Báo cáo mặt hàng cao su tháng 5.2014
I. Thế giới:
Sau những nỗ lực nhằm hạn chế xu hướng giảm giá cao su của liên minh ba nước sản xuất cao su lớn trên thế giới là Thái Lan, Inđônêxia và Malaysia thất bại, Thái Lan tuyên bố sẽ bán lượng lớn cao su dự trữ, với mong muốn phần nào giảm nhẹ áp lực giảm giá trước thời điểm thu hoạch cao su vào cuối tháng 5. Trong khi đó, trữ lượng cao su dự trữ tại các nước tiêu thụ chủ yếu, kể cả Trung Quốc và Nhật Bản, cũng đang ở mức cao.
Nguồn cung dồi dào khiến giá cao su đã giảm 30% kể từ đầu năm nay. Theo Tổ chức Nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG), trong 3 quý đầu năm 2013, cung cao su đã dư thừa so với cầu tới 149.000 tấn. Theo tính toán của Công ty tư vấn hàng hóa RCMA Commodities Asia Pte, sản lượng dư thừa đến năm 2014 sẽ tăng gấp đôi con số này. Trong khi đó, lượng tiêu thụ trên thế giới lại tăng không đáng kể trong năm 2011 và 2012, do khó khăn của kinh tế toàn cầu. Trung Quốc là nước tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới, đang có lượng dự trữ cao nhất kể từ năm 2004. Nhập khẩu cao su của nước này cũng đã giảm mạnh trong những năm gần đây do sản xuất bị thu hẹp và nguồn cung nội địa đã tăng lên đáng kể.
Giá cao su thế giới vẫn trong trạng thái giảm. Nguyên nhân khiến cao su mất giá không có gì mới và có thể dự đoán trước được. Nguồn cung vẫn khá dồi dào khi sản lượng tại các cường quốc cao su như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… vẫn ổn định trong khi cầu tiêu thụ có xu hướng thu hẹp do sự hạ nhiệt trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Tại Sở Giao dịch hàng hóa kỳ hạn Tokyo (Tocom), nơi lấy giá tham chiếu cho giá cao su thế giới, các hợp đồng cao su kỳ hạn tiếp tục giảm sâu. Kể từ đầu tháng 5, hợp đồng cao su giao kỳ hạn gần nhất, tháng 5/2014 đã giảm 15,8 yên, tương đương 9,2%, từ 205,8 yên/kg vào ngày 1/5 xuống còn 190 yên/kg kết thúc phiên giao dịch 16/5. Phiên này, giá cao su Tocom giảm mạnh do mất sự hỗ trợ từ giá dầu và số liệu kinh tế của châu Âu và Mỹ tiêu cực. Giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 6 giảm 0,8% xuống gần 101,5 USD/thùng trên sàn Nymex. Tăng trưởng GDP tại khu vực đồng euro chỉ ở mức 0,2%, thấp hơn so với dự báo của giới phân tích là 0,4%. Đây là tín hiệu tiêu cực đối với nhu cầu tiêu thụ của cả dầu và cao su. Tại Mỹ, sản lượng công nghiệp trong tháng 4 bất ngờ giảm so với dự báo. Giá giảm còn do đà giảm từ thị trường Trung Quốc do tồn kho vẫn ở mức cao. Theo số liệu mới nhất, tồn kho cao su tự nhiên theo dõi bởi sàn Thượng Hải trong tuần kết thúc vào ngày 16/5 đạt 163.097 tấn, giảm 2,3% so với tuần trước nhưng vẫn ở mức cao kỷ lục.
Trước đó, phiên giao dịch ngày 9/5 cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh đối với các hợp đồng giao dịch cao su kỳ hạn Tocom, xuống mức thấp nhất trong gần 5 năm. Giá cao su giao tháng 5/2014 cuối ngày đóng cửa ở mức 194,9 yên/kg. Giá cao su giao tháng 10/2014, hợp đồng giao dịch sôi động nhất giảm 4,9% xuống còn 197,2 yên/kg, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2009.
Theo dự báo của The Rubber Economist Ltd, dự trữ cao su toàn cầu năm nay sẽ tăng lên 78 % so với ước tính trong tháng 12. Lượng cao su tồn kho ước tính là 652.000 tấn trong năm 2014, tăng so với 366.000 tấn dự báo vào hồi tháng 12/2013, do nhu cầu chậm lại và sản lượng của Thái Lan – nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới, vượt dự báo.
II. Việt Nam:
Thị trường cao su trong nước không nằm ngoài xu thế giảm chung trên toàn thế giới. Trái với mọi năm khi giá cao su thường tăng cao vào quý I và đầu quý II do yếu tố mùa vụ, thì trong quý I/2014 giá cao su đã liên tục giảm. Trung bình giá bán cao su trong quý I/2014 giảm khoảng 13% so với trung bình quý IV/2013 và giảm hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), các đồn điền cao su tại Bình Phước đã bắt đầu khai thác mủ trở lại sau thời gian gián đoạn do cây cao su thay lá, giá thu mua mủ cao su dạng nước đầu tháng 5 ở mức 9.920 đồng/kg, sau đó tăng lên 10.240 đồng/kg vào ngày 9/5 và quay đầu giảm liên tục cho đến ngày 19/5 chỉ còn 8.800 đồng/kg. Giá mủ cao su dạng chén giảm từ 18.000 đồng/kg xuống chỉ còn 10.657 đồng/kg.
Trên thị trường xuất khẩu, trong tuần từ 12/5 – 16/5/2014, giá cao su Việt Nam xuất khẩu giữ ổn định không thay đổi trong cả tuần. Giá chủng loại SVR 3L xuất khẩu vẫn ở mức 2.015 USD/tấn. Giá SVR 3L của Việt Nam xuất khẩu trung bình hai tuần tháng 5/2014 đạt 2.031 USD/tấn, giảm 57 USD/tấn (-2,7%) so với mức trung bình tháng 4/2014, và giảm 639 USD/tấn (-23,9%) so với tháng 5/2013.
Khối lượng cao su xuất khẩu tháng 4/2014 ước đạt 38 nghìn tấn, giá trị đạt 74 triệu USD. Tính cả 4 tháng đầu năm, khối lượng cao su xuất khẩu đạt 189 nghìn tấn, giá trị đạt 378 triệu USD, giảm 17,9% về khối lượng và giảm 38,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Giá cao su xuất khẩu trung bình 3 tháng đầu năm đạt 2.010 USD/tấn, giảm 25,1% so với cùng kỳ năm 2013. Mặc dù Trung Quốc và Malaysia vẫn duy trì là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm, song lại có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2013. Cụ thể: Trung Quốc giảm 37,5% về khối lượng và giảm 53,6% về giá trị; Malaysia giảm 29,23% về khối lượng và giảm 49,6% về giá trị. Thị trường Hà Lan có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, gấp hơn 6 lần so với 3 tháng đầu năm 2013.
Nguyễn Lan Anh
Tài liệu tham khảo:
- Báo cáo Thống kê của Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), Bộ Nông nghiệp & PTNT
- CSDL giá nông sản PMARD của CIS
- Tin Reuters
- Website: VRA, TTXVN, Vinanet, Vneconomy.
Nguồn Trung tâm XTTM Bộ NN&PTNT
//Tin tự động cập nhật//