Diễn biến thị trường nông lâm thủy sản trong nước tháng 6/2015
Trong tháng 6, giá lúa, gạo tại các tỉnh ĐBSCL có chiều hướng giảm do xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường chính tiếp tục gặp khó khăn, trong khi xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc cũng không khá hơn do cấm biên từ phía nước bạn. Giá thu mua hạt điều khô trong tháng nhìn chung diễn biến theo xu hướng giảm do lượng điều nhập khẩu tăng nhẹ. Tại TP. HCM và nhiều tỉnh Nam Bộ, nhiều loại trái cây giảm giá mạnh do đang vào mùa thu hoạch với điều kiện thời tiết thuận lợi khiến sản lượng dồi dào. Giá tôm thẻ nguyên liệu tại ĐBSCL tăng một phần do nguồn cung tôm nguyên liệu không còn nhiều, một phần khởi sắc.
Tình hình thị trường một số mặt hàng chủ yếu như sau:
Lúa gạo: Trong tháng 6, thị trường lúa, gạo tại các tỉnh ĐBSCL rất ít giao dịch, và có chiều hướng giảm. Việc Việt Nam trúng thầu cung cấp 150.000 tấn gạo cho Phi-lip-pin trong cuộc đấu thầu ngày 16/6 không đủ tác động đến diễn biến giá do khối lượng quá nhỏ. Xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường chính tiếp tục gặp khó khăn, trong khi xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc cũng không khá hơn do phía bạn cấm biên. Giá lúa tại một số tỉnh ĐBSCL diễn biến như sau: tại An Giang, lúa IR 50404 giảm từ 4.250 đ/kg xuống còn 4.150 đ/kg; lúa OM 2514, OM 1490, OM 2717 giảm từ 4.500 đ/kg xuống còn 4.400 đ/kg; lúa jasmine ổn định ở mức 5.700 – 5.800 đ/kg. Tại Bạc Liêu, lúa chất lượng cao ổn định ở mức 5.200 – 5.300 đ/kg đối với lúa khô. Tại Kiên Giang, lúa tẻ thường ở mức 5.300 đ/kg, lúa dài ở mức 5.600 đ/kg.
Hiện một số tỉnh ĐBSCL đã thu hoach lúa Hè Thu sớm, tuy nhiên giá lúa đang có dấu hiệu sụt giảm. Tại Cần Thơ, lúa IR50404 tươi bán tại ruộng chỉ dao động từ 4.0 – 4.150 đ/kg, giảm khoảng 150 – 200 đồng/kg so với đầu vụ. Các giống lúa chất lượng cao bán tươi dao động ở mức từ 4.250 – 4.600 đ/kg tùy theo địa phương và điều kiện vận chuyển. Lúa thơm jasmine nằm ở mức 4.700 – 4.800 đ/kg.
Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm, giá lúa tại các tỉnh ĐBSCL diễn biến giảm do thiếu vắng các hợp đồng xuất khẩu mới và nhu cầu nhập khẩu với khối lượng thấp của các khách hàng là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp xuất khẩu chỉ thu mua cầm chừng bởi lượng hàng tồn trong kho vẫn còn. Trong thời gian diễn ra thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo theo chủ trương của Chính phủ (từ 1/3 đến 15/4), giá lúa trên thị trường nội địa có tăng nhẹ, song xu hướng này không giữ được lâu do nguồn cung từ thu hoạch vụ Đông Xuân dồi dào. Tính từ đầu năm đến nay, giá lúa tại An Giang đã giảm 400 – 500 đ/kg, tại Bạc Liêu đã giảm 600 – 700 đ/kg, tại Kiên Giang giảm 300 – 400 đ/kg.
Cà phê: Trong tháng 6, giá cà phê trong nước biến động tăng mạnh theo xu hướng giá thế giới. So với cuối tháng 5, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên ngày 23/6 tăng 3.200 – 3.800 đ/kg lên 38.000 – 38.800 đ/kg. Giá cà phê tăng trong tháng qua đã khuyến khích các nhà đầu cơ Việt Nam và một số nông dân bán đi một phần kho dự trữ của mình. Tuy nhiên, nhìn lại 6 tháng đầu năm 2015, giá cà phê trong nước có xu hướng giảm. Lượng hàng bán ra của nông dân chậm do giá chưa được như mức mong đợi và tâm lý tích trữ cà phê bởi kỳ vọng giá tăng khi sản lượng vụ tới có thể giảm.
Cao su: Trong tháng 6, giá mủ cao su tại Bình Phước diễn biến tăng tích cực, từ 7.040 đ/kg lên 9.600 đ/kg đối với mủ tạp 32 độ/kg. Đồng thời, giá mủ cao su tại Phú Yên cũng tăng trở lại sau thời gian rớt giá mạnh. Hiện giá mủ cao su được các thương lái thu mua ở mức 12.000 đ/kg mủ đông, tăng 4.000 đ/kg so với giá bình quân vụ năm 2014, tương đương với giá mủ năm 2013, nhưng cũng chỉ bằng 1/3 giá của năm 2010. Trong khi đó, giá cao su thành phẩm tại các tỉnh Bình Phước, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương lại giảm nhẹ so với tháng 5. Cụ thể, cao su SVR3L giảm từ 31.400 đ/kg xuống còn 29.800 đ/kg; cao su SVR10 giảm từ 25.800 đ/kg xuống còn 24.600 đ/kg.
Trong 6 tháng đầu năm, không khí ảm đạm bao trùm lên thị trường cao su nội địa do giá cao su thế giới giảm mạnh trong bối cảnh nền kinh tế thế giới hồi phục chậm, dư cung cao. Giá mủ cao su giảm thấp đã khiến cho người trồng cao su đã bỏ bê chăm bón cho diện tích rừng cao su, không thiết tha cạo mủ do tiền thuê nhân công cao không đủ bù đắp chi phí. Tính chung trong 6 tháng, giá mủ cao su trong nước đã mất 1.000 đồng mỗi kg, từ mức 10.040 đ/kg đầu tháng 1/2015 xuống còn 9.600 đ/kg. Thậm chí có thời điểm giá mủ xuống mức thấp thảm hại, chỉ còn 6.080 đ/kg vào cuối tháng 5/2015.
Chè: Trong tháng 6, giá chè tại Thái Nguyên giữ ổn định so với tháng trước. Cụ thể, tại Thái Nguyên, giá chè xanh búp khô giữ ở mức 130.000đ/kg, giá chè cành chất lượng cao vẫn giữ ở mức giá cao là 200.000đ/kg. Trong khi đó, tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), vào thời điểm giữa tháng giá chè nguyên liệu sản xuất chè xanh giảm 1.000đ so với tháng trước xuống 9.000 đ/kg, giá chè nguyên liệu sản xuất chè đen giảm 1.500đ xuống 4.000đ/kg. Nguyên nhân khiến giá chè tại Lâm Đồng giảm là do truyền thông Đài Loan đưa tin về việc liên tục phát hiện nhiều lô hàng sản phẩm chè đen nhập khẩu từ Việt Nam (chủ yếu từ Lâm Đồng) có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quy định.
Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm, thị trường chè trong nước biến động tăng giảm thất thường. Tại Thái Nguyên, sau biến động tăng bởi nhu cầu tăng mạnh vào dịp Tết Nguyên đán, thì đến nay giá đã giảm dần và ổn định do nhu cầu giảm và sản lượng chè tăng. Trong khi đó, tại Lâm Đồng, giá chè nguyên liệu liên tục tăng mạnh do thời tiết không thuận lợi cho búp chè phát triển, khiến nguồn cung hạn chế. Mặc dù vậy, giá chè trong tháng vừa qua tại Lâm Đồng đã giảm do nguồn thông tin “xấu” từ phía Đài Loan về sản phẩm.
