Vượt mốc 1 triệu tấn
Các số liệu thống kê mới nhất của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) cho thấy Việt Nam đã vượt qua Malaysia và Ấn Độ để trở thành nước sản xuất cao su tự nhiên lớn thứ 3 thế giới. Theo ANRPC, năm 2013, sản lượng cao su của Việt Nam ước đạt 1,043 triệu tấn, tăng 20,8% so với năm trước đó.Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, sản lượng cao su tự nhiên của Việt Nam vượt qua mốc 1 triệu tấn. Nhờ vậy, Việt Nam đã leo từ vị trí thứ 5 lên thứ 3 trong danh sách các nước sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu thế giới.
Chất lượng cao su của Việt Nam hiện chưa được quản lý tốt (ảnh minh họa).
Mặc dù vươn lên là nước thứ 3 thế giới về sản xuất cao su song các chuyên gia kinh tế lại ví von rằng, ngành cao su Việt Nam chỉ là “to xác” mà thôi. Bởi theo chuyên gia kinh tế, thương mại Phạm Tất Thắng, sản lượng cao su thì lớn nhưng xuất khẩu cao su những năm gần đây lại trở nên ì ạch và đang ngày càng sụt giảm.Lý do đơn giản là làm ra nhiều sản phẩm nhưng cao su Việt Nam lại thiếu quy chuẩn chất lượng. “Cùng với việc nguồn cung cao su thiên nhiên vượt cầu, việc thiếu quy chuẩn về chất lượng cao su xuất khẩu và sự tăng trưởng kinh tế chậm lại ở một số thị trường tiêu thụ chính như Trung Quốc, Ấn Độ đã tác động xấu tới cao su xuất khẩu Việt Nam”- ông Thắng nói.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm, tổng khối lượng cao su xuất khẩu ước chỉ đạt 104.000 tấn với giá trị kim ngạch 215 triệu USD, giảm 25,4% về khối lượng và giảm 43,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Thực tế, giá cao su xuất khẩu bình quân tháng 1.2014 đạt 2.069 USD/tấn, giảm 23,9% so với cùng kỳ năm 2013. Mặc dù Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ vẫn duy trì là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1.2014 nhưng lại có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ 2013.
Thiếu cơ sở kiểm soát chất lượng
Theo đánh giá của Tổ chức Nghiên cứu cao su Thế giới (IRSG) và Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), cao su Việt Nam đang tồn tại hạn chế chất lượng chưa đồng đều giữa các doanh nghiệp Nhà nước và cao su tiểu điền. Các công ty cao su phải chuyển hướng tăng dần chủng loại mủ sơ chế theo nhu cầu khách hàng. Như vậy, cao su Việt Nam mới thuận lợi thị trường trong và ngoài nước.
|
Theo ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện Việt Nam chưa có quy chuẩn quốc gia cho ngành cao su nên chưa có cơ sở pháp lý cho việc kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra của các nhà máy chế biến mủ cao su.Điều này dẫn đến chất lượng của cao su xuất khẩu của Việt Nam không ổn định, uy tín, thương hiệu của cao su Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực, kéo theo giá cao su xuất khẩu của Việt Nam thường thấp hơn so với sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Malaysia, Indonesia tới vài trăm USD/tấn.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn thiếu cơ chế bắt buộc kiểm tra chất lượng và có giấy chứng nhận chất lượng cho tất cả lô hàng cao su xuất khẩu, nên không tạo động lực hay bắt buộc doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đảm bảo chất lượng. Trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt như hiện nay, đây là một bất lợi lớn đối với cao su xuất khẩu Việt Nam.