Sau một giai đoạn phát triển mạnh và đem lại hiệu quả kinh tế cao, hiện nay ngành cao su Việt Nam đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Tái cơ cấu ngành cao su theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng sẽ là hướng phát triển cho “vàng trắng” trong thời gian tới.

Doanh nghiệp “vàng trắng” gặp khó vì giá giảm mạnh

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), thị trường cao su thiên nhiên trong năm qua rất khó khăn, mức tiêu thụ tăng trưởng chậm hơn so với các năm trước. Trong xu hướng cung vượt cầu có thể kéo dài sang vài năm tới, giá cao su thiên nhiên khó tăng lên, sự cạnh tranh giữa các nước sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên sẽ trở nên gay gắt hơn về giá thành, hiệu quả đầu tư kinh doanh, nhất là về chất lượng sản phẩm và uy tín thương mại. Các doanh nghiệp “vàng trắng” sẽ còn gặp phải nhiều khó khăn trong vài năm tới.

Không chỉ vậy, giá cao su sụt giảm liên tục do kinh tế thế giới phục hồi chậm, trong khi nguồn cung tăng nhanh làm lượng tồn kho cao, gây áp lực giá giảm và nhu cầu nhập khẩu chững lại. Với giá bán quá thấp như hiện nay, người trồng cao su đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những hộ nông dân trồng với quy mô nhỏ (tiểu điền). Tại nhiều địa phương, ngay cả những vùng được coi là cái nôi của cây cao su cũng đã xảy ra trường hợp người dân đốn bỏ cao su để tính toán chuyển sang những cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Ngành công nghiệp chế biến sản phẩm cao su trong nước vẫn phải nhập khẩu một phần khá lớn nguyên liệu cao su. Năm 2013, Việt Nam nhập khẩu khoảng 313.000 tấn cao su nguyên liệu, bao gồm cả cao su tổng hợp và cao su thiên nhiên. Trong đó khoảng 217.000 tấn cao su thiên nhiên chủ yếu nhập từ Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Lào vàMalaysia. Theo VRA, nguyên nhân dẫn đến việc nhập khẩu cao su nguyên liệu có số lượng lớn là do nhu cầu cao su tổng hợp khá cao, hiện chiếm khoảng 45% – 50% tổng nhu cầu cao su tại ViệtNam và toàn bộ đều phải nhập do trong nước chưa sản xuất được. Ngoài ra, nguyên liệu cao su thiên nhiên trong nước tuy nhiều nhưng cơ cấu chủng loại chưa phù hợp với nhu cầu của nhà chế biến sản phẩm cao su.

Chất lượng mủ cao su sơ chế chưa ổn định và chưa đồng đều cũng là một trở ngại trong việc nâng cao uy tín cho ngành cao su Việt Nam. Phần lớn doanh nghiệp cao su chưa quan tâm hoặc chưa có điều kiện xây dựng thương hiệu quốc gia và quốc tế, làm giảm năng lực cạnh tranh so với các doanh nghiệp trong khu vực. Hệ thống quản lý cấp quốc gia về chất lượng cao su thiên nhiên chưa chặt chẽ trên cả nước, chỉ mới áp dụng tốt ở những doanh nghiệp lớn.

Bên cạnh đó, theo Hiệp Hội Cao su Việt Nam, cơ cấu và chủng loại cao su thiên nhiên của Việt Nam còn lệ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ của Trung Quốc và chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của các thị trường khác, do vậy gặp nhiều khó khăn trong việc thâm nhập thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Nhật Bản,…

Gia tăng giá trị, mở rộng thị trường

Ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – cho biết để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất cao su, trong thời gian qua, các doanh nghiệp đã tăng cường đầu tư, nâng cấp các nhà máy chế biến, hoàn thiện hệ thống sản xuất cũng như chú trọng khâu quản lý chất lượng cao su thiên nhiên sơ chế, đầu tư công nghệ chế biến hiện đại. Đặc biệt, để khẳng định thương hiệu cao su Việt Nam, các doanh nghiệp cũng đã mạnh dạn đưa ra nhiều chủng loại cao su thiên nhiên theo yêu cầu đa dạng của thị trường để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng quốc tế.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cao su đã và đang có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường mới, bớt lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Theo Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam Trần Ngọc Thuận, nếu những năm trước xuất khẩu cao su thiên nhiên sang Trung Quốc thường chiếm khoảng 65 – 70% sản lượng tiêu thụ thì năm 2013 sản lượng chỉ dưới 50%. Các thị trường khác như Malaysia, Ấn Độ đã tăng lượng tiêu thụ cao su của Việt Nam lên đáng kể, đơn cử như Malaysia hiện là bạn hàng đứng thứ 2 về nhập khẩu mặt hàng này, chiếm khoảng 21% tổng giá trị xuất khẩu và tăng 10,64% về khối lượng so với năm trước. Hiện Việt Nam đã là thành viên của Hiệp hội Cao su quốc tế (IRA), Hội đồng Doanh nghiệp Cao su Đông Nam Á (ARBC), Hiệp hội Các nước sản xuất Cao su thiên nhiên (ANRPC), Tổ chức Nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG)…. Qua đó, ngành cao su nói chung và doanh nghiệp cao su Việt Nam nói riêng được thu nhận nhiều nguồn thông tin tin cậy, minh bạch để nghiên cứu thị trường, dự báo xu hướng giá cả và có cơ hội tiếp xúc với nhiều khách hàng tiềm năng.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, trong thời gian tới ngành sẽ tiếp tục chú trọng việc duy trì thị trường truyền thống Trung Quốc, mở rộng sang thị trường giàu tiềm năng như: Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Âu… đồng thời, tăng sử dụng cao su trong nước phục vụ công nghiệp chế biến sản phẩm nhằm tăng giá trị cho ngành cao su và giảm lệ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô để hướng đến phát triển bền vững.

Theo VCCINews

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác