Rủi ro lớn cho các thị trường bông và cao su khi Trung Quốc tồn kho lớn
Bông và cao su thiên nhiên vốn là hai mặt hàng có ít điểm chung, không giống như những nông sản khác, song vào lúc này thì cả hai lại đang có rất nhiều điểm tương đồng trên thị trường Trung Quốc.
Cả hai mặt hàng này năm nay đều rớt giá trên thị trường châu Á, bởi lượng tồn trữ ngày càng phình to ở Trung Quốc, với nguyên nhân được cho là bởi tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này gặp trục trặc.
Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo đã giảm 18% so với hồi đầu năm. Giá bông kỳ hạn tại Sàn giao dịch Trịnh Châu (Trung Quốc) chỉ còn 18.245 Nhân dân tệ (2.939 USD)/tấn, giảm 9% so với mức 20.060 Nhân dân tệ hôm 24/02/2014.
Tương tự như bông, thị trường cao su thiên nhiên cũng rất lo ngại về lượng dự trữ của Trung Quốc.
Nhập khẩu cao su thiên nhiên vào nước này đã tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm 2014, tăng gần 35% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 534.065 tấn.
Tuy nhiên, đó là kết quả của việc khách hàng tranh thủ mua lúc giá thế giới rẻ, do vậy lượng mua về chủ yếu vẫn cất giữ trong kho, đẩy lượng tồn trữ tăng mạnh.
Tồn trữ cao su tại cảng Thanh Đảo hiện khoảng 340.000 tấn, tăng so với khoảng 290.000 tấn hồi tháng Giêng.
Dự trữ tại Sàn Giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đã giảm xuống 181.134 tấn trong tuần 28/3, song vẫn sát mức đỉnh cao của năm 2014 (207.658 tấn trong tuần tới 7/2).
Dự trữ cao su tại Trung Quốc bắt đầu tăng từ tháng 5/2011 (khi đó chỉ gần 10.291 tấn).
Trong khi đó, có nhiều báo cáo cho thấy các nhà nhập khẩu Trung Quốc đang hủy nhiều chuyến cao su do giá cao su loại sử dụng sản xuất lốp xe giảm xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều năm, mặc dù chưa thống kê được khối lượng.
Giá cao su giảm đã buộc 3 nước sản xuất cao su chủ chốt là Indonesia, Thái Lan và Malaysia phải xem xét phối hợp giảm cung ra thị trường thế giới để ngăn giá giảm.
Ba quốc gia chiếm 70% sản lượng cao su toàn cầu này đã từng hành động tương tự trong niên vụ 2012-2013, nhưng chỉ đẩy giá tăng trở lại trong một thời gian rất ngắn.
Và lần này chưa chắc họ sẽ có thể đẩy giá tăng một cách bền vững, trừ khi họ chuẩn bị đương đầu với những hậu quả chính trị bởi thu nhập của người nông dân bị co lại hoặc phải chi rất nhiều tiền để mua cao su vào cất trong kho.
Hy vọng nhiều nhất là nhu cầu gia tăng, bởi tiêu thụ ô tô ở Trung Quốc vẫn khả quan khi tăng 17,8% trong tháng Hai so với cùng tháng năm trước đó, và tăng 10,7% từ đầu năm tới nay.
Tăng trưởng kinh tế ở Hoa Kỳ và châu Âu cũng có thể đẩy tiêu thụ ô tô tăng ở những thị trường khổng lồ đó, và khi đó tiêu thụ lốp xe – sử dụng nguyên liệu chủ yếu là cao su – sẽ tăng.
Tuy nhiên, với lượng tồn trữ nhiều như hiện nay, triển vọng giá cao su trong vài tháng tới không mấy khả quan, và điều đó sẽ che mờ những dấu hiệu tăng trưởng kinh tế mạnh lên ở Trung Quốc và những nơi khác trên thế giới.
Theo Trí Thức Trẻ/Reuters
//Tin tự động cập nhật//