Việc áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến khác như TQM, 7 Tools, 6 Sigma…của một số doanh nghiệp ngành cao su của tỉnh Bình Dương hiện vẫn còn hạn chế.

  • Mủ cao su là một trong năm sản phẩm chủ lực của tỉnh Bình Dương trong việc xuất khẩu. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2 Công ty chuyên sản xuất, chế biến mủ cao su lớn nhất của tỉnh là Công ty Cao su Dầu Tiếng và Công ty cao su Phước Hòa.

Tổng diện tích cây của Công ty cao su Dầu Tiếng là 29.370 ha, gồm 3 nhà máy chế biến mủ. Công ty Cao su Phước Hòa với tổng diện tích cây cao su là 16.800 ha, gồm 3 nhà máy chế biến mủ. Tuy nhiên 2 nhà máy này chỉ sơ chế mủ cao su dưới dạng thô để xuất khẩu nên giá trị xuất khẩu còn thấp. Mặc dù vậy sản phẩm của 2 công ty này cũng đã xuất khẩu sang các nước như Tây Âu, Đông Âu, Trung Quốc, Đài Loan,…

Hai công ty này cũng đang áp dụng hệ thống quản lý chất lượng là ISO 9001 nhưng việc tiếp cận và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến khác như TQM, 7 Tools, 6 Sigma… vẫn còn hạn chế.

Bình Dương nói riêng, cả nước Việt Nam nói chung vẫn có ít nhiều lợi thế về lao động như giá nhân công còn tương đối thấp, người lao động khéo tay, cần cù và chịu học hỏi nhanh. Tuy nhiên, chi phí thấp mới chỉ là sự khởi đầu của khả năng cạnh tranh. Sự phát triển năng động của doanh nghiệp dựa trên cơ sở gắn kết lợi thế so sánh về chi phí với việc nâng cao khả năng cạnh tranh về chất được nhìn nhận trong tổng thể những biến động về môi trường kinh tế vĩ mô, bạn hàng, đối thủ cạnh tranh và công nghệ sản xuất.

Chế biến mủ cao su

Tỉnh Bình Dương xây dựng đề án năng cao năng suất chất lượng ngành chế biến mủ cao su

Nguyên nhân sâu xa của việc hạn chế áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến này là do các doanh nghiệp còn hạn chế về trình độ quản lý sản xuất, quản lý kinh doanh, thiếu quy hoạch nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chưa quan tâm nhiều đến nghiên cứu chiến lược phát triển sản phẩm (R&D), khả năng marketing và đào tạo tay nghề cho nhân viên nên đánh giá chung năng suất lao động của nhân viên còn thấp, năng suất sử dụng thiết bị chưa cao. Vì thế khả năng cạnh tranh về thành phẩm, số lượng, chất lượng của mủ cao su trên trường quốc tế vẫn còn hạn chế.

Đánh giá được thực trạng và tầm quan trọng của việc nâng cao năng suất chất lượng của các doanh nghiêp nói chung và doanh nghiệp ngành cao su nói riêng, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương đã xây dựng đề án: “Nâng cao năng suất và chất lượng của doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm trọng điểm của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2009-2020”. Đây là đề án thuộc “Chương trình quốc gia về thúc đẩy năng suất và chất lượng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn đến năm 2020”.

Đề án nhằm tuyên truyền, phổ biến cách tiếp cận mới về năng suất và vai trò của cải tiến năng suất và chất lượng cho các doanh nghiệp; Vận động, hình thành phong trào năng suất và chất lượng tại các doanh nghiệp; Hỗ trợ việc xây dựng chương trình năng suất và chất lượng, đào tạo và phát triển đội ngủ cán bộ, chuyên gia về năng suất và chất lượng tại các doanh nghiệp; Hỗ trợ việc thiết lập các mạng lưới chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về cải tiến năng suất và chất lượng trong các doanh nghiệp; Hỗ trợ việc thiết lập các giải thưởng để tôn vinh cá nhân, tổ chức có phong trào, đóng góp cho việc nâng cao năng suất và chất lượng trong doanh nghiệp.

Theo VietQ

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác