Thế giới:

Sản xuất và tiêu thụ:

Hiệp hội Các nước Sản xuất Cao su Thiên nhiên (ANRPC) ước tính, sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2015 đạt 11,18 triệu tấn, tăng 5% so với 2014. Nguyên nhân chủ yếu là do giá cao su hồi phục thúc đẩy nông dân tại các nước sản xuất chủ chốt như Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ tăng cường khai thác. Bất chấp sản lượng cao hơn, nhưng giá cao su thiên nhiên có thể vẫn tăng sau khi hồi phục 1/4 từ mức thấp nhất 5 năm qua ghi nhận hồi tháng 9/2014, chủ yếu do tồn kho giảm và kinh tế Mỹ hồi phục.

Tuy nhiên, dù dự báo sẽ có sự sụt giảm nguồn cung cao su từ năm 2016, ANRPC cảnh báo nguồn cung cao su thiên nhiên đã có dấu hiệu giảm từ năm 2015. Các năm tiếp sau 2016 thị trường sẽ chứng kiến sự sụt giảm sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu. Các số liệu cho thấy sự thiếu hụt sản lượng cao su thiên nhiên sẽ tiếp tục và mặt hàng này sẽ thiếu hụt cho đến năm 2018 cho dù nhu cầu chỉ tăng ở mức độ vừa phải. Thái Lan, Ma-lai-xia và In-đô-nê-xia chiếm 70% nguồn cao su xuất khẩu trên thế giới mới đây đã thống nhất cắt giảm xuất khẩu cao su thiên nhiên trong năm 2015 để trợ giá bán.

Cao su thiên nhiên là nguồn nguyên liệu không thể thay thế hoàn toàn. Do vậy, việc khan hiếm nguồn cung sẽ khiến giá cao su thiên nhiên tăng trong thời gian tới, gây ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm.

Theo cơ quan thống kê Ma-lai-xia, sản lượng cao su tự nhiên trong tháng 1/2015 tăng 53,8% tương đương 28.600 tấn, lên 81.798 tấn so với tháng trước đó. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng cao su Ma-lai-xia giảm 11,3%, tương đương 10.419 tấn. Xuất khẩu cao su thiên nhiên của Ma-lai-xia tháng 1/2015 tăng 27 tấn, lên 69.465 tấn so với tháng 12/2014, nhưng lại giảm 953 tấn so với tháng 1/2013.

Cao su Ma-lai-xia chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc (chiếm 47,1%), tiếp theo là Đức (13,3%), Iran (7,6%), Mỹ (3,7%), Brazil (3,5%), Mexico (2,7%), Bồ Đào Nha (2,2%), Phần Lan (2,2%) và Hàn Quốc (1,8%).

Ma-lai-xia nhập khẩu cao su thiên nhiên trong tháng 1/2015 đạt 96.131 tấn, tăng 10.938 tấn so với tháng 12/2014, nhưng giảm 10.323 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Thái Lan là nhà cung cấp cao su thiên nhiên lớn nhất cho Ma-lai-xia (chiếm 52,7%), tiếp theo là Việt Nam (23,5%).

Tình hình thị trường:

Giá cao su thiên nhiên giao kỳ hạn tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo, Nhật Bản (Tocom) biến động tăng giảm thất thường trong 20 ngày đầu tháng 3/2015, với xu thế giảm sâu trong tuần đầu tháng và hồi phục nhẹ trong tuần tiếp theo. Giá cao su kỳ hạn giảm mạnh là do lo ngại triển vọng nhu cầu đối với cao su hồi phục chậm chạp, đặc biệt ở nước tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc. Trong đó, giá cao su kỳ hạn tại Tocom kết thúc phiên giao dịch 11/3 chạm mức thấp trong 5 tuần do giá dầu suy yếu và đồng Yên mạnh lên so với đô la Mỹ. Giá đóng cửa hợp đồng tháng 3/2015 cuối ngày 11/3 đạt 213 Yên/kg, giảm 3,3 Yên so với cuối tuần trước (6/3). Hợp đồng benchmark giao tháng 8/2015 cuối phiên 11/3 đạt 208,5 Yên/kg, giảm tới 11 Yên so với mức cao đạt được hôm 4/3. Giá cao su hợp đồng benchmark trước đó chạm mức thấp nhất kể từ ngày 3/2, xuống còn 203,5 Yên/kg. Thị trường vẫn chịu áp lực từ những lo ngại nhu cầu Trung Quốc chậm chạp. Nhập khẩu cao su của Trung Quốc năm 2015 có thể giảm xuống 3,7 triệu tấn, giảm 10% so với năm 2014, ghi nhận lần đầu tiên sụt giảm trong gần 1 thập kỷ qua.

Giá cao su giao kỳ hạn tại Tocom diễn biến tích cực hơn so với tuần đầu tháng nhờ hoạt động bán ra kiếm lời của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch 18/3, giá cao su kỳ hạn lại giảm khá mạnh khi giá dầu thô hồi phục sau 3 phiên giảm liên tiếp và không chắc chắn về tuyên bố chính sách của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Giá cao su benchmark giao kỳ hạn tháng 8/2015 sau khi tăng lên 212 Yên/kg cuối ngày 17/3 đã giảm xuống 211,5 Yên/kg cuối ngày 18/3. Hợp đồng tháng 3/2015 sau khi tăng lên 220,2 Yên/kg cuối ngày 17/3 đã giảm xuống 217 Yên/kg.

Việt Nam:

1.Tình hình thị trường:

Việt Nam sẽ tham gia mạng lưới giao dịch cao su Đông Nam Á, cùng với Thái Lan và một số nước sản xuất cao su lớn trong khu vực. Mục đích của việc hội nhập này là ngăn chặn giá cao su giảm, mang lại lợi nhuận hợp lý cho người trồng cao su trong nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hợp tác xã Thái Lan Petipong Pungbun Na Ayudhya cùng với các nước trong khu vực sẽ hình thành mạng lưới các nước thành viên, tiến đến định hình thị trường, hình thành mức giá chung cho mặt hàng cao su. Điều này sẽ làm giảm sự phụ thuộc vào giá cao su của các nước ngoài khu vực như hiện nay. Việt Nam sẽ tham gia chặt chẽ hơn cùng với Thái Lan, In-đô-nê-xia và Ma-lai-xia để có những hành động phối hợp cụ thể. Ngoài Việt Nam, ba nước trên cũng thống nhất mời thêm Lào, Campuchia, Myanmar để cùng hợp tác, quản lý giá cao su một cách công bằng.

Tại Bình Phước, giá mủ cao su giảm thấp, khoảng 5.000 – 6.000 đ/kg đã khiến cho người trồng cao su tại huyện Phước Long, Phước Bình,.. đã ngưng chăm bón cho diện tích rừng cao su, không thiết tha cạo mủ do tiền thuê nhân công cao không đủ bù đắp chi phí. Giá cao su thiên nhiên lao dốc liên tục trong 2 năm qua đã ảnh hưởng đáng kể đến diện tích trồng cây cao su trên địa bàn cả nước.

Cùng với xu hướng giảm giá cao su thế giới, giá cao su tại Việt Nam cũng giảm mạnh trong tháng 3/2015. Giá cao su các loại tại các tỉnh Bình Phước, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương hiện giảm tới 1500 – 1.800 đồng/kg so với đầu tháng 3/2015. Cụ thể: giá mủ cao su RSS3 giảm từ 29.400 đ/kg xuống còn 28.200 đ/kg; cao su SVR 3L giảm từ 29.200 đ/kg xuống còn 27.800 đ/kg; cao su SVR10 giảm từ 24.000 đ/kg xuống còn 23.100 đ/kg.

Giá SVR 3L của Việt Nam xuất khẩu trung bình ba tuần đầu tháng 3/2015 đạt 1.580 USD/tấn, tăng 33 USD/tấn (+2,2%) so với mức trung bình trong tháng 02/2015, nhưng giảm 512 USD/tấn (-24,5%) so với tháng 3/2014.

 img_551b986227928

2. Tình hình xuất khẩu:

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải Quan, xuất khẩu cao su thiên nhiên trong tháng 02/2015 ước đạt 40.950 tấn với giá trị khoảng 57,97 triệu USD, đơn giá xuất khẩu bình quân khoảng 1.416 USD/tấn.

So với tháng trước (01/2015), xuất khẩu cao su thiên nhiên giảm 57,3% về lượng, giảm 57,7% về giá trị và giá tiếp tục giảm nhẹ 0,5%. Thị trường tiêu thụ chậm và vào thời điểm nghỉ Tết, số ngày giao dịch trong tháng 02 giảm, đã ảnh hưởng nhiều đến lượng cao su xuất khẩu.

Tính đến hết tháng 02 năm 2015, xuất khẩu cao su thiên nhiên trong 2 tháng đầu năm 2015 ước đạt 136.859 tấn với giá trị khoảng 194,41 triệu USD, đơn giá xuất khẩu bình quân khoảng 1.421 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2014, xuất khẩu cao su thiên nhiên tăng 29,4% về lượng nhưng giảm mạnh 11,0% về giá trị và giảm 31,2% về giá. Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 64.613 tấn, chiếm 47,2% tổng lượng xuất khẩu (tăng 57,1% so với cùng kỳ năm trước), giá trị đạt 91,31 triệu USD (tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước). Tiếp đến là thị trường Malaysia đạt 19.400 tấn (thị phần 14,2%, tăng 14,2%) và Ấn Độ 11.640 tấn (thị phần 8,5%, tăng 81,3%).

Nhập khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2015 khoảng 19.637 tấn với kim ngạch 27,5 triệu USD, tăng 33,2% về lượng và giảm 9,0% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, thị trường nhập chủ yếu từ Campuchia (44,4% về lượng), Lào (23,0%), Khu chế xuất Việt Nam (9,3%), và Thái Lan (8,9%).

Nguyễn Lan Anh

 Nguồn: Trung tâm XTTM Bộ NN&PTNT

Tài liệu tham khảo:

  • Báo cáo Thống kê của Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), Bộ Nông nghiệp & PTNT
  • CSDL giá nông sản PMARD của CIS
  • Tin Reuters
  • Website: VRA, TTXVN, Vinanet, Vneconomy…

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác