRB chào bán biến động như tại hai sàn TOCOM và SICOM. Kết thúc tuần, ngày 12/6, giá SMR 20 đạt 1.590 USD/tấn, tăng 8 USD/tấn (+0,5%) so với ngày đầu tuần nhưng giảm 14 USD/tấn (-0,9%) so với ngày cuối tuần trước.
Trong tháng 6/2015, từ ngày 01 – 12/6/2015, giá SMR 20 trung bình do MRB chào bán đạt 1.602 USD/tấn, tăng 80 USD/tấn (+5,2%) so với trung bình tháng 5/2015 nhưng giảm 111 USD/tấn (-6,5%) so với tháng 6/2014.
Giá cao su Việt Nam xuất khẩu chào bán trong tuần 08/6 – 12/6/2015
Trong tuần từ 08/6 – 12/6/2015, giá cao su Việt Nam xuất khẩu chào bán không thay đổi so với ngày đầu tuần và ngày cuối tuần trước, giá SVR 3L xuất khẩu chào bán vẫn là 1.790 USD/tấn.
Trong tháng 6/2015, từ ngày 01 – 12/6/2015, giá SVR 3L của Việt Nam xuất khẩu chào bán đạt trung bình 1.778 USD/tấn, tăng 98 USD/tấn (+5,8%) so với mức trung bình trong tháng 5/2015, nhưng giảm 187 USD/tấn (-9,5%) so với tháng 6/2014.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam
//Tin tự động cập nhật//