Công nghiệp chế biến sản phẩm cao su tại Việt Nam đang tăng trưởng tốt với tốc độ trên 30% hàng năm về kim ngạch xuất khẩu (XK). Tuy nhiên mức tiêu thụ cao su thiên nhiên (CSTN) trong nước tăng trưởng chậm.

Trước thực trạng này, ngày 22/8, Cục Chế biến Nông lâm thủy sản&Nghề muối (Bộ NN&PTNT) và Cục Hóa chất (Bộ Công thương) đã phối hợp cùng VRG và Hiệp hội CSVN (VRA) tổ chức Hội thảo Đẩy mạnh hiệu quả sử dụng và tiêu thụ cao su nguyên liệu trong nước.

Thế mạnh của ngành công nghiệp cao su trong nước

Ngành công nghiệp chế biến cao su tại VN trong những năm gần đây tăng trưởng khá cao với mức bình quân 30,3% mỗi năm trong giai đoạn 2007 -2013, góp phần giảm nhập siêu, đưa kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su vượt ngưỡng 1 tỷ USD năm 2012 và ước đạt 1,087 tỷ USD năm 2013, tương đương 43,6% kim ngạch xuất khẩu nguyên liệu. Một số sản phẩm cao su là thế mạnh của VN đã chiếm vị trí quan trọng trên thị trường thế giới như đế giày, săm xe, sợi chỉ thun. Đặc biệt, VN đã xuất siêu lốp ô tô con, lốp xe máy, xe đạp, linh kiện cao su kỹ thuật, đế giày, săm xe, găng tay.

Theo Cục Hóa chất, VN có nhiều điều kiện thuận lợi để sản xuất săm lốp như nguồn nguyên liệu cao su tự nhiên dồi dào, nhân công rẻ và thuế các mặt hàng săm lốp là 0% so với mức 8% ở Trung Quốc, nên tiềm năng tăng trưởng từ xuất khẩu các sản phẩm săm lốp là rất lớn. Các công ty săm lốp hàng đầu thế giới như Bridgestone, Yokohama, Kumho….cũng đã nhận ra thuận lợi này và đã mở nhà máy sản xuất săm lốp tại VN để xuất khẩu đi các nước.

Cần gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ cao su nguyên liệu trong nước
Ngành sản xuất sản phẩm cao su công nghiệp trong nước những năm gần đây đã tăng trưởng cao và hứa hẹn tiếp tục phát triển. Việc chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng tốt và ổn định là cần thiết. Ảnh: Kim Lan
Trong những năm tới, sản phẩm cao su công nghiệp trong nước sẽ có mức tăng trưởng khá hơn khi các nhà máy quy mô lớn đi vào hoạt động. Riêng 3 công ty thuộc Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) trong những năm gần đây đã có kết quả xuất khẩu khởi sắc, sản phẩm đã được XK sang nhiều nước thuộc các châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ.

Ngoài ra 2 sản phẩm trọng yếu trong nhóm sản phẩm cao su kỹ thuật là băng tải và cua –roa cũng xuất khẩu được tổng giá trị khoảng 347,6 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng đã đầu tư dây chuyền sản xuất cao su phục vụ cho ngành y tế để XK. Giá trị XK các mặt hàng này cũng tăng đáng kể.

Theo quy hoạch phát triển ngành CN hóa chất VN đến 2020, mục tiêu đặt ra đối với nhóm sản phẩm cao su là đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, mở rộng các cơ sở sản xuất hiện có lên 15 triệu lốp ô tô các loại/năm; đầu tư mở rộng sản xuất cao su kỹ thuật tại nhà máy hiện có và xây dựng mới các nhà máy khác; sản phẩm băng tải 700 000 m2/năm và dây cua –roa bố thép, sợi thép 1 triệu m/năm, các sản phẩm găng tay, ống dẫn…với tổng công suất khoảng 10 000 tấn/năm.

Về nguyên liệu sản xuất sản phẩm cao su là đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất than đen công suất 115.000 tấn/năm. Đặc biệt, ngành này rất quan tâm đến việc quy hoạch phát triển sản phẩm cao su để cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng và quy hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo tính khả thi và phát triển bền vững, cũng như đầu tư có trọng tâm trọng điểm.

Vẫn phải nhập khẩu cao su nguyên liệu

Tuy nhiên ngành công nghiệp chế biến sản phẩm cao su trong nước vẫn phải nhập khẩu một số chủng loại nguyên liệu cao su. Năm 2013 nhập khẩu khoảng 313.000 tấn cao su nguyên liệu, bao gồm cả cao su tổng hợp và CSTN với khoảng 60% lượng CSTN nhập khẩu là để tái xuất trong kinh doanh thương mại. Trong đó khoảng 217 000 tấn cao su thiên nhiên chủ yếu nhập từ Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Lào và Malaysia, giảm 10,6% so năm 2012.

Theo Cục Chế biến, Nông lâm thủy sản và Nghề muối, tỷ trọng nhập khẩu cao su vẫn ở mức cao nguyên nhân một phần là để bù đắp vào lượng thiếu hụt các loại nguyên liệu trong nước sản xuất quá ít như RSS 3, SVR 10, 20 hoặc chưa sản xuất cao su tổng hợp. Đây cũng là khó khăn vướng mắc lớn nhất dẫn đến khó khăn trong tiêu thụ cao su trong nước. Theo đánh giá của Cục, cơ cấu và chủng loại cao su sơ chế của VN chưa phù hợp với nhu cầu của thế giới và cung cấp cho ngành chế biến cao su trong nước. Ngoại trừ chủng loại SVR 10 chiếm tỷ lệ 20% trong tổng sản phẩm sơ chế thì 2 chủng loại còn lại dùng để sản xuất lốp xe là SVR 20 và RSS 3 chỉ chiếm lần lượt khoảng 8-10% và 4-5%.

Cần gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ cao su nguyên liệu trong nước
Nhập khẩu cao su nguyên liệu để bù vào việc thiếu hụt một số chủng loại cao su trong nước. Ảnh: Tùng Châu
Lượng CSTN sơ chế cung cấp cho chế biến sản phẩm cao su công nghiệp trong nước chiếm khoảng 16-18% tổng sản lượng. Theo quy hoạch đến năm 2020, tỷ trọng này phải đạt tối thiểu 30%. Theo Hiệp hội CSVN, tăng trưởng về CSTN tiêu thụ trong nước không tương xứng với tốc độ tăng trưởng về giá trị XK sản phẩm cao su và không theo kịp mức tăng trưởng của sản lượng CSTN, do vậy VN có thể vẫn tiếp tục xuất nguyên liệu thô trong thời gian tới.

Về nguyên do của việc này, theo VRA, còn do nhu cầu cao su tổng hợp khá cao, hiện chiếm khoảng 45-50% tổng nhu cầu tại VN và toàn bộ đều phải nhập do trong nước chưa sản xuất được. Về cơ cấu sản phẩm thì VN hiện sản xuất chủng loại SVR 3L chiếm đến 40-50% trong khi các chủng loại khác phù hợp sản xuất lốp xe thì thấp. Theo ông Hà Phúc Lộc – Phó TGĐ Công ty CPCS Đà Nẵng (DRC) thì tỷ trọng chủng loại chủ yếu của DRC là chiếm đến 70% là SVR 3L dùng sản xuất lốp radian, khoảng 13 000 tấn trong tổng chủng loại 18 000 tấn trong năm 2015.

VRG sẽ ký kết hợp tác toàn diện với Tập đoàn Hóa chất

Đó là thông tin được TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận đưa ra tại Hội thảo. Theo ông Thuận, sự gặp gỡ giữa nhà sản xuất và tiêu thụ là cần thiết trên cơ sở 2 bên cùng có lợi. Và chỉ có trở thành đối tác chiến lược mới giải quyết được vấn đề khó gặp nhau giữa sản xuất và tiêu thụ.

Một thực trạng khác được đưa ra tại hội thảo là chất lượng và nguồn cung nguyên liệu CSTN của VN không ổn định. Các nhà công nghiệp chế biến rất cần có nguồn nguyên liệu ổn định cả về chất lượng và số lượng cung cấp định kỳ. Ông Lộc cho biết thêm, đặc điểm chủ yếu của nguyên liệu dùng sản xuất lốp xe là chất lượng ổn định, nhất là độ nhớt money trong cao su nguyên liệu.

Về vấn đề này thì nhìn chung chất lượng của sản phẩm cao su VN chưa đạt. Hiện DRC chỉ mua từ các công ty lớn thuộc VRG như Đồng Phú và Đồng Nai, tuy nhiên do cơ cấu sản phẩm của các DN sơ chế chủng loại này cũng không nhiều nên buộc phải nhập khẩu từ Malaysia với giá cao. Một ví dụ cho việc nguyên liệu cao su VN dồi dào nhưng chưa ổn định là Nhà máy Kumho, một trong những DN lớn đầu tư sản xuất lốp xe tại VN đã đầu tư nhà máy khép kín sản xuất cao su nguyên liệu cho riêng mình.

Ngoài ra theo VRA, tăng trưởng về công nghiệp chế biến cao su trong nước vẫn còn chậm ở các DN vừa và nhỏ của VN. Các DN sản xuất cao su CN có tăng trưởng cao phần lớn có vốn đầu tư nước ngoài, có quy mô lớn. DN vừa và nhỏ thì gặp khó khăn trong mở rộng sản xuất và XK, đặc biệt khó tiếp cận với nguồn nguyên liệu đảm bảo của các nhà cung cấp lớn, thiếu thông tin thị trường, đầu ra hạn hẹp, công nghệ lạc hậu, quản lý kém…

Quốc Khánh

VRG chuyển đổi cơ cấu sản phẩm ngay trong năm 2014

Giải pháp trước tiên được Hội thảo đưa ra là cần liên kết chặt chẽ, thiết lập mối quan hệ khách hàng truyền thống, tin cậy giữa nhà cung cấp nguyên liệu và chế biến sản phẩm để có cơ sở sản xuất, chuyển đổi cơ cấu chủng loại cao su phù hợp với nhu cầu trong và ngoài nước, hợp tác nghiên cứu những sản phẩm cao su sử dụng chủng loại ưu thế của VN.

Ngoài ra nhà cung cấp cam kết đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định về số lượng và chất lượng đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, kiểm soát giá thành và giá bán để tăng tính cạnh tranh và hiệu quả kinh tế, nghiên cứu đa dạng hóa các chủng loại CSTN mới nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của công nghiệp chế biến.

Cần gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ cao su nguyên liệu trong nước
Ngoài cung cấp cao su nguyên liệu, VRG còn đẩy mạnh sản xuất cao su công nghiệp là 1 trong 4 nhiệm vụ chính. Trong ảnh: Sản xuất bóng cao su tại Công ty CP Thể thao Ngôi sao Geru. Ảnh: Vũ Phong
Phát biểu tại hội thảo, TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận cho rằng chính VRG đã nhận ra bất cập về việc sản xuất các chủng loại mà thị trường trong nước không cần và ngược lại. “Khi giá mủ cao, tiêu thụ tốt nên chưa nghĩ đến việc chuyển đổi cơ cấu. Hiện tại giá mủ thấp, DN sản xuất CSTN cần phải suy nghĩ lại về việc này. Nhận biết được sự bất hợp lý này nên VRG đã chỉ đạo các đơn vị thay đổi cơ cấu sản phẩm bắt đầu từ năm 2014”, ông Thuận nói.

Tuy nhiên theo TGĐ, việc chuyển đổi này là chiến lược chứ không thực hiện đồng loạt. Nguyên do là các DN đã có thị trường xuất khẩu ổn định về một số chủng loại và thay đổi dần về công nghệ, dầy chuyền chế biến. VRG sẽ ưu tiên khuyến khích sản xuất mủ ly tâm và SVR 10, 20, RSS, ngoài ra là các chủng loại khác. Ông Đặng Quang Trung – Trưởng ban Công nghiệp VRG cho biết thêm sắp tới VRG sẽ tổ chức hội nghị công nghiệp chuyên đề về thay đổi cơ cấu sản phẩm, sẽ trình bày các phương án cụ thể về việc này.

N.K

Theo Tạp chí CSVN

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác