Như thường lệ cứ vào đầu mùa mưa thì nhiều khu vực tại Bình Phước lại xuất hiện bệnh vàng lá, rụng lá và một số bệnh khác trên cây cao su làm giảm năng suất cây trồng. Tuy nhiên nhiều người dân tại tỉnh vẫn tỏ ra thờ ơ với loại bệnh này và chưa chủ động phòng bệnh.

Dẫn chúng tôi vào vườn cao su hơn 6 năm tuổi của gia đình, anh Nguyễn Văn Thành (ngụ xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú) chỉ cho chúng tôi thấy nhiều cây cao su bị nhiễm bệnh. Quan sát bằng mắt thường có thể thấy trong vườn nhà anh có nhiều cây bị nhiễm bệnh.

Các cây này dễ dàng nhận thấy vì ngoài một phần lá bị vàng thì trên lá còn xuất hiện các chấm đen như bị khô, cháy, nhiều chồi non, lá non trên cây cũng bị khô, héo đi.

Bình Phước: Vườn cao su dính dịch bệnh

Nông dân tại Bình Phước phun thuốc phòng ngừa bệnh trên cây cao su.

Còn anh Hoàng Văn Tú (ngụ xã Tân Phước, huyện Đồng Phú) cũng cho biết vườn cao su 2ha của nhà anh cũng có nhiều cây bị bệnh vàng lá, rụng lá. Bệnh này xuất hiện vào cuối mùa khô và sau đó khi cạo được hơn 1 tháng (khoảng tháng 6 – PV) thì lại xuất hiện nữa. Mỗi năm nhà anh đều xịt thuốc 2 lần để phòng trừ bệnh, nhưng năm nay đầu mùa thấy giá mủ thấp nên không xịt thuốc.

“Thông thường mọi năm ngoài việc cạo mủ tôi cũng thường đi xịt thuốc cho các vườn cao su tiểu điền. Nhưng năm nay hầu như không thấy ai kêu xịt thuốc. Thậm chí do giá mủ đầu mùa thấp hơn mọi năm nên nhiều hộ cũng đang chờ giá cả ổn định mới thuê người cạo. Bởi nếu giá mủ thấp quá thì chủ vườn chỉ đủ trả tiền trả lương cho công nhân thôi”, anh Trần Văn Đệ (ngụ huyện Bù Gia Mập) – công nhân cạo mủ cao su cho biết.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước tình hình dịch bệnh trên cây cao su khá phổ biến tại Bình Phước. Chỉ trong năm 2013 tại Bình Phước đã có trên 220.000ha cây cao su bị bệnh hại, chủ yếu là bệnh nấm hồng, héo đen đầu lá, bệnh vàng rụng lá… gây hại phổ biến ở mức độ nhẹ đến trung bình.

Trong đó phần lớn diện tích cao su trên bị bệnh vàng rụng lá (corynespora) và bệnh nấm hồng. Trong khi đó tính từ đầu năm 2014 đến nay các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm hécta cao su bị nhiễm bệnh, chủ yếu là bệnh vàng lá và bệnh nấm hồng. Bệnh chủ yếu xảy ra nhiều tại các huyện Đồng Phú, Hớn Quản, Bù Gia Mập…

Ông Trần Ngọc Kinh – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước cho rằng nông dân không nên chủ quan, xem thường dịch bệnh trên cây cao su vì các loại bệnh này là nguyên nhân làm giảm lượng mủ trên cây. Do đây là thời điểm đầu mùa mưa nên dịch bệnh trên cây chưa phát triển mạnh nhưng khi vào mùa mưa thì các loại bệnh trên cây cao su cũng diễn phức tạp, nhất là loại bệnh nấm hồng (loại bệnh này đang có xu hướng gia tăng trong mùa mưa – PV).

Theo ông Kinh, nông dân cần thường xuyên kiểm tra vườn cây cao su của mình, nếu phát hiện cây có dấu hiệu bị nhiễm bệnh thì cần phải xử lý ngay để tránh làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

Theo Dân Việt

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác