Trong khi các doanh nghiệp (DN) cung ứng nguyên liệu cao su loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm sẵn có thì DN tiêu thụ cao su trong nước lại đi nhập khẩu (NK) cao su từ nước ngoài. Do đâu có sự nghịch lý?

img_54d461a7a0508

Doanh nghiệp sơ chế cao su – nhà cung cấp và nhà tiêu thụ – doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cao su vẫn chưa gắn kết chặt chẽ. Ảnh: Tùng Châu

Đơn cử như Công ty CPCS Đà Nẵng (DRC) phải NK đến 30% nguyên liệu cao su đầu vào chủng loại SVR 10 từ Malaysia phục vụ cho sản xuất cao su theo công nghệ bố thép. Điều này khiến DN phải tăng chi phí lên gần 20% và không chủ động được nguồn nguyên liệu.

Theo lý giải của lãnh đạo DRC, đối với loại cao su tổng hợp có độ đàn hồi, kháng mòn cao… dùng để sản xuất loại lốp xe cao su đặc chủng thì nguồn cung trong nước đảm bảo được các yêu cầu kỹ thuật hiện không nhiều, cũng như rất khó tìm được nguồn cung ổn định trong nước. Nghịch lý này không riêng gì DRC gặp phải mà rất nhiều DN chế biến sản phẩm cao su trong nước cũng chung hoàn cảnh.

Năm 2014, VN XK trên 1,07 triệu tấn cao su nguyên liệu. Trong đó, loại cao su mủ cốm, sơ chế chiếm tỷ trọng 70 – 80%, còn lại là cao su cô đặc chỉ chiếm 6 – 8%, cao su tờ xông khói RSS 3 khoảng 4- 5% và lượng rất nhỏ là skim, crếp… Chính cơ cấu nguồn nguyên liệu như vậy đã dẫn đến thực trạng cao su XK nhiều nhưng nhập cũng lắm vì tỷ trọng các nhóm sản phẩm không cân đối. Điều này giải thích vì sao mặc dù là quốc gia có sản lượng và kim ngạch XK cao su luôn đứng vào hàng đầu của thế giới, song VN hàng năm vẫn phải đi NK một khối lượng cao su không nhỏ.

Ông Lưu Hoàng Ngọc – Phó cục trưởng Cục Hóa chất, thừa nhận việc khó tiêu thụ sản phẩm ngay tại chính sân nhà cũng một phần là do hiện nay tình trạng liên kết giữa những đơn vị thu mua, cung ứng mủ cao su sơ chế với các DN sản xuất, XK chưa gắn kết với nhau. Minh chứng là trong những năm qua, khi giá cao su tăng, một số đơn vị cung ứng nguyên liệu “lật kèo” hợp đồng đã ký để XK nguyên liệu đi nước ngoài với giá cao hơn. Ngược lại, cũng không ít trường hợp bên thu mua khi tiêu thụ khó khăn cũng “xù” hợp đồng bao tiêu để đi kiếm mối khác với giá rẻ hơn.

Ngoài ra, còn một tình trạng đáng quan tâm khác là thời gian qua do Trung Quốc chủ yếu thu mua mủ cao su thô nên không ít DN trong nước chạy theo xu hướng này, xem nhẹ đầu tư công nghệ máy móc, chế biến sâu nên đến khi nhu cầu thu mua sụt giảm nhanh chóng thì DN trở tay không kịp. Đây cũng là nguyên nhân các bạn hàng, đối tác yêu cầu sản phẩm đạt chất lượng cao đều cho biết sản phẩm cao su XK của VN thường có tính ổn định kém, một số đặc tính lý hóa không đạt chuẩn…

Trăn trở với bài toán tìm đầu ra ngay chính tại sân nhà cho lượng cao su dồi dào, giá rẻ của VN, ông Trần Ngọc Thuận –TGĐ VRG đề nghị, để hướng đến mục tiêu gia tăng được sản lượng tiêu thụ trong nước thì trước hết bản thân các DN sản xuất, chế biến cần có kế hoạch ngay từ bây giờ về chuyển hướng cơ cấu sản phẩm cung ứng theo đúng nhu cầu thị trường. Các DN XK trong nước nên đầu tư sâu vào công nghệ để tạo ra các sản phẩm mang giá trị gia tăng cao, thay vì chỉ xuất thô.

Phú Vinh

Theo Tạp chí CSVN

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác