1. Thế giới:

Thái Lan hiện là nước sản xuất và xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới, với khối lượng xuất khẩu chiếm 87% sản lượng cao su và chỉ tiêu thụ nội địa 13%. Ngành cao su Thái Lan được dự đoán sẽ tiếp tục đối mặt với thời kỳ khó khăn trong vài năm tới khi vẫn phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu. Hiệp hội Cao su Thái Lan đã dự báo giảm 10% sản lượng cao su thiên nhiên trong năm 2014 xuống còn 3,8 triệu tấn, thay vì 4 triệu tấn trong các dự báo trước đó. Giá cao su tại Thái Lan hiện đã chạm đáy trong 5 năm qua và nằm dưới mức giá thành sản xuất. Trong năm 2013, sản lượng cao su thiên nhiên Thái Lan đạt 4,17 triệu tấn, tăng so với năm 2012 (3,78 triệu tấn) và chiếm khoảng 37% tổng sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu. Theo dự báo, lượng cao su thiên nhiên tiêu thụ nội địa của Thái Lan sẽ đạt 550.000 tấn trong năm 2014, tăng so với 521.000 tấn trong năm 2013. Lượng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cao su thiên nhiên cao hơn sản lượng năm 2014 sẽ giúp giảm lượng cao su thiên nhiên tồn kho của nước này, đây là một dấu hiệu tốt cho thị trường cao su thiên nhiên.

Giá cao su thiên nhiên giao kỳ hạn tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo, Nhật Bản (Tocom) có xu hướng tăng trong tháng 10/2014. Mặc dù thị trường vẫn lo ngại về tình hình tồn kho và tiêu thụ cao su thiên nhiên tại Trung Quốc, song giá cao su giao kỳ hạn vẫn nhích tăng từng ngày nhờ thông tin các nước sản xuất cao su thiên nhiên hàng đầu họp bàn giải pháp hỗ trợ giá. Từ phiên giao dịch ngày 3/10, giá cao su tăng trở lại, với hợp đồng kỳ hạn tháng 10/2014 đóng cửa phiên 8/10 ở mức 173,6 Yên/kg, tăng 4,1 Yên so với giá đóng cửa phiên cuối tuần trước (3/10). Đáng chú ý là giá cao su kỳ hạn đã đạt mức cao nhất trong vòng 5 tháng, với giá hợp đồng tháng 3/2015 cuối phiên 14/10 tăng 3,1% lên 184,2 yên/kg; hợp đồng kỳ hạn gần nhất (tháng 10/2014) cuối phiên 14/10 đạt 177 yên/kg, tăng 8,5 yên so với giá đóng cửa phiên đầu tuần trước (6/10). Trong phiên giao dịch ngày 14/10, niềm tin của các nhà đầu tư đối với nước tiêu thụ cao su hàng đầu thế giới là Trung Quốc được củng cố khi số liệu xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 9/2014 của nước này tăng so với dự báo và Hiệp hội Cao su Thái Lan dự báo giảm 10% sản lượng cao su thiên nhiên của nước này. Trong hai phiên giao dịch kế tiếp (15/10, 16/10) giá cao su chững lại và có phần giảm nhẹ do ảnh hưởng từ việc giá dầu thô giảm xuống mức thấp của 4 năm do lo ngại cung vượt cầu, khi giá dầu Brent kỳ hạn giao tháng 11/2014 trên sàn ICE giảm 1,26 USD xuống 83,78 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 23/11/2010.

Báo cáo ngành hàng cao su tháng 10/2014

Các yếu tố tác động đến thị trường cao su thế giới trong tháng 10/2014 bao gồm:

– Ba nước sản xuất cao su hàng đầu họp bàn giải pháp hỗ trợ giá. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh nông dân cao su toàn cầu đang gặp khó khăn do giá xuống thấp nhất 5 năm. Ngày 10/10/2014, 5 nước sản xuất cao su hàng đầu thế giới (Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Viet Nam và Cambodia) đã đồng thuận khuyến cáo hội viên không bán cao su dưới mức giá sàn 1.500 USD/tấn.

– Giá dầu Brent đã tăng trở lại từ mức thấp nhất 27 tháng nhờ tin tức nhà máy lọc dầu của Tập đoàn Irving Oil tại Canada sẽ tạm đóng cửa để sửa chữa đến ngày 20/11/2014.

– Tháng 9/2014, cả xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đều tăng nhờ nhu cầu tiêu thụ hàng hóa toàn cầu hồi phục. Cục Hải quan Trung Quốc cho biết, xuất khẩu tháng 9 tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với ước tính tăng 12% của các chuyên gia. Cùng với đó, nhập khẩu tháng 9 tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, trái ngược với dự báo giảm 2% theo khảo sát Bloomberg. Như vậy, thặng dư thương mại tháng 9 của Trung Quốc đạt 31 tỷ USD. Những số liệu trên phần nào đã củng cố lại niềm tin của người dân bản địa cũng như giới đầu tư nước ngoài về tình hình tăng trưởng của Trung Quốc.

1. Việt Nam:

Hiện nay, người trồng cao su trong nước gặp nhiều khó khăn do giá cao su thiên nhiên giảm thấp hơn giá thành, đời sống nông dân cao su bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), Bộ Nông nghiệp và PTNT, giá mủ cao su tại Bình Phước tăng giảm không ổn định trong 20 ngày đầu tháng 10/2014. Nhìn chung, giá cao su vẫn nằm ở mức vô cùng thấp so với năm ngoái.. Kết thúc tuần 3/10, giá mủ cao su tại Bình Phước đứng ở mức 6.720 đ/kg, nhưng sang tuần này đã nhích tăng trở lại mức 7.040 đ/kg. Tuy nhiên, mức giá này thấp hơn nhiều so với 9.120 đ/kg vào ngày 11/9. Giá thu mua mủ cao su dạng nước sau khi đạt 7.040 đ/kg vào ngày 8/10 đã giảm mạnh xuống 6.400 đ/kg vào ngày 10/10 đã hồi phục chút ít lên 6.720 đ/kg vào ngày 15/10 và tăng lên 7.040 đ/kg vào ngày 17/10, sau đó giảm trở lại mức 6.720 đ/kg vào ngày 20/10.

Báo cáo ngành hàng cao su tháng 10/2014

Trước tình hình giá cao su trong nước liên tục giảm, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA)  theo thỏa thuận với Hiệp hội Cao su Indonesia (GAPKINDO), Hiệp hội Cao su Thái Lan (TRA) và Tập đoàn Cao su Quốc tế (IRCo) đã khuyến cáo hội viên không bán cao su với giá dưới 1.500 USD/tấn nhằm kiềm chế giá giảm sâu hơn nữa.

 Theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 127.609 tấn cao su thiên nhiên, đạt 206,41 triệu USD, tăng 12% về lượng và tăng 7,3% về giá trị, tuy nhiên giá giảm 4,2% so với tháng trứớc, bình quân đạt 1.618 USD/tấn. So với tháng 9/2013, cao su xuất khẩu tháng 9/2014 tăng 21,1% về lượng nhưng giảm 10,7% về giá trị do giá giảm mạnh khoảng 26,2%. Tính đến hết tháng 9/2014, cao su xuất khẩu được 689,25 ngàn tấn, đạt khoảng 1,23 tỷ USD, giảm về lượng 3,4% và giảm mạnh 28% về giá trị do giá giảm sâu 25,5% so với cùng kỳ năm trước. Trước tình hình nhu cầu cao su tăng chậm và giá giảm mạnh, xuất khẩu cao su trong tháng 9/2014 tăng về lượng và tăng về giá trị là kết quả khích lệ cho ngành cao su Việt Nam.

Nguyễn Lan Anh

Tài liệu tham khảo:

  1. Báo cáo Thống kê của Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), Bộ Nông nghiệp & PTNT
  2. CSDL giá nông sản PMARD của CIS
  3. Tin Reuters
  4. Website: VRA, TTXVN, Vinanet, Vneconomy.

Theo Trung tâm XTTM Bộ NN&PTNT

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác