1. Thế giới:

Sản xuất và tiêu thụ:

Theo dự báo mới nhất của Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRSG), nhu cầu cao su toàn cầu năm 2015 đạt 29,1 triệu tấn và năm 2016 đạt 30,3 triệu tấn, với mức tăng tương ứng là 1,8% và 4,1%. Tiêu thụ cao su thiên nhiên năm 2015 dự báo đạt 12,3 triệu tấn (tăng 3,1%), năm 2016 đạt 12,9 triệu tấn (tăng 4,4%) và tăng lên 16,5 triệu tấn đến năm 2023. Tiêu thụ cao su tổng hợp toàn cầu năm 2015 ước đạt 16,8 triệu tấn, năm 2016 đạt 17,5 triệu tấn và tăng lên 21,5 triệu tấn vào năm 2023.

Theo Ủy ban Cao su Ấn Độ, sản lượng cao su trong tháng 12/2014 của nước này  giảm 36% xuống còn 63.000 tấn, đây là mức giảm mạnh nhất trong năm. Giai đoạn từ tháng 8/2014 đến tháng 11/2014, sản lượng cao su giảm từ 25% – 33%. Tiêu thụ cao su Ấn Độ năm 2014 tăng đáng kể, trong khi nhập khẩu cao su giảm nhẹ. Trong đó, tiêu thụ cao su cải thiện đáng kể lên 83.500 tấn trong tháng 12/2014. Nhập khẩu cao su giảm từ 8% đến 19% trong tháng 11/2014. Giá cao su nội địa của Ấn Độ tăng 13%, lên 130 ru-pi/kg.

Theo Hiệp hội cao su tự nhiên Bờ biển Ngà, sản lượng cao su tự nhiên năm 2014 đạt 311.429 tấn, vượt so với dự báo 296.456 tấn. Bờ biển Ngà cũng là nước xuất khẩu cao su tự nhiên dẫn đầu châu Phi, với sản lượng đạt 293.293 tấn cao su trong năm 2013. Trong khi các nước sản xuất cao su ở châu Á như In-đô-nê-xia, Thái Lan và Ma-lai-xia chiếm ưu thế về sản lượng trên thế giới, nông dân Bờ biển Ngà đã chuyển sang gia tăng diện tích trồng cao su trong mấy năm gần đây, để có thu nhập ổn định hơn. Giá cao su tại bờ biển Nga đạt mức đỉnh 942 CFA francs (tương đương 1,68 USD)/kg trong năm 2011. Tuy nhiên, giá cao su tự nhiên thế giới giảm, trong đó giá dầu cũng suy giảm đã làm giảm sự quan tâm của những người nông dân.

Chịu ảnh hưởng khi giá dầu thô thế giới liên tục thiết lập các mức thấp mới, Giá cao su giao kỳ hạn tại Sở Giao dịch hàng hóa kỳ hạn Tokyo, Nhật Bản (Tocom) trong tháng 1/2015 biến động theo xu hướng giảm. Mặc dù trong tuần đầu tháng, tình hình lũ lụt tại Ma-lai-xia và Thái Lan, kết hợp với giá cao su kỳ hạn trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng đã đẩy giá cao su kỳ hạn tại Tocom lên mức cao trong vòng 6 tháng qua. Kết phúc phiên giao dịch 5/1, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2015 đạt 197,2 Yên/kg, tăng 7,2 Yên so với ngày 29/12. Tuy nhiên, sang ngày 7/1, giá cao su kỳ hạn đã giảm trở lại do chứng khoán Nhật Bản tuột dốc, trong khi đồng yên tăng giá, với kỳ hạn tháng 1/2015 đóng cửa ở mức 193,1 Yên/kg, kỳ hạn tháng 6/2015 trên sàn TOCOM chốt phiên giảm 0,2 Yên xuống 214,2 Yên/kg, trước đó giá chạm 215,5 Yên/kg, cao nhất kể từ 3/2014.

Giá cao su kỳ hạn tại Tocom liên tục giảm giá qua các phiên giao dịch trong tuần thứ hai của tháng 1, sau khi chạm mức cao trong vòng 6 tháng do lũ lụt tại Ma-lai-xia và Thái Lan. Kết thúc phiên giao dịch 13/1, giá cao su các kỳ hạn trên sàn Tocom giảm xuống mức thấp trong 2 tuần do giá dầu thô thế giới không kìm hãm được đà giảm giá gây áp lực lên giá các hàng hóa khác, cộng thêm đồng Yên tăng giá lên mức cao trong 1 tháng ảnh hưởng đến giá cao su. Giá cao su giao tháng 6/2015 giảm 2,7 yên xuống 203,8 yên/kg, trước đó giá giảm xuống 203,1 yên, thấp nhất kể từ 26/12. Không dừng lại ở đó, thị trường cao su kỳ hạn tiếp tục thiết lập mức thấp mới vào ngày 19/1 trước số liệu của Trung Quốc dự kiến cho thấy tăng trưởng thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, củng cố kỳ vọng Bắc Kinh sẽ triển khai gói kích thích kinh tế mạnh hơn. Giá cao su giao tháng 6/2015, hợp đồng benchmark giảm xuống mức thấp 1 tháng do đồng Yên tăng so với đồng đô la Mỹ và giá dầu thô giảm xuống mức thấp gần 6 năm.

Đồn đoán nguồn cung cao su bị ảnh hưởng do lũ lụt tại các vùng sản xuất cao su ở Ma-lai-xia và Thái Lan đã lắng dịu, gây thêm áp lực lên giá cao su.
Lũ lụt tại nhiều vùng trồng cao su chủ chốt tại Ma-lai-xia do mưa lớn đã làm giảm sản lượng trong tháng 12/2014, khiến nguồn cung chắt chặt và đẩy giá lên.

Chính phủ Thái Lan dự kiến thành lập các trung tâm thương mại cao su tại một số tỉnh trồng cao su chính của đất nước nhằm đẩy giá cao su lên 65 Baht/kg (1.995 USD/tấn) trong vòng 2 tháng tới. Trung tâm gần đây nhất đã được mở ở Phang-nga vào 13/01/2015 và sẽ được mở cửa mỗi thứ ba hàng tuần. Trong ngày đầu, khoảng 100 tấn cao su đã được người trồng cao su bán đấu giá với mức trung bình 57,75 Baht/kg (1.775 USD/tấn), cao hơn mức hiện ở địa phương chỉ là 47 Baht/kg (1.442 USD/tấn). Các Trung tâm thương mại cao su có thể giúp người trồng cây cao su trong nước tiết kiệm chi phí vận chuyển và tránh trung gian. Tuy nhiên, cao su đưa vào các Trung tâm phải có chất lượng tốt để được bán với giá tham chiếu.

2. Việt Nam:

Tình hình chung:

Năm 2014 được đánh giá là một năm đầy thách thức đối với ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp cao su khi Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng GDP của kinh tế toàn cầu chỉ đạt 3,3% trong năm nay, giảm 0,1% so với mức dự báo đưa ra vào tháng 7/2014 tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngoài những thuận lợi do Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất cao su với lãi suất vay vốn lưu động hợp lý, nguồn cung nguyên vật liệu ổn định nên giá thành sản phẩm thấp so với các năm. Song, những khó khăn trước mắt không hề nhỏ buộc các doanh nghiệp phải đưa ra những giải pháp chiến lược mới mong giữ vững được thị trường và phát triển trong tương lai. Một lần nữa, các doanh nghiệp cao su lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, hàng tồn kho cao, tổng cầu vẫn thấp, sức mua thị trường tụt giảm…

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, ước tính năm 2014 xuất khẩu cao su đạt 1,07 triệu tấn với giá trị đạt 1,80 tỷ USD, tăng 0,2% về khối lượng nhưng lại giảm 27,7% về giá trị so với năm 2013. Giá trị xuất khẩu giảm phần nhiều do giá bán giảm. Cụ thể, giá xuất khẩu trung bình trong 11 tháng của năm 2014 là 1.695 USD/tấn, giảm hơn 27% so với cùng kỳ năm 2013. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất của cao su Việt Nam khi chiếm gần 43% tổng lượng cao su xuất khẩu.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VGR) dự báo năm 2015 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với ngành cao su khi lợi nhuận từ cây cao su sẽ không nhiều. Giá cao su trên thị trường dự báo ở mức 31.000 đ/kg, trong khi giá thành sản xuất là 30.000 đ/kg. Theo đánh giá của VGR, nguyên nhân của tình trạng này là do Trung Quốc, thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam đã ngừng mua vào khiến doanh nghiệp trong nước không bán được hàng.

Biến động giá cả:

Giá cao su nguyên liệu trong nước biến động tăng giảm thất thường trong tháng 1/2015. Theo Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), giá mủ tạp dạng nước tại Bình Phước ngày 7/1 đạt 10.400 đ/kg, tăng so với 9.920 đ/kg ngày 26/12. Song đến ngày 12/1, giá mủ giảm xuống còn 9.760 đ/kg và tăng mạnh lên 10.080 đ/kg vào ngày 20/1. Giá cao su sơ chế diễn biến cụ thể như sau: cao su RSS3 giảm từ 28.900 đ/kg xuống còn 26.900 đ/kg, cao su SVR3L giảm từ 28.700 đ/kg xuống còn 26.700 đ/kg, cao su SVR10 giảm từ 23.600 đ/kg xuống còn 22.000 đ/kg.

Theo số liệu của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT trong 10 năm qua, diện tích cao su nước ta tăng gần gấp 2 lần (từ 454.100 ha năm 2004, tăng lên 955.600 ha năm 2013). So với định hướng quy hoạch cả nước được Thủ tướng phê duyệt (tại Quyết định 750/QĐ-TTg ngày 3/6/2009), diện tích đã vượt khoảng 115.600 ha. Nguyên nhân khiến diện tích tăng nhanh là do từ năm 2009 – 2013 giá xuất khẩu cao su của Việt Nam liên tục tăng cao, kích thích mọi thành phần tham gia trồng cao su.

Hiện cả nước có 29 tỉnh, thành phố trồng cao su, trong đó có 11 tỉnh có diện tích cao su vượt so với định hướng quy hoạch khoảng 162.400 ha (Bình Phước vượt 82.000 ha, Tây Ninh vượt 33.200 ha, Bình Thuận vượt 10.800 ha, Bình Dương vượt 7.300 ha, Bà Rịa – Vũng Tàu vượt 6.900 ha, Đồng Nai vượt 6.500 ha, Quảng Nam vượt 6.100 ha, Kon Tum vượt 2.900 ha, Hà Tĩnh vượt 2.800 ha, Thanh Hóa vượt 2.700 ha, TP. HCM vượt 1.200 ha). Đặc biệt, có 9 tỉnh chưa nằm trong quy hoạch (theo Quyết định 750/QĐ-TTg) gồm Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Long An nhưng vẫn có 13.550 ha cao su (riêng Lâm Đồng là 8.200 ha)….

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, để phát triển ngành cao su ổn định, đúng quy hoạch, các đơn vị liên quan cần kiên trì thực hiện mục tiêu phát triển ngành cao su bền vững, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng. Cần hình thành gấp hai chương trình là khuyến nông cao su tiểu điền và tăng cường quản lý giống.

Tình hình xuất, nhập khẩu:

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su tháng 11/2014 của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 10.771 tấn, trị giá hơn 16,8 triệu USD, giảm 2,2% về khối lượng và 4,3% về giá trị so với tháng 10/2014.  Tuy nhiên, so với tháng 11/2013, xuất khẩu cao su sang Ấn Độ tăng 52,1% về lượng và 1,2% về giá trị. Như vậy, xuất khẩu cao su Việt Nam sang Ấn Độ trong 11 tháng năm 2014 đạt 80.117 tấn, trị giá hơn 142,4 triệu USD, giảm không đáng kể 0,3% về lượng và giảm tới 27,6% giá trị so với cùng kỳ năm 2013 do giá giảm mạnh.

Trong tháng 11/2014, chủng loại cao su Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Ấn Độ vẫn là SVR 3L, với khối lượng đạt 7,06 nghìn tấn, trị giá 11,09 triệu USD, tương đương về lượng so với tháng 10/2014 nhưng lại giảm 3,17% về giá trị, so với tháng 11/2013 tăng 11,8% về lượng và giảm 25,04% về trị giá. Bên cạnh đó, khối lượng xuất khẩu cao su RSS3, Latex cũng tăng mạnh 38% và 24,96% so với tháng trước, đạt các mức tương ứng là 1,8 nghìn tấn, 225 tấn. So với cùng kỳ năm ngoái, khối lượng tăng đột biến 9 – 10 lần. Trái lại, khối lượng xuất khẩu cao su SVR10 và SVR CV60 lại giảm mạnh 38,26% và 28% so với tháng trước.

Giá xuất khẩu cao su sang thị trường Ấn Độ trong tháng 11/2014 tăng giảm trái chiều. Giá xuất khẩu cao su SVR 3L giảm 3,17% so với tháng 10/2014, đạt bình quân 1.572 USD/tấn; SVR10 cũng giảm 4,24%, đạt bình quân 1.511 USD/tấn. Tuy nhiên, giá có xu hướng tăng ở cao su RSS3, SVR CV60 và Latex với mức tăng từ 1,6-5,1%. Như vậy, giá xuất khẩu các mặt hàng cao su sang thị trường Ấn Độ trong 11 tháng năm 2014 đã giảm từ 20 – 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện tại, xuất khẩu cao su sang thị trường này vẫn đang khá thuận lợi khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao trong khi nguồn cung nội địa lại giảm do giá giảm khiến nông dân giảm khai thác mủ. Trong thời gian tới, nếu Chính phủ Ấn Độ tăng thuế nhập khẩu để hỗ trợ ngành cao su trong nước thì xuất khẩu sang thị trường này sẽ khó khăn hơn.

Nguyễn Lan Anh

Tài liệu tham khảo:

  1. Báo cáo Thống kê của Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), Bộ Nông nghiệp & PTNT
  2. CSDL giá nông sản PMARD của CIS
  3. Tin Reuters
  4. Website: VRA, TTXVN, Vinanet, Vneconomy…

Nguồn: Trung tâm XTTM Bộ NN&PTNT

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác