Xung đột giữa hộ nhận khoán và hợp đồng liên kết với Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum ngày càng căng thẳng hơn…

Mô hình nhận khoán và liên kết trồng cao su ở Kon Tum từng là niềm tự hào về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với địa phương, giờ đã trở thành những điểm nóng gây mất an ninh trật tự. Xung đột giữa hộ nhận khoán và hợp đồng liên kết với Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum ngày càng căng thẳng hơn, vì mâu thuẫn lợi ích kinh tế không được tháo gỡ. Hậu quả cuối cùng là cả người dân và doanh nghiệp đều bị thiệt hại nặng nề.

Người dân sẵn sàng nghênh chiến giành lại vườn cây

Căng như dây đàn, đó là không khí trong những ngày giữa tháng 9 vừa qua, tại các lô cao su rộng trên 40 ha mà 10 hộ dân ở thôn 5, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) nhận khoán khai thác mủ với Nông trường cao su Plei Kần, thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cao su Kon Tum. Trong lúc người dân sẵn sàng nghênh chiến giành lại vườn cây, thì lực lượng của nông trường cũng không nao núng bảo vệ tài sản doanh nghiệp.

Bất ổn trong việc khoán, liên kết trồng cao su tại Kon Tum

Nguyên nhân căng thẳng bắt đầu từ việc người dân không chịu ký khoán sản lượng mùa cạo 2014- 2015, nhưng vẫn tự ý vào vườn cây khai thác lấy mủ mang về. Còn nông trường thì quyết thu hồi lại vườn cây từ hộ nhận khoán. Khi những mâu thuẫn về lợi ích kinh tế không thể giải quyết, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Ngọc Hồi, một hộ dân nhận khoán cho biết: “Lô của chúng tôi, làm hơn mười mấy năm nay. Bây giờ, tự dưng đến làm, song lại đuổi chúng tôi ra khỏi lô là rất trắng trợn, vô lý. Chúng tôi rất bức xúc”.

Tình trạng tương tự không chỉ có ở Plei Kần và không chỉ xảy ra mới đây. Mâu thuẫn giữa hàng trăm hộ nhận khoán, liên kết trồng cao su với các nông trường thuộc Công ty TNHH Một thành viên cao su Kon Tum đã dai dẳng gần 10 năm nay. Về phía người dân, khi giá mủ cao su xuống thấp thì thờ ơ với vườn cây, bỏ cạo vô kỷ luật. Lúc giá mủ tăng cao lại tự ý khai thác không theo kế hoạch và lấy mủ bán trộm cho tư thương. Không những thế, còn xảy ra tình trạng chuyển nhượng quyền nhận khoán vườn cây đã được giao khoán.

Về phía Công ty, trước năm 2011 đã xảy ra tình trạng công bố giá mủ thanh toán cho hộ nhận khoán thấp hơn giá thị trường. Giá mủ thưởng vượt khoán và phạt hụt khoán không tính theo giá thị trường mà tính bằng giá bình quân cả năm. Người nhận khoán chỉ được hưởng tỷ lệ ăn chia 39%, nhưng phải tự đầu tư chăm sóc vườn cây; từ khâu phòng trị bệnh, phòng chống cháy và tự trang bị vật tư khai thác.

Anh Đoàn Văn Trung, một người dân đã từng nhận khoán vườn cao su ở “điểm nóng” tranh chấp Nông trường cao su Sa Sơn, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum cho biết: “Mô hình đem lại cho dân rất nhiều, nhất là có công ăn việc làm. Thế nhưng mấy năm nay, giữa Công ty cao su và người dân có nhiều khúc mắc. Người dân có bức xúc họ mới ý kiến. Tất nhiên, người dân cũng có cái sai khi một số người chưa có sự thống nhất đã cạo. Sai của nông trường là trước nói một đằng làm một nẻo”.

Xung đột do mâu thuẫn về lợi ích kinh tế

Từ bức xúc dồn nén và cả manh động cố tình, hàng loạt vụ phá bĩnh, thậm chí là xô xát đổ máu đã xảy ra tại nhiều nông trường cao su ở tỉnh Kon Tum, như: Plei Kần, Thanh Trung, Sa Sơn, Hòa Bình. Điển hình là vụ việc xảy ra ngày 28/11/2012, hơn 500 người dân ở xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum vây đánh, khiến 29 nhân viên bảo vệ của Công ty cao su Kon Tum bị thương, đập nát một xe ô tô, hàng chục xe máy bị đốt cháy, nhiều lều bạt và kho vật tư bị thiêu rụi.

Ông Lưu Dung – Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum cho rằng, nguyên nhân xung đột là do mâu thuẫn về lợi ích kinh tế giữa người dân với doanh nghiệp trong quá trình liên kết, nhận khoán: “Những năm đầu, bà con cứ đưa đất vào nông trường làm. Sau này, nhiều hộ cứ nghĩ cây cao su khó khăn là không nhận. Nông trường phải giao lại cho người khác. Rồi đất đai lên giá, giá mủ cao su cũng lên, mới sinh chuyện. Hơn nữa, một phần quản lý đất đai của các cấp chính quyền còn lỏng lẻo”.

Nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo đồng thuận với trên 5.500 hộ dân nhận khoán, liên kết chăm sóc, khai thác hơn 5.200 ha cao su, năm 2011, Công ty TNHH Một thành viên cao su Kon Tum đã thuê tư vấn xây dựng lại tỷ lệ lợi ích được hưởng giữa Công ty với người nhận khoán, hộ liên kết.

Bất ổn trong việc khoán, liên kết trồng cao su tại Kon Tum

Theo đó, tỷ lệ % được hưởng của người nhận khoán tăng so với phương án khoán cũ từ trên 6% đến gần 11%. Đối với hình thức liên kết, hộ dân được tính thêm một phần giá trị quyền sử dụng đất theo từng địa bàn. Thế nhưng, hàng trăm hộ dân ở các nông trường Plei Kần, Sa Sơn  vẫn cố tình không chịu ký khoán sản lượng, đòi hỏi về chủ quyền đất đai, đòi chia đôi vườn cây với nông trường và dùng số đông áp đảo chiếm đoạt lượng mủ khai thác được.Ông Cao Xuân Lộc, Giám đốc Nông trường cao su Sa Sơn cho biết: “Thực chất là người ta muốn a dua tập thể, dùng đám đông vào cạo lấy hết sản phẩm, chiếm đoạt hết tài sản của công ty, không liên kết với công ty. Thực ra, đã họp rất nhiều rồi, có chính quyền địa phương, huyện, xã tỉnh giải thích. Về sổ khoán, khi đối thoại, rất nhiều người không bảo là sai hay đúng cái gì nữa. Bây giờ người ta cứ cố tình lợi dụng đám đông a dua vào cạo, nông trường không làm gì được, người ta lấy hết sản phẩm”.

Với hàng nghìn hộ nhận khoán và hợp đồng liên kết không đạt sản lượng kéo dài qua nhiều năm; cùng với đó là tình trạng tranh chấp, khiếu kiện triền miên, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều nông trường cao su bị đình trệ, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng và còn ảnh hưởng lâu dài cho cả người dân cũng như doanh nghiệp.

Ông Lê Khả Liễm – Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên cao su Kon Tum cho biết: “Thiệt hại rất lớn. Vườn cây bị người ta tàn phá. Ví dụ, vườn cây cao su của tôi còn khai thác được khoảng 10 năm nữa thì mới hết vỏ kinh tế của nó. Thế nhưng đến thời điểm hiện nay coi như đã bị cạo phá hết”.

Sau 18 năm Công ty TNHH Một thành viên cao su Kon Tum triển khai thực hiện mô hình khoán vườn cây cao su cho hộ dân chăm sóc khai thác, và 5 năm thực hiện mô hình liên kết trồng cao su với dân, những bất ổn, hệ lụy đang ngày càng lộ rõ và chưa có hồi kết./.

Khoa Điềm/VOV- Tây Nguyên

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác