Đó là nhận định của ông Đỗ Đức Oánh – Chủ trang trại Đoàn Kết, Phó Chủ tịch CLB trang trại TP.HCM.

“Đừng mơ giá mủ cao su sẽ mãi ở đỉnh cao”

Với mong muốn đa dạng hóa cây trồng, năm 1997 ông đầu tư mở trang trại Đoàn Kết tại huyện Chơn Thành, Bình Phước với diện tích 36 ha. Trong đó có 27 ha nhãn, 3 ha sầu riêng và 6 ha tiêu. Vào thời điểm bắt đầu trồng thì 1 kg nhãn có giá 18 ngàn đồng nhưng đến khi vườn nhãn của ông thu hoạch được thì giá chỉ khoảng 3 – 5 ngàn đồng. Thấy việc bỏ một số vốn đầu tư lớn để làm hệ thống tưới nước, thuê kỹ sư tư vấn nhưng không có hiệu quả nên trong vòng hai năm 2004 – 2005 ông cho chặt toàn bộ 36 ha này để trồng cao su.

Ngoài diện tích ở trang trại, ông còn có 30 ha cao su kinh doanh tại Củ Chi. Với lợi thế là một người làm cao su khá lâu nên ông không gặp khó khăn gì trong việc chuyển đổi cây trồng. Cây cao su là cây trồng mang tính hiệu quả lâu dài, vì vậy ngay từ khâu tuyển chọn giống cần phải kỹ càng, chính ông đích thân đi quan sát, tìm hiểu các vườn giống và liên hệ với Viện NCCS VN để nhờ tư vấn.

Trong thời điểm giá cao su cao, tiền lời bình quân trừ các khoản chi phí ông thu được là 127 triệu đồng/ha/năm. Khi tổng kết sổ sách ông cũng không ngờ lại cao đến như vậy. Ông chia sẻ: “Lúc đó, tôi nghĩ rằng mức giá cao như vậy là bất hợp lý, không thể có giá khủng như vậy được. Sản phẩm mủ cao su cũng như bao sản phẩm cây công nghiệp khác, cũng chịu ảnh hưởng giá cả thị trường, chịu tác động của chu kỳ tăng giảm, giá lên cao rồi cũng có thời điểm sẽ giảm xuống. Vì vậy, khi có lợi nhuận khủng thì tôi cũng tính toán chi tiêu hợp lý, có phương án khi giá xuống thấp. Và chúng ta cũng đừng bao giờ mơ giá cao mãi”.

Trồng đúng giống + Chăm sóc tốt = Cao su vẫn có lãi

Cao su là cây có hậu, sẽ không phụ lòng người trồng, chăm sóc
Ảnh: Tùng Châu

“Như quy luật trăng tròn lại khuyết, sông đầy lại vơi. Người trồng cao su cần phải hiểu biết, nắm vấn đề, tiên đoán trước tình huống để bình tĩnh xử lý. Bình tĩnh trên cơ sở có tính toán, khi thu lợi nhuận trong vòng hai năm giá mủ cao thì phải chi tiêu hợp lý, để dành đầu tư vào vườn cây khi giá mủ giảm, ông Oánh cho biết thêm.

Cao su là cây có hậu

“Theo quan điểm của tôi, cây cao su là cây có hậu. Cao su là cây dễ trồng nếu như chúng ta nắm chắc được kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch. Cũng như chăn nuôi bò sữa, nếu chăm sóc tốt và có chế độ dinh dưỡng đầy đủ sẽ cho sữa nhiều. Tôi nói cây có hậu nếu chúng ta biết nâng niu, chăm sóc. Nếu năm nay chúng ta chăm sóc tốt thì sang năm cây sẽ cho mủ nhiều. Ngược lại, nếu cứ vắt kiệt sức của cây thì cây sẽ không cho sản lượng cao. Trồng và chăm sóc cao su là cả một quá trình dài, dù giá mủ cao su xuống nhưng cũng không thể lơ là, chế độ chăm sóc, phân bón phải đầy đủ như những năm giá cao. Dù lợi nhuận có giảm nhưng đầu tư tối thiểu cho cây không được cắt giảm. Đối với công nhân cũng vậy, phải đảm bảo mức sống cho họ”, ông phân tích.

Năm nay giá mủ xuống thấp, nhiều hộ cao su tiểu điền chặt bỏ để trồng cây khác, số còn lại thì kêu lỗ. Về việc này, ông cho hay: “Lỗ vốn không sai nhưng đó là kết quả của việc không am hiểu. Năm nay nhuần hai tháng 9, nhiều người không để ý. Thay vì tháng 6 mở miệng cạo thì đầu tháng 5 đã cạo, thời tiết oi bức, không cho mủ nhiều, ngay chính tôi cũng không có lời khi cạo vào đầu tháng 5. Qua tháng 6, mỗi ha tôi vẫn lời được 1,3 triệu đồng. Nếu giữ mức giá này, từ tháng 8 trở đi thì tôi sẽ lời khoảng 100 triệu cho 36 ha mỗi tháng. So với nhiều người, tôi thấy thu nhập này khá cao. Và nếu như giá xuống chạm đáy, lỗ vốn thì tạm ngưng cạo một thời gian. Nếu ngưng cạo thì cũng không cần phải đầu tư quá nhiều. Nhưng tôi tin theo quy luật của thị trường, giá chạm đáy thì sẽ tăng trở lại”.

Quỳnh Mai

Thao Tạp chí CSVN

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác