Theo Bộ NN-PTNT, xuất khẩu cao su tháng 8 ước đạt 98.000 tấn, trị giá 166 triệu USD. 8 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt 548.000 tấn, trị giá 989 triệu USD.

Hiện giá cao su thiên nhiên xuống mức bình quân 30 triệu đồng/tấn (chủng loại SVR 3L), dù giá thấp nhưng vẫn rất khó bán. Nguyên nhân là Việt Nam hiện sản xuất quá nhiều chủng loại cao su SVR 3L chất lượng cao, trong khi nhu cầu cần cao su chất lượng thấp hơn như SVR10, SVR20.

Theo dự báo của Tổ chức Nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG), đến năm 2020, tổng nhu cầu tiêu thụ cao su thế giới vào khoảng 15 triệu tấn, trong đó khoảng 72% là dùng để sản xuất lốp xe các loại. So sánh với những nước sản xuất cao su trong khu vực hiện nay như Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ thì cơ cấu sản phẩm của ngành cao su Việt Nam rõ ràng đã không đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thế giới.

Lý do là trong nước đang có thế mạnh về sản xuất cao su chủng loại SVR 3L, trong khi nhu cầu tiêu thụ SVR 3L đến năm 2020 của thế giới chỉ vào khoảng 150.000 tấn, tức chỉ bằng 1/3 sản lượng sản xuất hiện nay của Việt Nam.

Điều này đồng nghĩa là nếu chúng ta vẫn tiếp tục sản xuất SVR 3L thì sẽ dư thừa khoảng 300.000 tấn. Mỗi khi cung vượt quá cầu thì giá SVR 3L sẽ giảm. Lâu nay, giá SVR 3L cao hơn SVR 10, SVR 20 khoảng 200 USD/tấn.

Mức giá bán SVR 3L ở mức 30 triệu đồng/tấn thì nhiều công ty sản xuất đang bán với giá thấp hơn giá thành. Nếu giá cao su vẫn ở mức nói trên đến cuối năm, chắc chắn năm nay, doanh thu, lợi nhuận của nhiều công ty trồng và xuất khẩu cao su sẽ giảm, thậm chí thua lỗ.

Theo ông Hà Phước Lộc- Phó TGĐ Công ty CP Cao su Đà Nẵng, do nhu cầu sản xuất mỗi năm đơn vị cần khoảng 18.000 tấn cao su, trong đó chủng loại SVR 3L dùng để sản xuất săm (ruột xe) không đáng kể mà cần một lượng lớn cao su SVR 10, SVR 20 để sản xuất lốp xe các loại nhưng không tìm đủ nguồn cung nội địa, đơn vị buộc phải nhập khẩu.

Vì thế, để có thể đáp ứng nhu cầu thị trường, theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), các công ty phải có kế hoạch điều chỉnh lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, nâng sản lượng SVR 10 lên 300.000 tấn, tương đương 25% vào năm 2020 để đáp ứng xuất khẩu.

Còn cao su SVR 20, dự báo thế giới sẽ cần 7,5 triệu tấn vào năm 2020 nhưng trong năm 2013 Việt Nam mới chỉ xuất khẩu vỏn vẹn 15.000 tấn SVR 20. Do đó, theo VRA, dù giá bán SVR 20 thấp nhưng các công ty sản xuất chế biến săm lốp vẫn phải nhập khẩu, vì thế ngành cao su trong nước cần thiết phải đầu tư để có được 180.000 tấn đáp ứng nhu cầu nội địa, qua đó hạn chế nhập khẩu.

Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp sẽ giảm lượng cao su SVR 3L xuống, tính toán của VRA cho thấy, đến năm 2020, thế giới cần khoảng 150.000 tấn (chưa kể Trung Quốc) nhưng để đảm bảo không bị thụ động các công ty phải tính đến tình huống Trung Quốc giảm nhập khẩu SVR 3L nên tỷ lệ SVR 3L điều chỉnh giảm xuống còn 20% vào năm 2020.

Hiện tại tỷ lệ sản xuất SVR 3L trong nước là 44% tổng sản lượng cao su sản xuất mỗi năm, tương đương 527.000 tấn.

Bên cạnh đó, VRA cũng kiến nghị ngành cao su sớm áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật như TCVN 3769:2004 về cao su khối, TCVN 6314:2013 về cao su ly tâm và tiêu chuẩn Green Book cho cao su tờ xông khói cần được nâng lên thành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để có tính bắt buộc áp dụng tại Việt Nam đối với tất cả các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có liên quan đến cao su.

Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà máy sơ chế cao su thiên nhiên để yêu cầu bắt buộc tuân thủ những quy định từ khâu tiếp nhận nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra để tạo sự thống nhất về chất lượng cho cao su Việt Nam.

Theo Nông nghiệp Việt Nam

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác