Vài năm trở lại đây khi giá cao su càng ngày càng xuống thấp, những người trồng cao su đều loay hoay với câu hỏi: Bao giờ thì giá cao su trở lại như thời đỉnh cao hay chí ít là tăng bằng một nửa giá thời đỉnh cao ? Họ đặt câu hỏi và trông chờ giá lên, thay vì thụ động chờ đợi tại sao chúng ta lại không năng động sáng tạo tìm ra các giải pháp khắc phục khó khăn.

Trồng cây keo lai mang lại giá trị kinh tế cao

Trồng cây keo lai mang lại giá trị kinh tế cao

Thời gian gần đây, VRG quyết liệt chỉ đạo các đơn vị thành viên phải giảm suất đầu tư, hạ giá thành, tăng cường cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao giá trị sử dụng đất, đa dạng hóa sản phẩm để tăng thu nhập. Tôi thấy đây là chủ trương đúng đắn và rất cần thiết phải bắt tay vào thực hiện ngay.

Trong khi cao su tiểu điền đã chủ động xen canh các loại cây ngắn ngày như dưa hấu, nghệ, sả hay các cây lâu năm như chanh, keo lai… để tăng thêm thu nhập thì đến nay các công ty nhà nước mới bắt đầu triển khai là quá chậm. Vì vậy, theo chỉ đạo của lãnh đạo VRG, chúng tay không nên dậm chân một chỗ mà phải thay đổi tư duy, thực hiện chính sách “lấy ngắn, nuôi dài”, làm sao để phát triển cao su mà không lỗ, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm trên 1 hecta đất. Tùy vào tình hình thực tế về điều kiện đất đai, khí hậu, con người và nhu cầu thị trường của địa bàn, mỗi công ty nên chọn lựa cây trồng thích hợp để trồng xen canh vào vườn cao su để tăng thêm thu nhập.

Ở bài viết này, tôi xin đề cập đến cây keo lai, là một loại cây có giá trị kinh tế cao, thích hợp với hầu hết các loại đất, dễ trồng và được một số địa phương chọn là cây “xóa nghèo” giúp đời sống bà con ngày càng ổn định bởi giá trị mà cây đem lại. Thực tế thì trong VRG đã có đơn vị trồng keo lai, và hiệu quả đem lại khá cao, đầu ra ổn định.

Theo tài liệu của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, keo lai được phát hiện đầu năm 1972 trong số các cây keo tai tượng trồng ven đường ở Sabah – Malaisia. Keo lai là sự kết hợp giữa keo lá tràm (Acacia Auriculiormis), keo tai tượng và được tuyển chọn từ những dòng có năng suất cao. Tại Việt Nam, giống keo lai ở Ba vì có nguồn gốc từ Australia, được trồng phổ biến ở các nước Đông Nam Á. Ở nước ta, trong những năm gần đây keo lai được trồng rộng rãi trên toàn quốc. Cây mọc tốt ở hầu hết các dạng đất, thích nghi nhất từ vùng Quảng Bình trở vào.

Cho đến nay, keo lai đã được khẳng định là loài cây có khả năng chịu được khô hạn, tăng trưởng nhanh và ưu việt hơn keo lá tràm kể cả đất cát nghèo dinh dưỡng. Keo lai mọc nhanh, cành lá phát triển mạnh, xanh quanh năm. Sau khi trồng 1 – 2 năm đã khép tán, cải thiện được tiểu khí hậu, đất đai nơi trồng, hạn chế dòng chảy. Cây con ba tháng tuổi có 40 – 80 nốt sần cộng sinh, chứa hàng triệu vi khuẩn cố định đạm nhiều gấp 3 – 12 lần so với keo tai tượng và keo lá tràm. Đây là yếu tố quan trọng để lựa chọn keo lai là loại cây trồng xen canh trong vườn cao su, vì trên cùng một vùng đất, keo lai không hấp thụ các chất dinh dưỡng của cao su mà bộ rễ còn chứa hàm lượng đạm, tạo độ phì nhiêu cho đất.

Keo lai có sức sinh trưởng nhanh hơn cây bố mẹ. Cây có thể cao từ 25 – 30m, đường kính 60 – 80cm, cây ưa sáng, mọc nhanh và có khả năng cải tạo đất, chống xói mòn, chống cháy rừng. Gỗ thẳng, màu vàng trắng có vân, có giác lõi để phân biệt. Gỗ có tác dụng nhiều mặt như: nguyên liệu giấy, sử dụng trong xây dựng, đóng đồ mộc, mỹ nghệ, xuất khẩu.

Đất trồng keo lai chủ yếu là đất ferali, đất phù sa cổ, đất xám bạc màu, đất phèn lên luống không bị ngập nước đều có thể trồng được. Chu kỳ kinh doanh rừng keo nguyên liệu từ 5 – 7 năm. Một ha keo lai thuần sau 5 năm có thể thu về 150 – 200 triệu đồng. Với mức thu hoạch này có thể thấy giá trị và sản lượng keo lại mang lại cao hơn gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với trồng tràm thâm canh.

Với những lợi ích của keo lai đem lại, chúng ta có thể ưu tiên lựa chọn keo lai là một trong những cây trồng xen canh trên vườn cao su, vừa đa dạng hóa sản phẩm trên 1 hecta đất, vừa tạo độ phì nhiêu cho đất và tăng thêm thu nhập cho NLĐ.
Theo Tạp chí CSVN

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác