Trong thời gian tới, để có thể thâm nhập vào các thị trường khó tính ngành cao su Việt Nam phải có những chứng chỉ bền vững, trong đó đáng chú ý là chứng chỉ về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Đó là nhận định của các chuyên gia trong nước và quốc tế tại Hội thảo phát triển bền vững ngành cao su thiên nhiên, do Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) và Tổ chức Nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG) tổ chức ngày 5-12 tại TPHCM.

Theo bà Lekshmi Nair, Chuyên gia kinh tế cao cấp của IRSG, thế giới đang phát triển theo hướng bền vững và gắn kết trách nhiệm xã hội. Vì thế, việc tham gia vào chương trình sản xuất bền vững sẽ giúp người trồng cao su giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và quan trọng hơn là được xã hội ghi nhận là tôn trọng quyền lao động và nhân quyền, cải thiện quan hệ trong cộng đồng và người lao động.

Ông John Heath, Giám đốc Công ty Wurfbain BV, Hà Lan, cho biết hiện EU bắt buộc các công ty lớn báo cáo về các tác động đối với môi trường và xã hội. Vì thế, những doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm có gắn liền với môi trường và xã hội như cao su cần chú ý để không bị “cảnh báo” vi phạm.

Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp cao su Việt Nam đã bị tổ chức GlobalWitness, có trụ sở tại Anh, cáo buộc gây hại cho môi trường sinh thái và làm cho cuộc sống người dân trong khu vực dự án gặp khó khăn vì thiếu đất canh tác, thiếu việc làm tại những dự án trồng cao su ở Lào, Campuchia.

Chương trình phát triển bền vững (SNR) đã được đề ra từ lâu nhưng đến nay mới bắt đầu triển khai tại các nước có trồng cao su do IRSG phụ trách. Mục đích của chương trình là nhằm cải thiện năng suất, chất lượng cao su thiên nhiên, hỗ trợ công tác bảo vệ rừng, quản lý nguồn nước thích hợp và tôn trọng tuyệt đối quyền lợi của người lao động.

Theo TBKTSG Online

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác