Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Cục), Bộ NN&PTNT, đã ban hành công văn số 1128/QLCL-CL2 ngày 27/4/2015 báo cáo Bộ NN&PTNT về tình hình quản lý chất lượng CL) cao su và đề xuất các giải pháp.

Kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm tại Phòng kiểm phẩm Công ty CPCS Đồng Phú.

Kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm tại Phòng kiểm phẩm Công ty CPCS Đồng Phú.

Cục đã tham mưu Bộ NN&PTNT ký ban hành chỉ thị số 3439/CT-BNN-QLCL ngày 23/11/2011 về việc tăng cường công tác quản lý nguyên liệu mủ cao su, theo đó chỉ đạo các địa phương có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, đồng thời tuyên truyền sâu rộng đến các cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) về các quy định QLCL mủ cao su. Đến thời điểm này, Cục chưa nhận được phản ánh về các hiện tượng pha trộn tạp chất (vôi, thạch cao, đất trắng…) vào mủ cao su như trước đây.

Về tiêu chuẩn kỹ thuật, hiện nay, Việt Nam đã có tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng nguyên liệu cao su thiên nhiên trong sản xuất và xuất khẩu (TCVN 3769:2004 và TCVN 6314:2013) tương đương với các nước tiên tiến. Theo báo cáo của Hiệp hội Cao su Việt Nam, trong nước đã có 22 phòng kiểm nghiệm về QLCL được cấp mã số quốc gia VILAS và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế ISO/ IEC 17025:2005; trong đó, phòng kiểm nghiệm của Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – VRG) được Hiệp hội Cao su Quốc tế (IRA) công nhận là đại diện của Việt Nam trong hoạt động kiểm tra chéo định kỳ và kiểm chứng độc lập trong các tranh chấp hợp đồng trong vùng.

Tình hình QLCL cao su đang gặp phải các tồn tại như: sản lượng và chất lượng nguồn nguyên liệu cao su đầu vào (mủ cao su) không ổn định; các cơ sở SXKD và cơ quan quản lý Nhà nước chưa kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm trong hoạt động SXKD cao su. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ chưa quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm; doanh nghiệp chế biến chưa kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào và chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật đối với mủ cao su thiên nhiên là nguyên liệu đầu vào của nhà máy sơ chế mủ.

Để nâng cao công tác QLCL cao su, Cục đã đề xuất các giải pháp đảm bảo sản lượng bao gồm: quy hoạch, cân đối vùng trồng cao su, đảm bảo sản lượng mủ cao su cung cấp cho các nhà máy sơ chế, chế biến cao su. Để đảm bảo chất lượng, các cơ sở sản xuất, sơ chế cao su cần kiểm soát chặt chẽ quy trình khai thác, vận chuyển, bảo quản và kiểm tra chất lượng; đầu tư cải tạo nâng cấp nhà máy và xây dựng mới theo hướng hiện đại, đồng bộ hóa dây chuyền sản xuất.

Ngoài ra, Cục QLCLNLS&TS chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Cao su Việt Nam và các đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu xây dựng và trình ban hành tiêu chuẩn chất lượng mủ nguyên liệu cao su đầu vào và cho các loại sản phẩm đầu ra của các nhà máy sơ chế; phối hợp với VRG và các đơn vị liên quan để tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm cao su thiên nhiên sơ chế trước khi đưa ra thị trường.

Theo Tạp chí CSVN

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác