Không nên mở rộng diện tích, cần tập trung củng cố vườn cây
Ngày 11/7, tại TP. HCM, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị sản xuất cao su 2014. Nội dung chính là đánh giá lại hiện trạng sản xuất cao su, bàn các giải pháp phát triển cao su có hiệu quả trong thời gian tới. Tham dự và chủ trì Hội nghị có Bộ trưởng Cao Đức Phát, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận cùng đại diện Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Sở NN&PTNT các tỉnh có trồng cao su, Hiệp hội CSVN và lãnh đạo VRG cùng các ban chuyên môn
Cần những đánh giá toàn diện
Mở đầu Hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, ngành cao su là một ngành quan trọng, có vị trí lớn trong ngành nông nghiệp với diện tích gần 1 triệu ha, trong đó ½ là cao su tiểu điền. Ngành cao su không những có ảnh hưởng chung đối với ngành nông nghiệp mà còn ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống bà con nông dân. Những năm qua, ngành cao su phát triển mạnh mẽ nhờ diễn biến thị trường thuận lợi. Nhưng 2 năm gần đây ngành cao su có những diễn biến tiêu cực, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.
Vì vậy cần đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đánh giá lại diễn biến thị trường, đề xuất các giải pháp trong thời gian tới. Trên cơ sở đó cần nhìn nhận lại quá trình trồng trọt để đề xuất những giải pháp quản lý kỹ thuật, thâm canh có hiệu quả. Đồng thời bàn những giải pháp khắc phục khó khăn trước mắt cũng như lâu dài đối phó với diễn biến thị trường. Qua đó cũng bàn đến giải pháp tổ chức sản xuất hiệu quả, từ doanh nghiệp đến bà con nông dân.
Hội nghị đã nghe đại diện Cục Trồng trọt báo cáo về hiện trạng và giải pháp phát triển cao su trong thời gian tới. Về diện tích trồng cao su, báo cáo nhận định trong thời gian từ 2009 -2013 diện tích cao su phát triển nhanh nhất. Đến năm 2013, diện tích cao su của các vùng/diện tích quy hoạch như sau: Vùng Tây Bắc: 25,7 nghìn ha/50 nghìn ha, vùng Bắc Trung bộ: 78,2/80 nghìn ha, vùng Duyên hải miền Trung: 16,8/40 nghìn ha, vùng Tây Nguyên: 265,8/280 nghìn ha, vùng Đông Nam bộ: 537/390 nghìn ha.
Như vậy diện tích cao su vượt so quy hoạch chủ yếu tập trung tại Đông Nam bộ là vùng sản xuất cao su truyền thống của nước ta, có điều kiện đất đai, khí hậu thích hợp cho phát triển cao su. Cục đã đưa ra các giải pháp phát triển cao su trong thời gian tới như rà soát quy hoạch phát triển cao su, điều chỉnh quy mô sản xuất, tăng cường thông tin tuyên truyền thị trường, dự báo, giải pháp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành. Ngoài ra còn cần các chính sách hỗ trợ như hỗ trợ tín dụng ưu đãi để người dân có vốn chăm sóc cao su, về giá thuê đất…
Người dân chặt cao su do hệ quả của việc phát triển “nóng” trước đây
Tại Hội nghị, Đại diện Viện Nghiên cứu Cao su VN đã trình bày các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cao su, trong đó có các khuyến cáo cho nông dân cách trồng, chăm sóc, khai thác cao su phù hợp trong tình hình hiện nay. Đại diện Sở NN&PTNT Tây Ninh, nơi được cho rằng có diện tích cao su bị chặt nhiều nhất cho biết, thực tế chỉ có 218 ha cao su non bị người dân chặt do trồng trên vùng đất không phù hợp trong giai đoạn phát triển “nóng” trước đây. “Thông tin trên báo chí chưa đầy đủ, cho rằng trên địa bàn tỉnh chặt gần 2.000 ha cao su là không đúng, trong đó diện tích cao su già phải thanh lý đã là 1.530 ha”, vị này đính chính. Trước tình hình trên, lãnh đạo địa phương đã chỉ đạo thống kê, báo cáo diện tích trồng cao su trên đất không hiệu quả (đất thấp, đất ruộng) là trên 5.000 ha.
Còn báo cáo của Sở NN&PTNT Đắk Nông cho thấy, từ trước năm 2013, địa phương này phát triển cao su rất “nóng”, đã phá vỡ quy hoạch. Tuy nhiên năm nay đã dừng lại, từ đầu năm đến nay chỉ trồng mới 90 ha. Việc phát triển cao su tại tỉnh này bắt đầu từ việc đưa dự án cao su tiểu điền vào cho nông dân, lúc giá cao su đang cao. Khi đó, không những người trong dự án trồng mà ngoài dự án cũng trồng. Cao su được trồng trên đất không phù hợp, cao trình trên 700m, người dân lại không am hiểu kỹ thuật, không có kiến thức. Hậu quả là đến nay có 395 ha cao su bị chặt, chuyển đổi sang trồng chanh dây, trồng tiêu. “Tuy nhiên đây là cơ hội chấn chỉnh lại để phát triển tốt hơn”, đại diện tỉnh Đăk Nông cho biết.
Ngoài ra, đại diện tỉnh Quảng Trị cũng phát biểu về hiệu quả của cây cao su, cho dù cao su bị thiệt hại trong cơn bão số 10 năm ngoái nhưng tỉnh vẫn khẳng định cây cao su là 1 trong 3 cây trồng chiến lược. Điều quan trọng hiện tại là cần trồng đúng quy hoạch, đúng kỹ thuật, nhằm hạn chế thiệt hại khi có bão. Tỉnh Quảng Trị còn đề nghị xem xét mua bảo hiểm cho cây cao su vùng gió bão. Đại diện tỉnh Lào Cai, tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc không có trong quy hoạch phát triển cao su cả nước cũng phát biểu về giá trị an sinh xã hội, an ninh quốc phòng của cây cao su khi trồng ở vùng biên giới, vùng sâu vùng xa, và đề nghị nên đưa Lào Cai vào quy hoạch phát triển cao su.
Tích cực thông tin tuyên truyền để nông dân hiểu rõ bản chất vấn đề
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, cần làm rõ 2 vấn đề nổi bật: Thị trường khó khăn và tình trạng người dân chặt cao su, chuyển đổi cây trồng.
Về mối quan hệ cung cầu trên thị trường cao su toàn cầu, từ năm 2013 trở đi, dự báo cung tăng nhanh hơn cầu, gây ra sức ép cho thị trường cao su. Tuy nhiên mức độ chênh lệch cung cầu không cao. Và đã có những dự báo trên thị trường quốc tế cho thấy xu hướng chênh lệch cung cầu giảm đi từ nay đến 2016. Nhất là 2 tháng nay có những tín hiệu khả quan hơn. Như do tác động của hiện tượng El Nino làm xảy ra khô hạn một số nước châu Á, nhất là các nước sản xuất cao su lớn, đã giảm sản lượng. Ngược lại, nền kinh tế thế giới đang trong giai đoạn phục hồi, trong đó có Trung Quốc là thị trường lớn nhất nên dẫn đến nhu cầu tăng lên, gây tác động lên thị trường ít hơn.
Về sự việc ở biển Đông, Bộ trưởng cho biết cũng có tác động đến diễn biến thị trường, ảnh hưởng đến việc buôn bán cao su tại biên giới, theo đường tiểu ngạch.Trong tháng 5, tháng 6 đã có những tác động tâm lý cả phía người mua và người bán, giao dịch ít hơn và cũng tác động đến thị trường trong nước. Về quan hệ với Trung Quốc, ta vẫn duy trì quan hệ hữu nghị, quan hệ kinh tế. “Ta cố gắng duy trì buôn bán các loại hàng hóa, trong đó có cao su. Tình hình sau khi chững lại vào tháng 5, tháng 6 thì nay đã khá hơn. Nhiều doanh nghiệp cũng tìm hướng đi khác. Ngoài ra, nước nào cũng vậy, mua cao su là vì lợi ích kinh tế, đây là quan hệ có đi có lại, cần duy trì buôn bán”, Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên sự việc vừa qua cũng cho thấy nếu phụ thuộc vào một thị trường thì rủi ro cao. Trước mắt phải tiêu thụ hàng hóa nhưng lâu dài phải đa dạng hóa thị trường. Ngoài ra cần phát triển sản xuất sản phẩm cao su công nghiệp. “Ta xuất 1 triệu tấn cao su nguyên liệu nhưng nhập sản phẩm chế biến là không hợp lý”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Với việc chuyển đổi diện tích cao su, đã có việc người dân trong điều kiện khó khăn, tính toán thấy không có lợi nên chuyển đổi cây trồng khác. Đến nay diện tích tổng cộng là 3.856,6 ha, là diện tích lớn nhưng so với 1 triệu ha cao su cả nước là không lớn. Trong đó có 1.800 ha cao su thanh lý do già cỗi hay gãy đổ. Đây là việc bình thường trong ngành cao su. Ngoài ra có 19% diện tích trong thời kỳ KTCB bị chặt do nhiều nguyên nhân trồng không đúng thổ nhưỡng, không đúng giống, kỹ thuật…dẫn đến hiệu quả thấp. Nhưng vấn đề ở đây là cần phải làm rõ nguyên nhân để thông tin cho người dân biết, hiểu rõ bản chất vấn đề, đừng hành động quá mức cần thiết. “Phải bình tĩnh, ứng phó đúng mức trong tình hình hiện nay”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trước mắt, Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho VRG, Hiệp hội CSVN, Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối theo dõi sát sao diễn biến thị trường để thông báo cho bà con nông dân biết, kết hợp với cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền. Về thị trường, cần duy trì quan hệ thương mại bình thường với Trung Quốc. Ngoài ra cần tìm kiếm các thị trường khác để tiêu thụ cao su.
Về các vấn đề thuế, gói tín dụng cho cao su tiểu điền, bảo hiểm cho cây cao su… Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước thông qua rồi trình Chính phủ xem xét. “Cần phải tạo điều kiện ổn định, lâu dài cho ngành cao su phát triển bền vững. Có khó nhưng ta phải giải quyết cái khó, phải vượt qua để phát triển”, Bộ trưởng đúc kết.
Về các giải pháp lâu dài, Bộ trưởng đề nghị, cần kiên trì phát triển cao su bền vững trên cơ sở tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả. Kiên trì mục tiêu “không chạy theo diện tích”. Từ nay phải tập trung cao độ nâng cao tính bền vững, hiệu quả. Làm tốt việc trồng trọt để năng suất cao hơn, chi phí ít hơn. Ngoài ra cần chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất cao su.
Quốc An
Theo Cao su Việt Nam
//Tin tự động cập nhật//