Đầu năm 2014, mặc dù đang thời cao su thay lá nghỉ cạo mủ nhưng giá mủ cao su xuất khẩu trên thị trường thế giới vẫn ở mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây.

Giá mủ cao su giảm sâu là do cung vượt cầu trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm sau khủng hoảng năm 2012-2013.

Ông Võ Hoàng An, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), Trưởng ban Xuất khẩu Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cho biết: Cuối năm 2013, lượng cao su tồn kho trên thế giới cao hơn những năm trước, đặc biệt là Trung Quốc, nước tiêu thụ cao su thiên nhiên nhiều nhất thế giới. Tháng 01/2014, mặc dù nhu cầu tiêu thụ cao su cho sản xuất lốp xe tuy vẫn tăng nhưng chậm hơn nguồn cung đã gây áp lực đẩy giá cao su đi xuống. Tháng 02/2014, sản lượng cao su giảm do nghỉ cạo nhưng giá cao su tiếp tục giảm mạnh trên thị trường thế giới. Để cân đối cung cầu, đẩy giá cao su tăng Công ty cao su quốc tế ba bên ( IRCo) do 3 nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới ( chiếm 70% sản lượng toàn cầu) là Thái Lan, Indonesia và Malaysia thành lập đã cam kết sẽ giảm 10% sản lượng khai thác (300.000 tấn). IRCo cũng đã có thư gửi VRA nên khuyến cáo hội viên không bán cao su với giá quá thấp.

Cũng trong tháng 02/2014, Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) đã gửi thông điệp đặc biệt đến Chính phủ của các nước thành viên ANRPC yêu cầu cần có hành động thực hiện và trao đổi thông tin trước tình hình giá mủ giảm mạnh. ANRPC cũng yêu cầu trong thời gian này nên giảm sản lượng mủ cạo với cường độ thấp, không cạo trong các ngày lễ, tết.

Theo đó, VRA cũng kêu gọi các thành viên và cao su tiểu điền, tư nhân trong thời gian này nên giảm sản lượng mủ trong năm 2014 và không bán với giá thấp như hiện nay để góp phần cân đối cung cầu, đẩy giá cao su đi lên, tránh tạo tâm lý tiêu cực trên thị trường cao su, tạo cơ hội cho nhà nhập khẩu lấy cớ để ép giá. Hiện giá mủ cao su sơ chế  Việt Nam đầu năm 2014 đã giảm gần 1.000 USD/tấn so với cùng kỳ 2013, gần sát với giá thành sản xuất. Nếu doanh nghiệp tiếp tục bán với giá thấp như hiện nay thì tình hình sẽ càng xấu đi, nguy cơ sẽ bị lỗ. Việt Nam chiếm khoảng hơn 8% (gần 1 triệu tấn/năm) sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu, xuất khẩu xếp thứ 3 và sẽ tăng trong những năm tới bởi diện tích trồng mới trong những năm gần đây tăng cao và sắp đi vào khai thác với quy trình kỹ thuật mới, giống mới nên năng suất cao.

Giải pháp VRA đưa ra hiện nay là giảm sản lượng kế hoạch, chậm mở miệng cạo vườn cây trồng mới, cắt giảm chi phí đầu tư thâm canh để duy trì doanh thu và lợi nhuận trong năm 2014, tiết kiệm chi phí trong sản xuất, giảm kích thích, phân bón, tăng thời gian bảo dưỡng cho cây… để giảm giá thành sản xuất và bảo đảm thu nhập cho người lao động. Các nhà máy chế biến mủ cần chú trọng chất lượng sản phẩm và tăng tỷ lệ chủng loại có nhu cầu cao trên thị trường, giảm chi phí sản xuất nhưng tăng tiếp thị, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, giảm xuất tiểu ngạch thị trường Trung Quốc…

Theo Báo Bình Phước

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác