Nhìn lại sự việc người dân chặt bỏ cao su trong năm 2014 cho thấy đây là hậu quả của việc phát triển cao su quá “nóng” tại một số địa phương trong thời gian 2009 -2013.

Công nhân chăm sóc vườn ươm. Ảnh: Nguyễn Văn Trung

Công nhân chăm sóc vườn ươm. Ảnh: Nguyễn Văn Trung

5.000 ha cao su trồng …trên đất ruộng

Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết cao su tỉnh này từ năm 2013 trở về trước phát triển rất “nóng”, đã phá vỡ quy hoạch. Cao su đại điền của tỉnh này chỉ chiếm ¼, toàn bộ còn lại là tiểu điền. “Nóng” nhất ở Đăk Nông là khi dự án phát triển cao su tiểu điền được đưa về. Không những bà con trong dự án trồng mà ngoài dự án cũng trồng. Người người, nhà nhà đua nhau trồng.  Trong khi đó kỹ thuật trồng chưa nắm, giống chưa có, đất đai, cao trình nào phù hợp cây cao su cũng chưa biết, cứ có đất là trồng, cao trên 700m vẫn trồng.

Khi cao su có mủ thì khai thác vô tội vạ, cạo từ d3 chuyển sang d2, cộng thêm bôi thuốc khiến vườn cây suy kiệt. Ngoài ra còn có nhiều vườn cây đển tuổi khai thác vẫn không cho mủ.

“Phải rà soát lại các dự án trồng cao su. Khi lập dự án mới phải tính toán phù hợp về rủi ro thời tiết, khí hậu…Phải tính toán với mức giá bán 1.500 USD/tấn phải có lãi. Không có lãi thì không trồng”

Bộ trưởng Cao Đức Phát

Đến giữa năm 2014, tổng cộng người dân tỉnh này đã chặt bỏ 359 ha cao su để chuyển đổi sang trồng cây khác như chanh dây, tiêu, cà phê. Trước đây phá bỏ cà phê trồng cao su, rồi giờ lại chặt cao su trồng cà phê. “Nếu giá chanh dây không giảm thì người dân chặt cao su còn nhiều hơn”, vị này chua chát nói.

Còn tại tỉnh Tây Ninh, đã có 218 ha cao su non bị người dân chặt bỏ trên tổng số 5.000 ha cao su trồng trên đất thấp, đất ruộng không phù hợp. Tỉnh này đành phải có giải pháp tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi đối với diện tích này.

Vượt quy hoạch 115.600 ha

Theo số liệu của Cục Trồng trọt, trong 10 năm qua, diện tích cao su nước ta tăng gần gấp 2 lần (từ 454.100 ha năm 2004, tăng lên 955.600 ha năm 2013). So với định hướng quy hoạch cả nước được Thủ tướng phê duyệt (tại Quyết định 750/QĐ-TTg ngày 3/6/2009), diện tích đã vượt khoảng 115.600 ha. Nguyên nhân khiến diện tích tăng nhanh là do từ năm 2009 – 2013 giá xuất khẩu cao su của VN liên tục tăng cao, kích thích mọi thành phần tham gia trồng cao su.

Hiện cả nước có 29 tỉnh, thành phố trồng cao su, trong đó có 11 tỉnh có diện tích cao su vượt so với định hướng quy hoạch khoảng 162.400 ha (Bình Phước vượt 82.000 ha, Tây Ninh vượt 33.200 ha, Bình Thuận vượt 10.800 ha, Bình Dương vượt 7.300 ha, Bà Rịa – Vũng Tàu vượt 6.900 ha, Đồng Nai vượt 6.500 ha, Quảng Nam vượt 6.100 ha, Kon Tum vượt 2.900 ha, Hà Tĩnh vượt 2.800 ha, Thanh Hóa vượt 2.700 ha, TP. HCM vượt 1.200 ha). Đặc biệt, có 9 tỉnh chưa nằm trong quy hoạch (theo Quyết định 750/QĐ-TTg) gồm Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Long An nhưng vẫn có 13.550 ha cao su (riêng Lâm Đồng là 8.200 ha)….

Trồng năng suất cao với chi phí thấp

Nói về giải pháp để ngành cao su phát triển ổn định, đúng quy hoạch Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, cao su là một ngành quan trọng, với diện tích gần 1 triệu ha, trong đó khoảng một nửa là tiểu điền nên sự phát triển của ngành ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, thu nhập của rất nhiều bà con nông dân.

Bộ trưởng yêu cầu tất cả các đơn vị liên quan kiên trì thực hiện mục tiêu phát triển cao su bền vững, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng. Không chạy theo diện tích, dồn lực nâng cao hiệu quả với phương châm năng suất cao hơn, chi phí thấp hơn.

Bộ trưởng khẳng định hình thành gấp 2 chương trình: Khuyến nông cho cao su tiểu điền và tăng cường quản lý giống. Các Sở NN-PTNT địa phương cũng phải ưu tiên đào tạo nông dân trồng cao su và kỹ thuật cạo mủ trong thời gian tới. Cục Trồng trọt được yêu cầu sớm có văn bản hướng dẫn cho nông dân cách chăm sóc và cạo mủ cao su sao cho hiệu quả nhất trong tình hình hiện nay. Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng sẽ kiến nghị lên Chính phủ các vấn đề về thuế VAT, thuế thu nhập DN, gói tín dụng cho ngành cao su (đặc biệt là tiểu điền), chính sách cho thuê đất, bảo hiểm, tạm trữ, áp dụng cơ chế dịch vụ môi trường ngành cao su trong thời gian tới….

Quốc An

Theo Tạp chí CSVN

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác