Giá cao su nguyên liệu liên tục giảm trong những năm qua, năm 2014 càng mất giá. Trong bối cảnh Việt Nam vươn lên vị trí thứ 3 thế giới về sản xuất cao su thì thị trường biến động sẽ gây nhiều bất lợi. Tuy nhiên, giá cao su nguyên liệu giảm lại tạo thuận lợi cho ngành công nghiệp sản xuất săm lốp phát triển.

Do cung vượt cầu, từ đầu năm 2014 đến nay, giá cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới giảm 21%. Công ty Rubber Economist (Anh) vừa đưa ra dự báo mới nhất: Thế giới sẽ thừa tới 652.000 tấn cao su trong năm 2014, thay vì 366.000 tấn như dự báo trước đó. Sản lượng cao su ở Việt Nam liên tục tăng nhanh, thế nhưng xuất khẩu (XK) cao su thiên nhiên lại ngày càng ảm đạm.

Sản xuất săm lốp tăng trưởng mạnh

Trong quý I/2014, XK cao su chỉ đạt 144.000 tấn, trị giá 292 triệu USD, giảm 23,1% về khối lượng và 42% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Nhiều tháng qua, giá cao su XK liên tục sụt giảm, diễn biến thất thường, thậm chí có thời điểm rơi xuống dưới 40 triệu đồng/tấn, chưa bằng một nửa so với mức giá năm 2011. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Phú, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), nhận định, giá cao su nguyên liệu giảm lại tạo thuận lợi cho ngành sản xuất săm lốp tại Việt Nam. Chính vì thế, 3 tháng đầu năm, sản phẩm cao su chế biến vẫn là ngành hàng giữ vị trí tăng trưởng mạnh. Kim ngạch XK săm lốp của VRG tăng 10%, thị trường chính vẫn là các nước ASEAN và mở rộng thêm một số nước Trung Đông.

Theo báo cáo của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam(Vinachem), đến hết quý I/2014, hầu hết chỉ tiêu cơ bản của các DN sản xuất săm lốp cao su thuộc Vinachem đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế của nhóm ngành cao su ước đạt 1.615 tỷ đồng, tăng 2,4%. Doanh thu ước đạt 1.597 tỷ đồng, tăng 0,3%. Sản lượng sản phẩm đều tăng với lốp ô tô đạt 434.772 chiếc, tăng 6,5%; lốp xe máy 1,3 triệu bộ, tăng 12,7%; lốp xe đạp 2,5 triệu chiếc, tăng 13,4%. XK săm lốp cao su hiện chiếm tỷ trọng 29,6% trong tổng kim ngạch XK của Vinachem.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), dự báo nhu cầu lốp xe ở Việt Nam tăng trưởng trung bình 5%/năm. Các loại xe mô tô, ô tô lưu hành năm sau đều cao hơn năm trước. Dự báo năm 2014, cả nước có 39,95 triệu chiếc xe máy lưu hành, nhu cầu lốp xe máy cần 33,96 triệu chiếc; đến năm 2015 đạt 41,95 triệu xe máy, nhu cầu lốp xe máy cần 35,66 triệu chiếc. Tương tự, năm 2014 cả nước có 1,64 triệu chiếc xe ô tô lưu hành, tổng nhu cầu lốp xe ô tô là 5,05 triệu chiếc; năm 2015 dự tính có 1,7 triệu chiếc xe ô tô lưu hành, tổng nhu cầu lốp là 5,34 triệu chiếc.

Đầu tư công nghệ, hướng tới XK

Tính đến nay, Việt Nam có 830 DN hoạt động trong ngành lốp xe, gồm 30 DN sản xuất, 170 DN mua bán, 170 đơn vị XK và 460 đơn vị nhập khẩu lốp xe. Trong đó, các đơn vị sản xuất lốp xe chủ lực của Việt Nam là Công ty CP Cao su Sao Vàng (SRC), Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) và Công ty Công nghiệp Cao su miền Nam (CSM). Hiện, công nghiệp săm lốp là ngành tiêu thụ hơn nửa sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu. Nguồn cao su thiên nhiên dồi dào cộng với nhu cầu sử dụng các phương tiện vận chuyển gia tăng đã thu hút nhiều “đại gia” ngành săm lốp trên giới đến Việt Nam như Bridgestone, Michelin, Kumho, Yokohama…

Năm 2013, sản lượng lốp xe đạp trong nước đạt 23,3 triệu chiếc; lốp xe máy đạt hơn 30 triệu chiếc; lốp ô tô 5,3 triệu chiếc. Từ nước nhập khẩu săm lốp, chỉ trong vài năm, Việt Nam trở thành quốc gia XK mặt hàng này. Trước 2009, kim ngạch XK lốp xe luôn thấp hơn nhập khẩu; từ năm 2010, xu thế ngược lại và kim ngạch XK theo xu thế tăng, đưa Việt Nam trở thành nước xuất siêu lốp xe. Hiện, săm lốp sản xuất chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước, XK khoảng 15% sản lượng toàn ngành. Tuy nhiên, XK săm lốp nhiều nhất vẫn là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó Kumho, Chính Tân và Kenda chiếm gần 70% kim ngạch XK, ba công ty lốp xe lớn của Việt Nam là CSM, DRC và SRC chỉ chiếm 12,8%. Lốp xe Việt Nam XK qua 137 nước, dẫn đầu kim ngạch là thị trường Mỹ với 78,1 triệu USD, chiếm 23% tổng kim ngạch xuất khẩu, chủ yếu là lốp xe ô tô và xe tải; kế đến là Malaysia chiếm 8%, Brazil 5%. Xét về lượng thì Brazil nhập khẩu nhiều lốp xe nhất với 2,3 triệu chiếc, chủ yếu là lốp xe đạp và xe mô tô nên có giá trị thấp. Mặt hàng XK nhiều nhất là lốp xe đạp với 9,62 triệu chiếc, kế đến là xe máy 7,96 triệu chiếc và lốp xe ô tô 3,58 triệu chiếc.

Ngành sản xuất săm lốp cao su Việt Nam cũng đang nỗ lực đầu tư công nghệ để phát triển sản xuất những dòng sản phẩm cao cấp. Trước đây, dòng sản phẩm lốp radial tại Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước khác. Dữ liệu về lốp xe nhập khẩu của Việt Nam trong 2 năm qua cho thấy, nhu cầu lốp radial cho xe tải chiếm hơn 60% giá trị nhập khẩu lốp xe. Mới đây, 2 đơn vị của Vinachem đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất lốp radial toàn thép là Công ty CP Cao su Đà Nẵng (khánh thành vào tháng 6/2013, công suất 300.000 lốp/năm) và Công ty CP Công nghiệp Cao su miền Nam (khánh thành ngày 19/4/2014; công suất 350.000 tấn/năm, tương đương 1 triệu lốp xe). Mục tiêu chiến lược của Nhà máy Casumina Radial là cung cấp những sản phẩm không chỉ cho nhu cầu trong nước mà còn xuất sang Trung Đông, Nam Á, Mỹ, Bắc Mỹ, châu Âu… Việc sản xuất được lốp radial toàn thép sẽ giúp trong nước tự chủ được lốp ô tô công nghệ cao, giảm nhập khẩu và tận dụng được nguồn cao su nguyên liệu giá rẻ.

Theo Kinh tế nông thôn

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác