Báo cáo mặt hàng cao su tháng 12/2014
Thế giới:
Theo Rubber Economist, một tổ chức nghiên cứu cao su quốc tế, dư thừa cao su toàn cầu vẫn sẽ tiếp tục, song không có nghĩa là giá cao su không thể hồi phục từ mức thấp 5 năm. Trong ngắn hạn, điều tồi tệ nhất đối với ngành cao su thế giới đã qua, sản lượng cao su toàn cầu có thể đã đạt đỉnh và tốc độ tăng trưởng hàng năm đang giảm dần. Tiêu thụ toàn cầu cao su thiên nhiên và tổng hợp đang hồi phục nhanh hơn dự đoán và dự báo sẽ tăng từ 26,75 triệu tấn năm 2013 lên 28,69 triệu tấn năm 2014. Dự báo tốc độ tăng trưởng tiêu thụ năm 2014 đạt7,3%, nhanh nhất kể từ 2010 khi đạt 15,6%.
Theo Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), sản lượng của các nước cao su thuộc Hiệp hội (chiếm 93% tổng cung cao su toàn cầu) chỉ đạt 9,97 triệu tấn trong 11 tháng đầu năm 2014, giảm 1,2% so với cùng kỳ. Sản lượng của cả năm 2014 dự đoán giảm 7,6% ở mức 10,32 triệu tấn. Tiêu thụ cao su 11 tháng ước tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu nhờ nhu cầu của Trung Quốc và Ấn Độ. Trong 11 tháng, xuất khẩu cao su thế giới giảm 1,1% đạt 8,06 triệu tấn.
Trên thực tế, không khí ảm đạm vẫn bao trùm lên thị trường cao su thế giới trong tháng 12/2014, sức mua giảm vào thời điểm cuối năm khi Tết Nguyên đán Trung Quốc – nước tiêu thụ cao su hàng đầu thế giới đang tới gần, giá dầu thế giới liên tục tụt dốc và đồng Yên vẫn mất giá so với đô la Mỹ. Nhu cầu yếu đã ảnh hưởng bất lợi đến giá cao su loại sử dụng để sản xuất lốp xe trên thị trường châu Á, thị trường gần như không có động tĩnh nào từ việc Thái Lan xả bán hơn 200.000 tấn cao su tồn kho. Giá thấp đã khiến nông dân cao su In-đô-nê-xia ngừng khai thác mủ và chuyển sang tìm việc làm khác, gây ra tình trạng thiếu cao su nguyên liệu. Có tin Chính phủ Thái Lan dự kiến chi khoảng 180 triệu USD để mua cao su, tuy nhiên do đồng Yên tăng giá nên mức tăng không nhiều. Nhìn chung, giá cao su giao kỳ hạn tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo, Nhật Bản (Tocom) biến động tăng giảm thất thường trong 20 ngày đầu tháng 12/2014, với mức giá hiện tại tiếp tục xuống thấp so với tháng trước. Giá dầu thô thế giới liên tục thiếp lập các mức thấp kỷ lục cũng là nguyên nhân gây sức ép bất lợi khiến giá cao su giảm. Giá dầu thô thế giới giảm 5 phiên liên tiếp xuống mức thấp nhất từ tháng 5/2009 cuối phiên 16/12, với Giá dầu Brent giao tháng 1/2015 trên sàn ICE Futures Europe London giảm 1,2 USD (-2%) xuống 59,86 USD/thùng, thấp nhất kể từ 19/5/2009.
Hợp đồng cao su giao tháng 12/2014 giảm thấp nhất vào cuối phiên giao dịch 12/12 ở mức 179,7 Yên/kg, giảm 4,8 Yên so với đầu tháng (1/12). Cuối phiên giao dịch gần nhất (18/12), giá cao su giao tháng 12/2014 đứng ở mức 180,2 Yên/kg, giảm so với 193,1 Yên/kg vào ngày 13/11. Hợp đồng benchmark giao tháng 1/2015 – hợp đồng có khối lượng giao dịch nhiều nhất trên thị trường kỳ hạn, đạt 203,4 Yên/kg cuối ngày 18/12, tăng nhẹ so với 198,2 Yên/kg cuối ngày 2/12.
Việt Nam:
Giá mủ cao su tại Bình Phước tháng 12/2014 có xu hướng tăng nhẹ, từ 8.960 đ/kg lên 9.440 đ/kg do chất lượng mủ cải thiện, lượng tạp chất ít hơn. Giá cao su sơ chế các loại trong tháng 12/2014 diễn biến như sau: cao su RSS3 tăng từ 26.800 đ/kg lên 27.800 đ/kg; cao su SVR3L tăng từ 26.600 đ/kg lên 27.600 đ/kg; cao su SVR10 tăng từ 21.900 đ/kg lên 22.800 đ/kg. Nhìn chung, giá cao su của Việt Nam vẫn ở mức rất thấp so với các năm trước do ảnh hưởng giá cao su giảm trên thị trường thế giới.
Từ 01/12 – 12/12/2014, giá SVR 3L của Việt Nam xuất khẩu trung bình đạt 1.565 USD/tấn, giảm 15 USD/tấn (-0,9%) so với mức trung bình trong tháng 11/2014, và giảm 756 USD/tấn (-32,6%) so với tháng 12/2013.
Theo báo cáo thống kê tháng 12/2014 của Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 12 đạt 129 nghìn tấn với giá trị 190 triệu USD, với ước tính này năm 2014 xuất khẩu cao su đạt 1,07 triệu tấn với giá trị đạt 1,80 tỷ USD, tăng 0,2% về khối lượng nhưng lại giảm 27,7% về giá trị so với năm 2013. Giá cao su xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2014 đạt 1.695 USD/tấn, giảm 27,33% so với cùng kỳ năm 2013. Mặc dù Trung Quốc và Ma-lai-xia vẫn duy trì là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2014, nhưng lại có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2013, cụ thể: Trung Quốc giảm 5,02% về khối lượng và giảm 30,26% về giá trị; Ma-lai-xia giảm 7,85% về khối lượng và giảm 36,96% về giá trị.
Nguyễn Lan Anh
Tài liệu tham khảo:
- Báo cáo Thống kê của Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), Bộ Nông nghiệp & PTNT
- CSDL giá nông sản PMARD của CIS
- Tin Reuters
- Website: VRA, TTXVN, Vinanet, Vneconomy.
//Tin tự động cập nhật//