Doanh nghiệp cao su Kon Tum tìm cách vượt khó
Giá mủ cao su xuống thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, thị trường tiêu thụ kém, đã khiến các doanh nghiệp cao su ở Kon Tum đối mặt với muôn vàn khó khăn. Làm thế nào để vừa duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm, vừa bảo đảm đời sống cho người lao động là bài toán khó đối với các doanh nghiệp trồng cao su lúc này.
Khu vực Nam Sa Thầy là vùng trọng điểm trồng mới cao su của tỉnh Kon Tum trong gần 10 năm qua. Vụ cạo mủ năm nay, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray cũng chỉ có được khoảng 100/3.600 ha đã mở miệng cạo. Việc giá thấp ảnh hưởng ít nhiều đến doanh nghiệp.
Ông Huỳnh Ngọc Hưng – Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray, cho biết: “Vì doanh nghiệp chủ yếu đang trong quá trình trồng chăm sóc, còn khai thác rất ít nên giá thấp chưa ảnh hưởng nhiều. Theo nhận định dài hạn, các dự báo về thị trường đều rất khả quan do đó công ty sẽ tiếp tục mở rộng diện tích nếu có thể. Trong điều kiện khó khăn, công ty vẫn đặt trọng tâm người lao động lên hàng đầu, coi đó là đối tượng cần chăm lo và đặt ra nhiều kế hoạch để cải thiện thu nhập cho CN”.
Bên cạnh việc chi trả đầy đủ chế độ, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray khuyến khích CN tăng gia sản xuất diện tích vườn cây. Cụ thể, CN được phép trồng các loại cây ngắn ngày như đậu, bắp… trên diện tích vườn cây đang KTCB. CN Lương Thị May cho biết: “Ngoài làm việc trong lô, khi rảnh mình tranh thủ trồng lúa; mì hoặc trồng đậu xanh, bắp trên lô để góp phần cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập. Hiện tại dù biết giá mủ thấp, công ty gặp khó khăn nhưng mình vẫn tin tưởng vào doanh nghiệp để tiếp tục gắn bó với mảnh đất Morai này”.
Hiện tại ở Morai, các doanh nghiệp khác như các công ty: Sa Thầy, Sâm Ngọc Linh, Duy Tân… cũng chưa bị ảnh hưởng nhiều về việc giá mủ cao su xuống thấp vì tất cả chủ yếu đang thời kỳ KTCB. Tuy nhiên, việc giá thấp cũng ảnh hưởng nhiều đến khả năng tiếp cận nguồn vốn vay. Hàng loạt biện pháp tiết giảm chi phí không cần thiết cũng góp phần giúp doanh nghiệp hạn chế tác động của giá mủ đến vườn cây.
Cam kết hỗ trợ các công ty cao su
Lãnh đạo tỉnh Kon Tum đã cam kết như vậy tại buổi làm việc với Phó TGĐ VRG Nguyễn Văn Tân cùng lãnh đạo các CTCS trực thuộc VRG trên địa bàn Kon Tum vào ngày 18/9.
Tại buổi làm việc, Phó TGĐ Nguyễn Văn Tân đề nghị lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các đơn vị thành viên VRG trên địa bàn Kon Tum ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, nhanh chóng vượt qua khó khăn để tạo thêm việc làm cho người dân địa phương, nhất là lao động dân tộc thiểu số.
Đồng thời, giúp đỡ Công ty CPCS Sa Thầy và Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray sớm có mặt bằng và vị trí thích hợp để xây dựng nhà máy chế biến. Lãnh đạo tỉnh Kon Tum ghi nhận sự đóng góp của các đơn vị thành viên VRG trên địa bàn tỉnh trong việc phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, vùng sâu cùng xa; dồng thời cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các CTCS hoạt động hiệu quả.
Văn Vĩnh
Không những vậy, Công ty CP Sâm Ngọc Linh, Duy Tân còn tăng cường chăm sóc vườn cây tốt hơn trước nhằm giúp vườn cây phát triển để đón mùa cạo mủ các năm sau. Doanh nghiệp còn khuyến khích, hỗ trợ CN trồng các loại cây ngắn ngày trên diện tích cao su KTCB để tăng thu nhập, giảm chi phí (làm cỏ) cho doanh nghiệp.
Công ty TNHH MTV 732 (thuộc Binh đoàn 15) có hơn 2.200 ha cao su đang trong thời kỳ kinh doanh, là nguồn thu chính của hơn 1.200 CBNV và người lao động. Thượng tá Trần Thế Xuất – Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc công ty, cho biết: “Cuối 2013, đầu 2014 giá mủ cao su xuống thấp. Trong điều kiện như vậy, Bộ Tư lệnh, Ban Giám đốc xác định vẫn duy trì sản xuất, ổn định đời sống CN bằng những việc làm cụ thể như: Tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, giảm những chi phí không cần thiết, bảo đảm đời sống cho người lao động”.
Theo ông Trần Văn Chương – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kon Tum, giá cao su hiện nay tuy xuống thấp, nhưng không vì thế mà dừng lại và không phát triển. Tỉnh Kon Tum đã khuyến cáo người dân trồng cao su cần tiếp tục chăm sóc vườn cây, tránh trường hợp chặt bỏ như một số cây trồng khác.
Cùng với đó, phát triển cao su theo quy hoạch, gắn sản xuất với tiêu thụ theo chuỗi giá trị mô hình liên kết sản xuất giữa người trồng cao su với nhà sản xuất, chế biến trên địa bàn để hạn chế những rủi ro, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên trong quá trình liên kết sản xuất. Đối với diện tích cao su hết chu kỳ khai thác cần tái canh, diện tích trồng mới hàng năm cần sử dụng cơ cấu giống cao su mới có năng suất, chất lượng cao theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp; đồng thời trồng xen cây ngắn ngày phù hợp trong thời kỳ KTCB để tăng thu nhập, giảm chi phí đầu tư.
H.Nguyên – Kim Sơn
Theo Tạp chí CSVN
//Tin tự động cập nhật//