Bón phân Văn Điển cho cây cao su
Theo kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy, cây cao su phát triển được trên đất có pH từ 4,5 – 7, tối ưu là 5,0 – 6,5.
Cây cao su sử dụng rất nhiều chất dinh dưỡng, ngoài lượng lớn (phân đa lượng) là đạm (N), lân (P), kali (K), các chất dinh dưỡng khác (trung và vi lượng) cũng không thể thiếu như: Canxi (CaO); Manhê (MgO); kẽm, Mangan, Bo… tuy cây hấp thụ ít nhưng rất cần thiết cho quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Thiếu chúng sẽ hạn chế năng suất và chất lượng mủ.
Để cây cao su sinh trưởng phát triển tốt, cho sản lượng mủ cao, kéo dài thời kỳ khai thác kinh tế, một trong những yếu tố kỹ thuật quan trọng tác động để cây sinh trưởng phát triển tốt và cho năng suất cao là cây phải được cung cấp đầy đủ những chất dinh dưỡng cần thiết. Phân bón là nguồn cung cấp dinh dưỡng quan trọng cho cây cao su chiếm kinh phí khá cao, khoảng 25% trong thời gian kiến thiết cơ bản và 18% trong thời gian khai thác.
+ Căn cứ khoa học: Để xác định nhu cầu dinh dưỡng của cây cao su và khuyến cáo công thức phân bón hợp lý, cần căn cứ vào chất đất (hạng đất), giai đoạn sinh trưởng, chẩn đoán dinh dưỡng lá, năng suất mủ khai thác vụ trước, mùa mủ, thời tiết và đặc biệt lưu ý lựa chọn loại phân lân thích hợp, tránh dùng các loại phân lân có nguồn gốc axit như lân super làm cho đất chua thêm, loại lân dễ tan trong nước, dễ bị rửa trôi, bị sắt nhôm di động trong môi trường đất chua cố định trở thành khó tiêu cho cây, giảm độ bền của lân trong đất.
+ Sử dụng lân nung chảy Văn Điển, NPK Văn Điển để nâng cao năng suất cao su với các đặc điểm ưu việt: Có hàm lượng lân hữu hiệu (dễ tiêu) 15 – 17%; rất giàu các chất dinh dưỡng trung vi lượng chứa trong lân như canxi, manhê, silic, đồng, bo, sắt, kẽm…; có tính kiềm (PH 8 – 8,5), 1kg lân Văn Điển có tác dụng cải tạo, hạ độ chua của đất bằng 0,5kg vôi bột;
Loại phân này tan chậm, không tan trong nước mà chỉ tan khi được đầu rễ cây tiếp xúc; bón vào đất không bị rửa trôi cả bề mặt và bề sâu, lân nằm trong đất dưới dạng “kho dự trữ” không bị sắt, nhôm di động trong đất cố định (giữ chặt) nên sử dụng rất tiết kiệm. Nếu vụ trước, năm trước, cây không sử dụng hết thì vụ sau, năm sau cây vẫn tiếp tục sử dụng được lân trong đất; nâng cao độ pH trong đất (độ pH thích hợp cho cây cao su) phát triển lâu bền.
Bón NPK Văn Điển cho cao su kinh doanh
– Đặc điểm của cây cao su thời kỳ kinh doanh: Sau trồng 5-6 năm cây cao su có chu vi 45-50 cm. Cao 1,5m bắt đầu cho thu hoạch mủ. Năm thứ 7 cao su bước vào giai đoạn khai thác, có thể khai thác mủ được 30 năm. Hàng năm ngoài phải phát triển thân, lá, hoa, quả, cao su còn sản xuất một lượng lớn nhựa mủ. Lượng dinh dưỡng cao su lấy từ đất để tổng hợp chất khô là rất lớn, vì vậy hàng năm cần phải bón phân bổ sung cho cao su, phân bón vào đất phải đủ cung cấp cho cây sinh trưởng, phát triển đồng thời cho cây tổng hợp để sản sinh ra nhựa mủ trong thời kỳ khai thác.
– NPK Văn Điển bón cho cao su (cho 1ha): Đất hạng Ia và Ib: bón 600 – 700kg NPK (12-8-12); đất hạng IIa và IIb: bón 700 – 800kg NPK (12-8-12); đất hạng III: bón 800 – 900kg NPK (12-8-12).
-Từ năm cạo mủ thứ 11 trở đi mức bón cho cây cao su hàng năm (cho 1ha): Bón chung cho các hạng đất: 900 – 1.000kg NPK Văn Điển (12-8-12). Thời vụ bón: Chia lượng phân làm 2 lần trong năm, lần đầu bón 2/3 lượng phân NPK Văn Điển vào đầu mùa mưa (tháng 3,4), Lần thứ hai: Bón vào cuối mùa mưa (tháng 8,9), 1/3 lượng phân còn lại. Cách bón: Rải đều phân trên mặt đất theo băng rộng 1,0-1,5m giữa 2 hàng cao su, theo vầng tán lá. Đất bằng phẳng xới nhẹ rồi lấp phân, tránh làm đứt rễ lớn của cây, đất dốc trên 15% thì bón vào hệ thống hố giữ màu và lấp vùi kín phân bằng lá, cỏ mục, hoặc đất (xem tóm tắt bảng).
+ Tác dụng và hiệu quả: Cây cao su được bón phân ĐYT NPK Văn Điển, cây khoẻ, thân vỏ bóng, nhanh liền sẹo, đường kính thân phát triển nhanh, nhựa dẻo, có bộ lá dày giúp khả năng quang hợp tốt hơn, tích luỹ nước và cho nhiều nhựa. Khi bón đủ lượng phân ĐYT NPK Văn Điển cây cao su tăng khả năng chống chịu với điều kiện bất thuận của thời tiết, không có hiện tượng sốc thời tiết. Phân bón Văn Điển không gây độc cho đất, không gây ô nhiễm môi trường.
PGS – TS Mai Quang Vinh (Viện Di truyền Nông nghiệp)
//Tin tự động cập nhật//