Những ngày này, người lao động cả nước đang nô nức ra quân một năm sản xuất mới thì rất nhiều công nhân làm việc trong nông trường cao su ở Gia Lai lại viết đơn xin nghỉ việc do mức lương không đủ đảm bảo trang trải chi phí cuộc sống.

Một thời, cây cao su được ví như “vàng trắng” của Tây Nguyên, là cây công nghiệp động lực giúp Tây Nguyên phát triển kinh tế. Những năm 2010 – 2011, giá mủ cao su liên tục tăng (trên 100 triệu đồng/tấn), các doanh nghiệp trồng cao su đua nhau mở rộng diện tích. Từ năm 2012 đến nay, mủ cao su liên tục giảm giá. Hiện nay, giá mủ cao su còn bằng 1/3 so với năm 2011. Những ngày đầu năm 2015 giá vẫn đang có dấu hiệu giảm tiếp.

img_55069dd7b3108

Không nhiều người còn mặn mà với công việc cạo mủ cao su.

Giá thành không bù đắp nổi chi phí sản xuất, nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh thua lỗ, bắt buộc phải giảm lương công nhân.

Người dân trong toàn tỉnh hoang mang chặt bỏ cây cao su chuyển sang cây trồng khác. Chưa bao giờ người trồng cao su Gia Lai lại có một mùa xuân buồn như năm nay.

Số lượng công nhân trong các công ty cao su là người đồng bào dân tộc thiểu số thường chiếm khoảng 30%. Mức lương mà họ được nhận hiện nay khoảng từ 2 – 3 triệu đồng mỗi tháng. Đây là lý do công nhân cao su liên tục bỏ việc.

Nhiều gia đình là người đồng bào dân tộc thiểu số không có đất để canh tác, họ sống chủ yếu dựa vào đồng lương làm công nhân cao su. Năm 2014, lương công nhân cao su xuống thấp kỷ lục, đẩy kinh tế gia đình các hộ đi xuống. Nhiều công nhân tâm sự, giờ lương được nhận trừ chi phí xăng xe mỗi tháng chưa đầy 1 triệu, cả gia đình lâm vào thiếu đói.

Thông thường, với công nhân cao su, cả gia đình cùng làm cho một công ty. Những năm cao su hoàng kim có gia đình nhận cả mấy trăm triệu tiền thưởng Tết. Khi giá cao su xuống thấp, cả gia đình lại chịu cùng mức lương thấp nên càng thêm khó khăn.

Công nhân cao su làm việc rất vất vả, từ 3h sáng, họ đã phải thức dậy đi cạo mủ đến trưa mới được nghỉ. Nhiều gia đình có từ 2 – 3 thế hệ theo nghề cao su nhưng giờ cũng đành phải bỏ.

Công nhân nghỉ việc hàng loạt, công ty khó càng thêm khó. Vào thời điểm này, việc tuyển lao động mới sẽ gặp khó khăn do lương thấp, nếu tuyển được thì đào tạo tay nghề sẽ tốn kém thêm.

Năm 2014 là năm khó khăn nhất trong hơn 30 năm kể từ khi thành lập của công ty cao su Mang Yang. Đồng thời, cũng là năm, số lượng công nhân xin nghỉ việc cao kỷ lục, lên tới 699 trong tổng số gần 2.500 công nhân. Những tháng đầu năm 2015, con số này vẫn tiếp tục gia tăng.

Cây cao su là cây công nghiệp dài ngày, từ lúc trồng tới khi cho thu hoạch mủ phải mất từ 6 – 7 năm, chi phí đầu tư hơn 100 triệu đồng/ 1 héc-ta. Vì vậy, nếu lúc này doanh nghiệp và người dân nôn nóng chặt bỏ cao su sẽ không có thời gian để bắt nhịp khi giá mủ tăng trở lại.

Nhận định thực tế đó, các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng ở Gia Lai đang nỗ lực giúp người trồng cao su giữ vững tâm lý, bước qua thời điểm khó khăn này.

Chí Dũng – Kim Thoa

– Theo Người đưa tin

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác