Giá cao su thiên nhiên chờ đợi sự phục hồi từ năm 2015
Tuy nhiên, nhiều tín hiệu cho thấy, giá cao su sẽ phục hồi từ năm 2015, kỳ vọng giá cổ phiếu ngành cao su thiên nhiên cũng sẽ tăng trở lại.
Giá cao su thấp nhất trong vòng 5 năm
Kết thúc năm 2014, giá cao su RSS3 kỳ hạn trên thị trường TOCOM đóng cửa tại mức 1.647 USD/tấn, khép lại một năm ảm đạm của thị trường cao su thiên nhiên thế giới cũng như trong nước. Tính riêng năm 2014, giá cao su tại TOCOM đã giảm khoảng 35% và giảm khoảng 75% so với mức giá kỷ lục 6.545 USD/tấn vào tháng 2/2011.
Nguyên nhân giá cao su thế giới liên tục giảm phần lớn xuất phát từ việc nguồn cung cao su vượt quá nhu cầu do sự quản lý lỏng lẻo về diện tích trồng của các nước trồng cao su trên thế giới. Mức giá bán cao su cao từ năm 2010 đã thu hút nông dân và các doanh nghiệp tăng cường mở rộng diện tích trồng cao su, trong khi đó nhu cầu đã giảm nhịp tăng do sự chững lại của kinh tế Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, chiếm đến 30 – 40% nhu cầu cao su toàn cầu.
Ba nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia chiếm khoảng 70% sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu, đã đồng ý cắt giảm xuất khẩu cao su thiên nhiên trong năm 2015 để giảm nguồn cung và hỗ trợ giá bán. Thái Lan, quốc gia có sản lượng sản xuất và xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới, đã triển khai chính sách hỗ trợ giá cho nông dân, dự kiến sẽ đẩy giá cao su tại thị trường này lên mức giá 65 Baht/kg (khoảng 2.000 USD/tấn) trong vòng 2 tháng đầu năm 2015, được biết mức giá này cũng là giá thành sản xuất cao su tại quốc gia này.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất cao su thiên nhiên đang bán với giá bằng hoặc thấp hơn giá thành sản xuất. Nhiều biện pháp đã được triển khai nhằm giảm giá thành sản xuất như cắt giảm lao động, chuyển đổi phương thức khai khác mủ, giảm lương công nhân, giảm lượng phân bón… Nhiều hộ gia đình có diện tích trồng cao su chưa tới độ tuổi khai thác đã tiến hành hàng loạt biện pháp ngưng bón phân và chăm sóc, trồng xen kẽ các loại cây trồng khác, chờ đợi giá cao su phục hồi trở lại. Tuy nhiên, những biện pháp trên chỉ mang tính tạm thời và không phù hợp với sự phát triển lâu dài. Nếu mức giá cao su không phục hồi, khả năng thiếu hụt nguồn cung trong tương lai là rất lớn.
Những nỗ lực nhằm phục hồi giá cao su của chính phủ các nước trồng cao su trong ngắn hạn có thể gặp khó khăn, do mức giá dầu thô thấp như hiện tại (dầu thô là nguyên liệu để sản xuất cao su nhân tạo – sản phẩm thay thế của cao su tự nhiên). Tuy nhiên, giá dầu thấp cũng sẽ thúc đẩy ngành săm lốp tăng trưởng và làm tăng nhu cầu tiêu thụ cao su, bao gồm cả cao su thiên nhiên.
Trong tình hình giá dầu thô lao dốc thời gian qua, cơ quan thông tin kinh tế Economist Intelligence Unit (EIU) đã cập nhật giá cao su tự nhiên và những ước tính này giảm nhẹ so với giá được dự báo trước đó.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) vào tháng 10/2014, giá trung bình cao su RSS3 tại thị trường Malaysia được dự báo sẽ hồi phục về mức 2.100 USD/tấn trong năm 2015 và sẽ tiếp tục tăng tới năm 2025 với tốc độ tăng trưởng lũy kế hàng năm (CAGR) là 2,9%. Tuy nhiên, trong báo cáo cập nhật vào tháng 1/2015, tổ chức này đã giảm mức dự báo giá cao su xuống 1.700 USD/tấn trong năm 2015, tăng khoảng 6% so với mức giá cuối năm 2014, nhưng nâng dự báo về CAGR từ năm 2015 đến năm 2025 của giá cao su lên 4,3%.
Cải thiện lợi nhuận bằng cách đa dạng hóa đầu ra
Việt Nam là nước xuất khẩu cao su đứng thứ tư trên thế giới, nhưng lại không có khả năng tác động đến giá bán cao su trên thế giới. Trên thực tế, giá bán cao su tại Việt Nam luôn thấp hơn các nước khác trong khu vực. Một trong những nguyên nhân chính đó là thị trường cao su Việt Nam bị phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc, dẫn đến việc bị ép giá và đầu ra không ổn định.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 40% tổng sản lượng xuất khẩu. Nghịch lý là hầu hết sản phẩm cao su xuất khẩu đều ở dạng nguyên liệu thô, trong khi hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu các sản phẩm cao su chất lượng cao. Giải pháp đặt ra không chỉ cho ngành cao su mà còn cho cả nền kinh tế Việt Nam là cần phải tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực giúp tăng giá trị sản phẩm cao su.
Hiện tại, ngành cao su Việt Nam bước đầu cũng ghi nhận được những cải thiện đáng kể trong xu hướng này, điển hình như: (1) các nhà máy sản xuất lốp radial toàn thép của CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam – Casumina (mã cổ phiếu CSM) và CTCP Cao su Đà Nẵng (mã cổ phiếu DRC) đã đi vào hoạt động với công suất lần lượt 350.000 lốp/năm và 300.000 lốp/năm; (2) dự án nâng công suất sản xuất găng tay cao su từ 1,2 tỷ lên 4 tỷ chiếc/năm của CTCP VRG Khải Hoàn thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; (3) dự án nhà máy lốp xe với công suất 24.700 lốp/ngày của Bridgestone sẽ đi vào hoạt động từ năm 2016, dự kiến sẽ nâng công suất lên 49.000 lốp/ngày vào năm 2017.
Trong năm 2015, ngành cao su Việt Nam hy vọng sẽ đón nhận nhiều tín hiệu lạc quan từ việc mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng cao su thành phẩm. Điển hình là trường hợp của CSM đã đạt được thỏa thuận lần đầu tiên xuất khẩu lốp xe radial toàn thép sang thị trường Mỹ với số lượng xuất khẩu ước tính khoảng 200.000 chiếc, với tổng giá trị gần 57 triệu USD trong năm 2015.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường xăm lốp tại Mỹ trong năm 2015 nhiều khả năng sẽ tạo ra một xu hướng xuất khẩu mới cho ngành xăm lốp tại Việt Nam. Theo số liệu của TrueCar.com và Kelley Blue Book, doanh số bán xe du lịch tại thị trường Mỹ tháng 1/2015 ước tính tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ tháng 8/2013.
Triển vọng của các công ty cao su thiên nhiên niêm yết
Trong năm 2014, cổ phiếu các công ty cao su thiên nhiên giảm 21%, phần lớn do xu hướng giảm của giá cao su, trong khi chỉ số VN-Index tăng 8% và HNX-Index tăng 22%. Nhiều công ty cao su có kết quả kinh doanh tốt trong nửa đầu năm 2014 nhờ giá bán cao su cao, tuy nhiên, sau đó phải bán cao su với mức giá bằng giá thành sản xuất trong nửa cuối của năm 2014.
Trong bối cảnh giá cao su thấp như hiện nay, ngoài những biện pháp nhằm giảm giá thành sản xuất như đã nêu trên, những công ty cao su có năng suất cao trong ngành như CTCP Cao su Đồng Phú (mã cổ phiếu DPR), CTCP Cao su Tây Ninh (mã cổ phiếu TRC) (khoảng 2,3 tấn/héc-ta/năm) sẽ có nhiều thuận lợi hơn để giảm giá thành và hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra.
Bước sang năm 2015, xét về tổng thể, kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp ngành cao su tự nhiên có thể không bằng cả năm 2014 (do nửa đầu năm 2014 các doanh nghiệp này có kết quả kinh doanh tốt), nhưng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn so với thời điểm cuối năm 2014. Chúng tôi tin tưởng rằng, thị trường đã phản ánh giá bán cao su thấp vào giá cổ phiếu trong năm 2014. Từ năm 2015, giá cổ phiếu các doanh nghiệp ngành cao su thiên nhiên tại Việt Nam sẽ có sự phục hồi vững chắc.
//Tin tự động cập nhật//