Hạt điều: Trong tháng 6, tại Bình Phước, giá thu mua hạt điều khô nhìn chung diễn biến theo xu hướng giảm do lượng điều nhập khẩu tăng nhẹ. Theo đó, điều hạt khô tại Bình Phước hiện đang được các thương lái thu mua với mức giá là 37.000 đ/kg, giảm 1.0 đ/kg so với hồi đầu tháng. Tuy nhiên, nhìn lại 6 tháng đầu năm, thị trường hạt điều trong nước biến động tăng nhẹ từ mức giá đầu năm là 36.000đ/kg tăng lên mức cao nhất là 38.000đ/kg vào đầu tháng 6/2015 nhờ giá xuất khẩu và nhu cầu tăng.
Hồ tiêu: Giá hạt tiêu trong nước tiếp tục tăng trong tháng 6. Tính đến ngày 19/6, giá thu mua tiêu tại các tỉnh trồng tiêu trọng điểm bao gồm Gia Lai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Lắk và Bình Phước lần lượt đạt ở mức 198.000đ/kg, 203.000đ/kg 199.000đ/kg và 201.000đ/kg. Các nhà xuất khẩu Việt Nam hiện đang có lợi thế được hỗ trợ rất tốt từ các thị trường khác tại châu Á và châu Phi. Với mức giá đang tăng cao, hiện nông dân trồng tiêu chỉ bán ra cầm chừng nhằm trang trải chi phí.
Nhìn cả 6 tháng đầu năm nay, thị trường tiêu Việt Nam luôn nóng và luôn được xem như “vàng đen” trong năm nay. Nông dân Việt Nam chỉ bán ra cầm chừng trang trải chi phí vì họ chỉ cần bán một lượng nhỏ hạt tiêu đã mang lại giá trị rất cao.
Rau quả: Trong tháng 6/2015, tại TP.CHM và nhiều tỉnh Nam Bộ, nhiều loại trái cây giảm giá mạnh do hiện đang vào mùa thu hoạch với điều kiện thời tiết thuận lợi khiến sản lượng dồi dào. Nhiều loại trái cây như thanh long trắng giá chỉ 5.000 đ/kg, thanh long đỏ khoảng 10.000 đ/kg; ổi miền Tây cũng chỉ 7.000 đ/kg; dưa hấu Long An là 6.000 đ/kg; chôm chôm thường 10.000 đ/kg; chôm chôm nhãn là 20.000 đ/kg. So với cùng thời điểm năm ngoái, nhiều loại có mức giá chỉ bằng một nửa. Trái cây giảm giá mạnh nhất là đu đủ với giá bán tại vườn dao động chỉ từ 500-1.000 đ/kg. Do giá đu đủ đang ở mức không thể rẻ hơn, nên nhiều nhà vườn chẳng màng thu hoạch, dẫn đến tình trạng hàng loạt vườn đu đủ bị bỏ hoang.
Cùng với hàng loạt trái cây đặc sản ở các tỉnh Nam Bộ đang vào mùa chín rộ, trái vải miền Bắc cũng rầm rộ “nam tiến” với giá hợp lý. Hiện tại, mặt hàng vải tại khu vực phía Nam có nhiều mức giá khác nhau tùy theo chất lượng và nhu cầu thị trường: vải sấy khô được vận chuyển bằng máy bay có giá 50.000 – 60.000 đ/kg; vải đông lạnh đóng trong thùng xốp dao động 30.000 – 35.000 đ/kg; còn loại vải thường thì giá trung bình khoảng 22.000-25.000 đ/kg.
Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm, thời tiết khá thuận lợi cho việc phát triển nguồn cung trái cây trên cả nước đặc biệt tại các tỉnh miền Nam. Do đó, giá trái cây tại các tỉnh này liên tiếp giảm mạnh trong thời gian gần đây tuy nhiên một số trái cây mang tính giải khát như chanh, cam, bưởi lại đạt mức giá cao so với các năm trước do thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhu cầu tăng mạnh mặc dù nguồn cung khá dồi dào.
Thủy sản: Trong tháng 6, thị trường cá tra nguyên liệu tại khu vực ĐBSCL tiếp tục ảm đạm trong những ngày đầu tháng, các nhà máy gần như không tìm mua cá nguyên liệu cho chế biến. Nhu cầu cá tra nguyên liệu kích cỡ dưới 1kg/con ở mức thấp, hầu như các doanh nghiệp không tìm mua vào nên không hình thành giá thị trường. Trong khi đó, các công ty lại đang đẩy mạnh tìm mua cá tra nguyên liệu có kích cỡ từ 1kg/con trở lên với mức giá 20.000-20.500 đ/kg nhằm phục vụ nhu cầu gia tăng từ các thị trường Á-Âu sau khi tham gia ký kết hiệp định FTA với Việt Nam.
Giá tôm sú nguyên liệu tại ĐBSCL vẫn duy trì ở mức ổn định của tháng trước. Cụ thể, giá tôm sú nguyên liệu tại Cà Mau hiện là 250.000đ/kg (cỡ 20 con/kg); 170.000đ/kg (cỡ 30 con/kg); 150.000 đ/kg (cỡ 40 con/kg). Trong khi đó, giá tôm thẻ tăng nhẹ do nguồn cung tôm nguyên liệu không còn nhiều, một phần sức mua tăng nhẹ. Tại Cà Mau, giá tôm thẻ chân trắng mua tại đầm là 88.000 đ/kg (cỡ 100 con/kg), giá 92.0 đ/kg (cỡ 90 con/kg), và 97.000 đ/kg (cỡ 80 con/kg).
Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm, thị trường cá tra liên tục sụt giảm và hiện ở mức thấp nhất kể từ đầu năm. Kết quả thuế chống bán phá giá lần thứ 10 với sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam của Mỹ là một trong những nguyên nhân làm cho giá cá tra nguyên liệu trong nước giảm mạnh. Ngoài ra, yếu tố đồng Euro giảm mạnh so với USD cũng khiến khách hàng liên tục đòi hạ giá bán, khiến giá cá tra nguyên liệu liên tục giảm.
Thị trường tôm trong 6 tháng đầu năm cũng không mấy khả quan do ảnh hưởng bởi nguồn cung tăng, trong khi nhu cầu nhập khẩu tôm tại nhiều nước chưa tăng. Dự báo giá tôm sẽ không khởi sắc trong thời gian tới cho đến dịp lễ Noel và Tết Dương lịch 2016 khi nhu cầu tiêu thụ tôm của thị trường thế giới tăng trở lại.
Thịt: Trong tháng 6, giá gia cầm tại nhiều tỉnh phía Nam đang diễn biến theo xu hướng tăng do nguồn cung hạn chế. Cụ thể là, tại Vĩnh Long, giá thu mua gà trống ta hơi hiện đạt 80.000 đ/kg, tăng 5.000 đ/kg so với mức giá đạt được hồi đầu tháng. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, giá gà ta bán tại trại đã tăng từ mức 60.000 đ/kg lên 85.000 đ/kg.
Giá thu mua lợn hơi nhìn chung vẫn đang duy trì xu hướng ổn định. Cụ thể là, tại Bà Rịa – Vũng Tàu, lợn hơi đang được thu mua ở mức giá là 47.000 – 48.000 đ/kg; Đồng Nai là 43.000 – 45.000 đ/kg; Nam Định là 37.000 đ/kg.
Muối: Giá muối ở khu vực Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm mạnh, cụ thể: Nam Trung Bộ: muối thủ công từ 250 – 700 đ/kg, muối công nghiệp từ 500 – 800 đ/kg; Đồng bằng sông Cửu Long từ 500 – 1.000 đ/kg; Miền Bắc từ 1.000 – 1.600 đ/kg. Nguyên nhân do thời tiết khô hạn nên lượng muối sản xuất tăng mạnh, lượng muối tồn chờ tiêu thụ trong vụ sản xuất lớn nên dẫn đến giá muối giảm.
Nguồn: Bộ NN&PTNT
//Tin tự động cập nhật//