Giá cao su có phục hồi?
Từ nay cho đến 2025 giá cao su có thể phục hồi trở lại hay không, thực trạng và giải pháp trong thời kỳ giá thấp như thế nào đã được bàn thảo tại Hội thảo Giá cao su và các giải pháp do Hiệp hội CSVN (VRA) tổ chức vừa qua.
Ảnh: Tùng Châu
Nếu có tăng cũng dưới 2.500USD/tấn
Theo bà Trần Thị Thúy Hoa, Chánh văn phòng VRA, những yếu tố tác động đến giá cao su thiên nhiên (CSTN) giảm là do cán cân cung cầu CSTN trên thế giới mất cân đối, giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm mạnh khiến giá cao su tổng hợp- nguyên liệu có tính cạnh tranh, có thể thay thế CSTN trở nên rẻ hơn, giá CSTN cũng chịu ảnh hưởng từ sự giảm giá này.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của tỷ giá đồng USD/JPY đến giá cao su kỳ hạn trên sàn giao dịch Tocom (Nhật), chỉ số đô la Mỹ tại thị trường Sicom, tác động của giới đầu cơ… cũng là những nguyên nhân ảnh hưởng đến giá CSTN. Trong những năm tới, giá cao su nếu có tăng cũng chỉ ở mức dưới 2.500 USD Mỹ/tấn.
Bà Quân Bích Ngọc, Công ty Topship Chemical Co.,Ltd cho biết, nhu cầu của Trung Quốc, nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, hiện nay tương đối thấp. Trong tháng 4, tháng 5 các nước đều xuất khẩu cao su nhiều, lượng tồn cao do nhiều công ty mua dự trữ để trong kho. Hiện nay, tâm lý của các nhà máy bên Trung Quốc là mua cầm chừng, không mua nhiều như trước đây nên nhu cầu thị trường Trung Quốc sẽ chững lại. Ngoài ra do các DN Trung Quốc lo sợ luật thuế cao su hỗn hợp sẽ được áp dụng vào 1/7 tới đây tạo nên áp lực cho giá cao su giảm.
Tín hiệu vui
Giá cao su thiên nhiên trong nước đang có tín hiệu được cải thiện dần khi nguồn cung được nhiều nước cắt giảm sản lượng từ năm 2015. Đây là một tín hiệu vui sau một thời gian dài giảm giá.
Ông Trần Thanh Phụng, Trưởng phòng XNK Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng cho biết, giá cao su cuối năm 2014 là 1.700 USD đã là mức chạm đáy. Tâm lý chung là hy vọng giá cao su sẽ phục hồi và tăng trở lại. Tuy nhiên, theo nghiên cứu trên thị trường thế giới thì mức này vẫn chưa phải là đáy, giá có thể sẽ rơi đến ngưỡng xuống dưới 1.400 – 1.500 USD sau đó sẽ phục hồi trở lại để có thể đạt ngưỡng 2.500 USD/tấn trong năm 2016. Vấn đề là giá sẽ phục hồi tới đâu. Mọi chuyện đều có thể xảy ra.
Giải pháp của các nước
Theo VRA, các nước trong khu vực đã có những giải pháp ứng phó trước tình hình giá cao su giảm. Điển hình như Thái Lan, nội các Thái Lan đã phê chuẩn yêu cầu của Tổ chức Đồn điền cao su (REO) về khoản vay 6 tỷ Baht (184 triệu USD) để thu mua cao su nhằm đẩy giá lên. Ngoài ra còn thành lập các trung tâm thương mại cao su và các trạm giao dịch tạo nơi gặp gỡ giữa người mua và người bán; hay đốn bỏ 160 ngàn ha cao su nhằm giảm sản lượng; khuyến khích trồng xen cây ăn trái vải, nhãn, xoài…, nuôi thêm dế trong vườn cao su, loài vật dễ nuôi đem lại thu nhập ổn định, hiệu quả cao…
Với Ấn Độ thì giảm nhịp độ cạo, tăng thuế nhập khẩu CSTN lên 25% nhằm bảo hộ ngành cao su trong nước, trồng cây điều kết hợp trong vườn cao su. Srilanka trồng xen cây trà, đặc tính chịu bóng râm có giá trị kinh tế cao. Riêng Chính phủ Malaysia trợ cấp 130 triệu ringgit (34,7 triệu USD) hỗ trợ 260 ngàn tiểu điền có diện tích ít hơn 2,5 ha. Indonesia thì tăng tiêu thụ nội địa bằng cách đẩy mạnh ngành công nghiệp chế biến cao su trong nước, tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng…
Ở nước ta, một trong những giải pháp của DN, người dân là nâng cao hiệu quả sử dụng đất, bằng cách trồng xen các loại cây như cà phê (Tây Nguyên), dược liệu (Công ty Cao su Quảng Nam đang phối hợp với Viện dược liệu khảo sát), áp dụng mô hình trồng cao su theo hàng kép nhằm tạo diện tích và thời gian trồng xen canh. Ngoài ra, chuyển chế độ cao D2, D3 sang D4, nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, giảm suất đầu tư, giảm giá thành, đẩy mạnh cơ giới hóa…
Nhiều DN đã giảm được 20-25% suất đầu tư nông nghiệp trong năm 2015. Song song đó là chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thị trường. Áp dụng công nghệ kết hợp chế biến SVR 3L, SVR 5 với SVR 10, 20, tăng cường RSS. Đẩy mạnh thanh lý tái canh, đảm bảo chất lượng cao su thiên nhiên tăng cường kiểm tra và cấp giấy chứng nhận kiểm phẩm khi xuất khẩu, mở rộng, tìm kiếm thị trường mới, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giao thương.
Theo Tạp chí CSVN
//Tin tự động cập nhật//