Trước tình hình giá cao su giảm mạnh, trong năm 2014 tại một số địa phương xảy ra tình trạng người dân phá bỏ cao su trồng không hiệu quả, không đúng kỹ thuật. Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT đã đề ra giải pháp phát triển cao su bền vững, tập trung vào điều chỉnh quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, phát triển theo chiều sâu, không chạy theo diện tích.

Bền vững với năng suất và sản lượng cao

Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, đến năm 2013, năng suất cao su cả nước đạt 1,74 tấn/ha, riêng khu vực Đông Nam bộ đạt 1,86 tấn/ha với tỉnh có năng suất cao nhất là Tây Ninh với 2,16 tấn/ha. So sánh năng suất cao su VN so mức trung bình của thế giới giai đoạn 1961 -2012 cho thấy từ 1961 đến 1996, năng suất của VN thấp hơn và sau đó ngang bằng với cao su thế giới. Giai đoạn từ 2009 -2012 thì VN tăng vọt cao hơn thế giới khoảng 50%. Đây là yếu tố quan trọng tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm cao su xuất khẩu VN.

Trong thời gian qua đã có một số tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng trong sản xuất cao su nhằm phát huy tiềm năng năng suất giống và tăng hiệu quả sản xuất. Tiêu biểu là kỹ thuật sản xuất và trồng mới bằng stum bầu 3-5 tầng lá trên đất tái canh ở vùng Đông Nam bộ. Biện pháp này đã nâng cao chất lượng vườn cây và rút ngắn thời gian KTCB còn 5 năm đối với đất hạng I, hoặc 6 năm đối với đất hạng II đang được các công ty thuộc VRG và hộ tiểu điền áp dụng.

Một số các biện pháp khác như trồng thảm phủ, ép xanh vườn cây năm thứ 1, năm thứ 2 đã hạn chế xói mòn đất, cải tạo độ phì và tăng chất lượng vườn cây. Giải pháp xây dựng mương thoát nước cho vườn cao su kết hợp sử dụng hố đa năng đã được áp dụng trên hàng trăm ngàn ha cao su từ miền núi phía Bắc đến Đông Nam bộ.

img_54dd82579e55e

Ảnh: Giới thiệu vườn cây trồng xen thảm phủ tại Cao su Lộc Ninh. Ảnh: P.T

Những biện pháp trên đã góp phần tăng năng suất, sản lượng cho cây cao su, đem lại hiệu quả cao. Theo báo cáo của Cục Trồng trọt tại Hội nghị bàn về giải pháp phát triển cao su trong thời gian tới cho thấy, các địa phương đều đánh giá trồng cao su có hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt là giai đoạn 2009 -2013 khi giá cao su xuất khẩu cao. Nhiều địa phương coi cây cao su là cây xóa đói giảm nghèo.

Tỉnh Quảng Trị ước tính với giá trung bình khoảng 50 triệu đồng/tấn mủ cao su, trong những năm qua, mỗi năm tỉnh này thu về hơn 500 tỷ đồng, chiếm gần 10% GDP nông nghiệp, tạo nguồn thu ngoại tệ lớn, tạo việc làm cho gần 20.000 hộ lao động nông thôn. Tại tỉnh Quảng Bình, với năng suất bình quân từ 1 – 1,2 tấn/ha, với mức giá 35 -40 triệu đồng/tấn, nhưng người trồng cao su vẫn có hiệu quả và kinh tế ổn định hơn các cây trồng khác.

Điều chỉnh quy mô sản xuất

Giai đoạn 2009 -2013 giá cao su xuất khẩu đạt cao nhất kể từ năm 1961 đến nay, dẫn đến việc tăng diện tích trồng cao su vượt quá quy hoạch, đặc biệt là ở Đông Nam bộ, mặc dù đây là vùng truyền thống thuận lợi cho phát triển cao su. Do quản lý quy hoạch chưa tốt nên nông dân sản xuất tự phát, khó kiểm soát nên có một số diện tích trồng trên đất chưa phù hợp, cây sinh trưởng phát triển kém.

Do đó, Cục Trồng trọt đề nghị tạm thời không trồng mới cao su, thay vào đó là tập trung tái canh vườn cây hết tuổi khai thác và thâm canh vườn cây hiện có để nâng cao năng suất, chất lượng. Đối với vùng Duyên hải miền Trung, Bắc Trung bộ, với những diện tích trồng ngoài quy hoạch có nguy cơ cao do gió bão không trồng tiếp cao su, sau khi đã hết chu kỳ kinh doanh. Còn diện tích bị ảnh hưởng nặng do bão số 10, 11 cần thanh lý trồng lại hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác.

Khó khăn về lao động và cơ cấu sản phẩm

Theo Cục Trồng trọt, nguồn lao động, nhất là khu vực cao su tiểu điền, ở vùng sâu, vùng xa chưa tuân thủ kỹ thuật. Ở một số nơi nhân lực cạo mủ cao su cũng là vấn đề khó khăn, khó thu hút lao động trẻ do có sự cạnh tranh với các ngành công nghiệp khác.

Ngoài ra ngành cao su còn có khó khăn là cơ cấu sản phẩm đang mất cân đối. Hiện nay cách thu mủ phổ biến nhất là lấy mủ nước từ vườn cây chở về nhà máy chế biến, cách này khắc phục tình trạng lấy cắp và gian lận chất lượng đối với cao su tiểu điền, mặc dù chi phí cao hơn 50% so với mủ đông và cho ra sản phẩm chế biến là mủ khối chất lượng cao SVR 3L. Trên thị trường mủ SVR 10, 20 chế biến từ mủ đông là loại sản phẩm được tiêu thụ phổ biến, chiếm trên 60%. Gần đây sản lượng cao su VN tăng nên sản lượng SVR 3L tăng nhanh, vượt nhu cầu thề giới và phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên sản phẩm đang gặp rất nhiều khó khăn, đối với cao su tiểu điền.

Trong điều kiện giá mủ cao su hiện nay không có lợi cho người sản xuất, các địa phương căn cứ điều kiện đặc thù của mình nghiên cứu vận dụng các biện pháp chăm sóc, khai thác phù hợp. Với cao su KTCB nằm ngoài vùng quy hoạch như trồng trên đất thấp trũng, đất dốc không phù hợp, nếu vườn cây sinh trưởng kém, không đồng đều có thể chuyển đổi sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Với vườn cao su ở thời kỳ đang kinh doanh, có thể giảm đầu tư phân bón, thay đổi chế độ cạo từ D2 sang D3, D4 để giảm chi phí nhân công. Tuy nhiên vẫn phải có biện pháp làm cỏ chống cháy để bảo vệ vườn cây. Đối với những diện tích đã đến giai đoạn khai thác, có thể chưa tiến hành mở miệng cạo. Có thể thanh lý để chuẩn bị cho trồng tái canh diện tích cao su kinh doanh tuổi lớn, nếu giá gỗ phù hợp và giống cao su cho năng suất không cao.

Áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong các khâu chăm sóc, phân bón, khai thác để nâng cao năng suất, giảm chi phí đầu tư góp phần tăng giá trị sản xuất thông qua tăng cường chỉ đạo hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc, cạo mủ cao su đúng kỹ thuật. Khuyến khích các mô hình trồng xen nông lâm kết hợp với cây cao su để tăng thu nhập.

Đối với cao su kinh doanh, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương có biện pháp chỉ đạo các nhà máy chế biến trên địa bàn thu mua mủ của người dân trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Ngoài ra cần tổ chức liên kết người sản xuất trong hợp tác xã hội cao su tiểu điền và các doanh nghiệp chế biến mủ cao su để hỗ trợ nhau khi có khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ.

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác