Bình Phước: Không nên chặt bỏ cao su
Thời gian qua, một số chủ vườn đã chặt bỏ cao su chuyển sang trồng tiêu và cây ăn trái. Tuy nhiên, hiện nhiều nông dân vẫn đầu tư trồng cao su để chờ thời.
7 năm trước, gia đình ông Nông Văn Thắng ở Thuận Phú (Đồng Phú) chặt bỏ 3 ha điều để trồng cao su. Hiện cao su của gia đình ông đang trong thời kỳ thu hoạch năm thứ 3. Ông Thắng cho biết: “Giá mủ năm nay thấp mà chi phí thuê nhân công vẫn cao (5 – 6 triệu đồng/người/tháng) nên gia đình tôi tự cạo. Nếu giá mủ không tăng thì lấy công làm lãi vẫn đủ sống”. Với những người đã khai thác mủ được trên 5 năm như ông Nguyễn Văn Cường ở xã Minh Long (Chơn Thành) thì ngưng khai thác để dưỡng cây và hạn chế chi phí lao động, phân bón là giải pháp giữ diện tích cao su.
Bên cạnh những người chung thủy với cây cao su, vẫn có nhiều hộ đang chặt – trồng – chặt mà chưa tìm được lối ra. Gia đình bà Nguyễn Thị Dịu ở xã Thuận Phú (Đồng Phú) vừa chặt 5 ha cao su để trồng tiêu. Bà Dịu cho biết: “Gia đình có 6 miệng ăn phụ thuộc vào cây cao su mà không biết bao giờ giá mủ tăng, tôi đành tìm kế khác. Thấy tiêu đang được giá nên tôi đầu tư trồng”.
Ông Võ Đình Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh cho rằng, thời điểm giá mủ thấp như hiện nay, nhà vườn nên giảm số lần cạo. Như vậy sẽ giảm được tiền công và phân bón, cây cũng không bị suy kiệt. Trước thực trạng này, nông dân không nên chặt bỏ cao su.
Giá mủ cao su thấp thời gian qua đã kéo theo giá cây giống giảm. Mùa mưa là thời điểm thuận lợi cho nông dân xuống giống cao su. Ông Nguyễn Minh Hoàn ở xã Minh Thành (Chơn Thành) mới mua 4 ha đất để trồng sao su. Ông Hoàn cho biết: “Hiện giá cây giống rẻ (khoảng 6.000 đồng/cây) hy vọng đến thời điểm được khai thác giá mủ sẽ tăng”.
Không chỉ người trồng mới mà những nhà vườn có cao su già đã thanh lý cũng tiếp tục đầu tư lại. Ông Trần Xuân Hùng ở xã Thuận Lợi (Đồng Phú) có 7 ha cao su đã đến giai đoạn thanh lý. Ông Hùng tái canh cao su bằng giống mới cho năng suất cao (giống 909/52). “Tôi đã gắn bó với cây cao su hơn 20 năm nên vẫn giữ lại vườn, tiếp tục tạo việc làm cho công nhân” – ông Hùng khẳng định.
Ông Đặng Văn Tịnh, chủ cơ sở cung cấp cây giống Nam Tịnh ở tổ 3, ấp 3, xã Minh Long (Chơn Thành) cho biết: “Hiện giá giống cao su giảm còn 5.000 – 7.000 đồng/cây tùy loại. Đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay nhưng tôi vẫn phải bán để tránh tồn hàng. Gia đình tôi gắn bó với nghề này đã nhiều năm. Hiện bán giống cây không có lãi nhưng vẫn phải bám nghề, hy vọng những năm tới sẽ khác”.
Anh Phạm Đức Kiên, chủ 2 cơ sở sản xuất giống cao su Năm Cần ở ấp 3, xã Tiến Hưng (TX. Đồng Xoài) và tổ 4, ấp 6, xã Minh Long (Chơn Thành) cho biết: Hiện cơ sở của anh ở thị xã Đồng Xoài sản xuất khoảng 60 ngàn cây giống. Cũng như những năm trước, trung bình mỗi ngày cơ sở bán được hơn 1.000 cây. Anh Kiên giải thích: “Tuy giá mủ xuống thấp nhưng nếu nông dân kiên trì với cây cao su thì vẫn sống được. Hơn nữa, đến thời điểm thu hoạch mà giá mủ không thay đổi thì cưa cây bán gỗ vẫn có lãi hơn trồng tràm”.
Ông Võ Đình Khánh khẳng định, nếu giá mủ đã xuống đáy thì chắc chắn sẽ lên (đối với cây cao su chu kỳ này thay đổi trong vòng 5 – 7 năm). Vì vậy, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân bám sát quy hoạch, định hướng sản xuất của ngành vì khí hậu, đất đai của mỗi vùng phù hợp với mỗi loại cây trồng khác nhau, không nên chặt cao su để trồng cây khác trên đất không phù hợp?.
Theo Báo Bình Phước
//Tin tự động cập nhật//