Đã phụ thuộc TQ, cao su VN thêm khó ở Ấn Độ
Ấn Độ cảnh báo sẽ điều tra chống bán phá giá hoặc tăng thuế nhập khẩu đối với cao su thiên nhiên Việt Nam…
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, các nhà sản xuất của Ấn Độ đưa ra lời đề nghị với chính phủ nước này từ hồi tháng 9/2014.
Lý do là sự gia tăng quá mức của cao su thiên nhiên nhập khẩu, và giá của các loại cao su nhập khẩu cũng đã giảm 16% trong 8 tháng đầu năm nay.
Dù là nước sản xuất cao su thiên nhiên lớn thứ năm thế giới, nhưng trong 6 năm qua kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này vào Ấn Độ đã tăng khoảng bốn lần.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (ASSOCHAM), cao su thiên nhiên của Indonesia xuất khẩu vào Ấn Độ chiếm 42% tổng lượng nhập khẩu cao su của Ấn Độ, tiếp đến là Thái Lan 26% và Việt Nam chiếm 24%.Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm nay Việt Nam xuất khẩu 58.328 tấn cao su vào thị trường Ấn Độ, với kim ngạch hơn 108 triệu đô la Mỹ, tức chiếm hơn 8,3% về số lượng và 9% về giá trị trong tổng xuất khẩu cao su của Việt Nam. Hiện Ấn Độ là thị trường đứng thứ ba trong 10 thị trường xuất khẩu cao su của Việt Nam, xếp sau Malaysia với hơn 18% và Trung Quốc là hơn 41%.
Ông Bùi Trung Thướng, Bí thư phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã đưa ra lời cảnh báo cho những mặt hàng tiềm năng của Việt Nam khi xuất sang Ấn Độ, trong đó có cao su.
Ông này cho biết, hàng năm chính phủ Ấn sẽ đặt ra mục tiêu xuất nhập khẩu và họ có thể ban hành luật cấm xuất nhập khẩu đối với mặt hàng nào đó và dỡ bỏ lệnh cấm này trong thời gian rất ngắn, đặc biệt đối với mặt hàng nông sản. Và khi ấy, mặc dù các hợp đồng đã được ký kết, doanh nghiệp cũng không thể thực hiện được.
Giám đốc một công ty sản xuất và xuất khẩu cao su ở Đồng Nai cho biết, hiện tại những thông tin trên của Ấn Độ chỉ mới dừng lại ở dạng kiến nghị và kiến nghị này có được thông qua hay không là một chuyện khác.
Tuy nhiên, nếu kiện chống phá giá sẽ mất nhiều thời gian, thủ tục do đó cách tối ưu là phía Nhật sẽ nâng thuế thu nhập. Như vậy, các doanh nghiệp sẽ giảm lượng xuất cao su sang thị trường Ấn Độ do mức thuế cao.
Phụ thuộc TQ, dân khóc chặt bỏ vàng trắng cao su
Trong khi cao su thiên nhiên Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ bị kiện bán phá giá thì thị trường tiêu thụ cao su lại đang có chiều hướng bất lợi cho người nông dân do chính sách phụ thuộc một thị trường.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), năm 2013, bốn nước nhập khẩu cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Malaysia, Mỹ và Nhật Bản đã nhập gần 66% trong tổng số gần 10 triệu tấn cao su thiên nhiên xuất khẩu của các nước, trong đó, nhiều nhất là cao su dùng để sản xuất lốp xe ô tô như SVR 10, SVR 20.
Việt Nam chủ yếu xuất cao su SVR 3L (để sản xuất găng tay, dây thun, đế giày dép) qua Trung Quốc, do nước này có chính sách miễn thuế cho mặt hàng này và do giá SVR 3L thường cao hơn giá SVR 10, SVR 20 khoảng 200 đô la Mỹ/tấn.
Với cơ cấu sản xuất chủ yếu là cao su thiên nhiên SVR 3L chất lượng cao, hiện các doanh nghiệp Việt Nam bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đây là một bất lợi. Và thực tế, giá cao su SVR 3L đã bị đẩy xuống ở mức 30 triệu đồng/tấn, mức giá thấp nhất kể từ năm 2008 (tính theo tỷ giá đô la Mỹ), tình trạng này đã khiến nông dân nhiều nơi phải chặt bỏ cao su.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), đến hết tháng 6/2014, diện tích cao su bị thanh lý, chuyển đổi trên cả nước vào khoảng trên 3.300ha. Bên cạnh đó, hàng ngàn ha cao su ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên cũng bị chặt bỏ.
Ông Bùi Đức Thụ, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Lai Châu nhận định: “Đó là do sự bất ổn, diễn biến khôn lường của thị trường, đặc biệt thị trường mủ cao su thô năm ngoái năm nay xuống quá thấp dẫn đến việc người dân không đủ bù đắp được chi phí sản xuất, do đó buộc phải chặt đi”.
Việc xuất khẩu cao su, gạo sẽ sụt giảm đã được cảnh báo từ lâu bởi nhiều lý do mà các chuyên gia nông nghiệp từng chỉ ra trước đó.
PGS TS Nguyễn Văn Nam cũng thông tin, Trung Quốc chiếm hơn 40% thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, 60% thị trường xuất khẩu cao su, 70% thị trường xuất khẩu thanh long… Theo đó, khi đã nắm thị phần cao, gần như độc quyền tiêu thụ họ sẽ hạ giá sản phẩm, đặt điều kiện cho Việt Nam và lúc ấy họ được quyền kén cá chọn canh, không mua thì chúng ta chết.PGS TS Nguyễn Văn Nam – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại từng cho biết, nông sản Việt Nam đã rơi vào điều tối kỵ khi bỏ trứng vào một giỏ, lệ thuộc vào một thị trường là Trung Quốc.
Lam Lam
Theo Đất Việt
//Tin tự động cập nhật//