5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cao su của nước ta giảm tới 39,3%, kim ngạch chỉ đạt 472 triệu đô-la Mỹ. Trong đó tính đến hết tháng 4/2014, xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc chỉ còn chiếm 35,8% tổng lượng xuất khẩu cao su cả nước, giảm tới 37,7% về lượng và 53,4% về kim ngạch so với cùng kỳ.  

Nếu tình hình giá mủ cao su thấp như hiện nay kéo dài, các doanh nghiệp và bà con trồng cao su cũng rơi vào tình trạng khó khăn, bởi 50% sản lượng mủ cao su trong nước được tiêu thụ chính vẫn là thị trường Trung Quốc. Việc tiêu thụ lệ thuộc quá lớn vào một thị trường bao giờ cũng rủi ro cao và phần thiệt đương nhiên thuộc về phía bán. Bài toán ổn định thị trường cao su xuất khẩu cần tính kỹ trong dài hạn.

Vì sao xuất khẩu cao su giảm

Theo báo cáo chưa đầy đủ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam trong tháng 4 đạt 38.378 tấn, trị giá 74,474 triệu đô-la Mỹ, đưa tổng lượng cao su xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2014 được 188.505 tấn, đạt 376,508 triệu đô-la Mỹ, với đơn giá bình quân khoảng 1.997 đô-la Mỹ/tấn. Nếu so với cùng kỳ năm 2013 thì cao su xuất khẩu đã giảm 18,8% về lượng, 39,1% về giá trị và 25% về giá so với cùng kỳ năm 2013. Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) giá cao su nguyên liệu trong nước giảm mạnh là do tác động từ thị trường thế giới. Cụ thể, các nước trồng cao su như Thái Lan, Malaysia và Việt Nam có sản lượng tăng hơn dự báo. Ngoài ra, do diện tích cao su phát triển những năm gần đây của Lào, Campuchia, Myanmar đã đến thời điểm khai thác khiến nguồn cung tăng, trong khi nhu cầu lại giảm vì ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Riêng 2 nhà nhập khẩu cao su từ 2 thị trường Trung Quốc và Malaysia với mức tiêu thụ hơn 70% lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam hiện đang tồn kho khoảng 360.000 tấn, cho nên nhiều doanh nghiệp ở hai quốc gia này tuy đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp xuất khẩu cao su Việt Nam nhưng vẫn đang trì hoãn việc nhận hàng.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương mặc dù đứng thứ ba về xuất khẩu cao su, nhưng giá cao su xuất khẩu của nước ta luôn thấp hơn so giá bán cùng chủng loại của các nước trong khu vực, như: Thái Lan, Indonesia… Nguyên nhân là do đến nay Việt Nam vẫn chưa có quy chuẩn quốc gia cho riêng sản phẩm của ngành cao su. Chính vì vậy nên chưa có cơ sở pháp lý cho việc thống nhất kiểm soát chất lượng nguồn nhiên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra của các nhà máy chế biến mủ cao su. Điều này dẫn đến chất lượng của cao su xuất khẩu từ Việt Nam không ổn định và làm cho uy tín, cũng như thương hiệu cao su Việt Nam thấp hơn so các nước trong khu vực. Và cái vòng luẩn quẩn trồng rồi lại chặt, chặt rồi lại trồng đối với cây cao su đang có nguy cơ tái diễn ở nhiều vùng miền trong cả nước.

Giải pháp ổn định thị trường

Từ lâu thị trường xuất khẩu hàng nông sản lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc. Trong đó Trung Quốc nhập khẩu tới 70 – 75% toàn bộ giá trị xuất khẩu cao su. Nếu có sự tác động tiêu cực nào tới các hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới “đầu ra” của những mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Trong đó riêng mặt hàng cao su thì khó có thể kích cầu tiêu dùng nội địa, bởi chủ yếu còn ở dạng thô, không có điều kiện tiêu thụ trong nước. Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, nhằm đối phó với tình trạng cao su tụt giá, các doanh nghiệp cần giảm sản lượng kế hoạch, chậm mở miệng cạo vườn cây trồng mới, cắt giảm chi phí đầu tư thâm canh để duy trì doanh thu và lợi nhuận trong năm 2014. Tiết kiệm chi phí trong sản xuất, giảm kích thích, phân bón, tăng thời gian bảo dưỡng cho cây… để giảm giá thành sản xuất và bảo đảm thu nhập cho người lao động. Tăng tiếp thị, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, giảm xuất tiểu ngạch thị trường Trung Quốc. Triển khai tìm kiếm và mở rộng sang các thị trường mới có tính ổn định như:  Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Bên cạnh đó, ông Võ Hoàng An – Trưởng ban Xuất khẩu Tập đoàn Công nghiệp xuất khẩu cao su Việt Nam kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết: “Trong lúc giá cao su xuống thấp, giá thành sản xuất gần bằng giá bán mà Bộ Tài chính áp mức thuế 3% khiến cho doanh nghiệp và nông dân càng điêu đứng hơn. Chúng tôi đề nghị Bộ Tài chính miễn thuế xuất khẩu để ngành cao su vượt qua khủng hoảng trong giai đoạn này”.

Về phía tiểu điền, cần tuân thủ các quy trình chăm sóc, khai thác và bảo quản mủ cao su, tránh làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Các nhà máy sơ chế cao su, không sử dụng hóa chất cấm, có quy mô đủ lớn để tăng khả năng cạnh tranh, có phòng kiểm định chất lượng và quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất từ nguyên liệu đầu vào để đảm bảo chất lượng đồng đều của sản phẩm.

Theo Báo Công thương

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác