I. Thế giới:

Năm 2014 được dự báo sẽ nắng nóng kỷ lục do hiện tượng El Nino. Hiện tượng thiên nhiên này sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp trên toàn thế giới. Sản lượng một số mặt hàng như dầu cọ, cà phê, lúa gạo, cao su được dự báo sẽ giảm và giá sẽ tăng trong thời gian tới. Tập đoàn Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRC) dự báo sản lượng cao su thiên nhiên năm 2014 sẽ vượt cầu hơn 214.000 tấn, đánh dấu năm thứ tư liên tiếp dư thừa cung. Trong đó, sản lượng cao su của Thái Lan có thể đạt 4 triệu tấn trong năm nay, xấp xỉ năm 2013.

Thời tiết tại ba nước sản xuất cao su thiên nhiên hàng đầu thế giới là Malaysia, Inđônêxia và Thái Lan đang khô hạn, nóng và ít mưa. 15 khu vực ở Malaysia đã không có mưa trong tháng qua, trong khi Thái Lan đã cảnh báo tình trạng hạn hán có thể xảy ra tại 13 tỉnh, vùng trồng cao su thiên nhiên.

Báo cáo mặt hàng cao su tháng 3/2014

Giá cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới đã hồi phục đáng kể trong tháng 3. Giá cao su kỳ hạn tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom) đã tăng 12% từ mức thấp trong vòng 18 tháng vào cuối phiên giao dịch 12/3 trong bối cảnh dự đoán hạn hán sẽ làm giảm nguồn cung cao su. Giá cao su giao kỳ hạn gần nhất, tháng 3/2014 cuối ngày 13/3 đạt 246,5 Yên/kg, tăng so với 223,1 Yên/kg cuối phiên 3/3 và chỉ có 207,9 Yên/kg đối với hợp đồng giao gần nhất cuối phiên 6/2. Thị trường cao su kỳ hạn Tocom tăng liên tiếp trong những ngày cuối tháng 3 do đồng Yên suy yếu và chứng khoán Nhật bản tăng điểm thúc đẩy hoạt động mua vào của các nhà đầu tư. Chốt phiên 18/3, giá cao su kỳ hạn giao  tháng 8/2014 tăng 1,5 Yên/kg lên 235,8 Yên/kg, sau khi giảm 5,9 Yên phiên đầu tuần.

Các yếu tố tác động đến thị trường cao su thế giới tháng 3 là:

– Thời tiết khô khiến sản lượng cao su giảm tại khu vực Đông Nam Á, khu vực trồng cao su chủ yếu. Sản lượng tại Thái Lan, Indonesia và Malaysia giảm 6%-8% trong năm nay, do “mùa khô khác thường” trong chu kỳ sản xuất thấp, Hiệp hội cho biết trong một thông báo hôm 14/3. Ba quốc gia này chiếm kh oảng 70% sản lượng cao su toàn cầu. Nhu cầu có thể tăng, được thúc đẩy bởi tăng trưởng kinh tế ở những nước nhập khẩu lớn.

– Số liệu về tình hình sản xuất của Mỹ tháng 2/2014 tăng mạnh nhất trong vòng 6 tháng và hoạt động tại các nhà máy ở New York cũng tăng là những dấu hiệu mới nhất cho thấy kinh tế Hoa Kỳ đang tăng trưởng mạnh trở lại sau giai đoạn trì trệ do thời tiết.

– Hoa Kỳ và các nước Liên minh Châu Âu hôm 17/3 tuyên bố bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt một số quan chức Nga và Crimea sau khi khu tự trị Crimea tuyên bố tách khỏi Ukraine để sáp nhập vào Nga.

– Đồng Yên Nhật tăng giá khi thị trường toàn cầu lo ngại trước kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea.

Một số nhà nhập khẩu cao su Trung Quốc đã hủy hợp đồng mua hàng, do giá cao su nội địa giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Việc ngừng mua của các nhà nhập khẩu cao su Trung Quốc có thể đẩy giá cao su thế giới xuống thấp hơn nữa và buộc các nhà sản xuất hàng đầu như Inđônêxia, Thái Lan và Malaysia có động thái ngăn chặn suy giảm. Các nước sản xuất cao su chủ chốt vẫn đang bị ám ảnh bởi những ký ức một làn sóng vỡ nợ của các khách mua cao su Trung Quốc, trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Các nhà cung cấp cao su tỏ ra lo ngại về triển vọng tiêu thụ cao su của khách hàng lớn nhất thế giới, trong bối cảnh tồn kho cao su tăng cao trong khi tăng trưởng kinh tế sụt giảm tại Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc đang cho thấy những tín hiệu không khả quan trong thời gian gần đây.

II. Việt Nam:

Theo số liệu thống kê mới nhất của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), Việt Nam đã vượt qua Malaysia và Ấn Độ để trở thành nước sản xuất cao su thiên nhiên lớn thứ ba thế giới. Năm 2013, sản lượng cao su của Việt Nam ước đạt 1,043 triệu tấn, tăng 20,8% so với năm 2012. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, sản lượng cao su thiên nhiên của Việt Nam vượt mức 1 triệu tấn.

Năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu 1,078 triệu tấn cao su, trị giá 2,51 tỷ USD, tăng 5% về khối lượng nhưng giảm 12% về giá trị so với năm 2012. Riêng trong 2 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu 104.000 tấn cao su, trị giá 215 triệu USD, giảm 43% về giá trị và 25% về khối lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 3 tuần đầu tháng 3 (từ 4/3 đến 19/3), xuất khẩu cao su cả nước đạt 23,53 nghìn tấn, trị giá 45,04 triệu USD. Lượng cao su xuất khẩu sang các thị trường tiêu thụ lớn như Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc,… đều giảm so với tháng trước. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, với 7,39 nghìn tấn, trị giá 11,67 triệu USD, so với tháng trước giảm 13,59% về lượng và 24,7% về giá trị; lượng cao su xuất khẩu sang thị trường này chiếm 31% tổng khối lượng cao su xuất khẩu cả nước.

Chiếm tới 39% tổng khối lượng cao su xuất khẩu, xuất khẩu chủng loại cao su SVR 3L tiếp tục là mặt hàng có khối lượng xuất khẩu cao nhất trong kỳ. Tuy nhiên, so với tháng trước xuất khẩu mặt hàng này giảm 15,42% về khối lượng và 18,35% về trị giá, đạt 9,1 nghìn tấn, trị giá 19,46 triệu USD. Đứng thứ hai là chủng loại cao su SVR 10, nhưng khối lượng xuất khẩu cũng giảm 8,42% về lượng và 14,28% về giá trị so với tháng trước, xuống còn 3,5 nghìn tấn, trị giá 6,78 triệu USD. Khối lượng xuất khẩu cao su SVR CV60 giảm 9,84%, Latex giảm 65,2%, cao su tổng hợp giảm 37,24%. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu cao su RSS3 lại tăng mạnh 39,7%, SVR CV50 tăng 36,57%, SVR 20 tăng 20,36%, CSR 5, SVR L, CSR 10 tăng tới hơn 100%.

Giá cao su xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giảm mạnh trong giai đoạn 4/3 – 19/3, giảm tới 2,77% so với tháng trước, xuống chỉ còn bình quân 1.914 USD/tấn.

Thị trường cao su trong nước chưa có dấu hiệu khởi sắc. Giá cao su các loại tại các tỉnh Đông Nam Bộ hiện dao động ở mức 36.000 – 39.800 đồng/kg, giảm 1.200 đồng so với thời điểm 8 tuần trước. Giá cao su SVR 3L xuất khẩu hiện đứng ở mức 2.085 USD/tấn. Tính trung bình trong 3 tuần của tháng 3/2014, giá cao su SVR 3L đạt 2.095 USD/tấn, thấp hơn 124 USD/tấn (-5,6%) so với mức trung bình tháng 2/2014 và thấp hơn 860,24 USD/tấn (-29,1%) so với tháng 3/2013.

Hoạt động xuất khẩu cao su tại cửa khẩu Móng Cái đã có chuyển biến sau gần một tháng trầm lắng, đứng giá. Nguyên nhân là do thị trường Trung Quốc đã có nhu cầu mua mới. Những ngày gần đây, sản lượng cao su giao dịch tại cửa khẩu đã tăng từ 200 tấn lên 300 tấn. Các hợp đồng được ký kết để thực hiện giao hàng đã tăng từ 18 lên 30 hợp đồng trong tuần đến ngày 20/3. Những chuyển động này, tuy chưa đủ để tạo nên đột biến, nhưng cũng đã đẩy giá xuất khẩu cao su thiên nhiên tăng nhẹ. Tính đến ngày 20/3, giá xuất khẩu cao su sơ chế đóng bánh mã hiệu SVR 3L loại I bình quân đạt 12.900 NDT/tấn, tăng 200 NDT so với 12.700 NDT/tấn tuần trước. Một số hợp đồng ký trong ngày cuối tuần đạt giá từ 13.000 – 13.100 NDT/tấn. Cao su SVR 3L loại II có giá 12.700 NDT/tấn, tăng so với 12.600 NDT/tấn, những sản phẩm loại này cũng có xu hướng tăng giá trong các tuần lễ tới. Hiện nay, việc giao dịch ký kết hợp đồng mua bán cao su thiên nhiên vẫn được xúc tiến tại các văn phòng đại diện ở Đông Hưng và Móng Cái. Việc giao nhận hàng tiếp tục thực hiện tại các cửa khẩu Cao Bằng, Lào Cai theo con đường tiểu ngạch.

Nguyễn Lan Anh

Tài liệu tham khảo:

  1. Báo cáo Thống kê của Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), Bộ Nông nghiệp & PTNT
  2. CSDL giá nông sản PMARD của CIS
  3. Tin Reuters
  4. Website: VRA, TTXVN, Vinanet, Vneconomy

Nguồn: Trung tâm xúc tiến thương mại Bộ NN&PTNT

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác