Cao su – Loay hoay ứng phó biến động giá
Kể từ năm 2011, giá cao su Việt Nam xuất khẩu sang thị trường các nước liên tục giảm cả về giá trị và sản lượng. Trước thực trạng này, các chuyên gia cho rằng cần có những giải pháp ứng phó kịp thời để cứu ngành cao su, đặc biệt khi nhiều địa phương ồ ạt chuyển đổi vườn cây.
Giá giảm liên tục 3 năm
Năm 2011, thảm họa động đất, sóng thần tại Nhật Bản và lũ lụt tại Thái Lan cùng với sự suy yếu của kinh tế châu Âu làm nhu cầu cao su tăng trưởng chậm từ năm 2012. Trong khi đó, diện tích trồng mới từ năm 2005 bắt đầu được thu hoạch, đẩy sản lượng cao su tăng nhanh, trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng trưởng chậm.
Năm 2013, sản lượng cao su thiên nhiên thế giới đạt 12,04 triệu tấn, trong khi chỉ tiêu thụ được 11,4 triệu tấn, dư 644.000 tấn, đã khiến cung vượt cầu trong 3 năm liên tiếp, đẩy hàng tồn kho lên hơn 1,4 triệu tấn, trong đó tổng lượng cao su dự trữ tại Trung Quốc vào cuối năm 2013 tồn hơn 600.000 tấn, cao nhất từ trước tới nay.
Để ứng phó diễn biến bất lợi của thị trường, các DN cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, bảo đảm thu nhập cơ bản cho công nhân, tiết kiệm chi phí để giảm giá thành, đồng thời tăng tốc độ tái canh bổ sung nguồn thu từ gỗ và điều chỉnh giảm sản lượng góp phần cân đối cung cầu. Khi đầu tư trồng cao su cần tính toán hiệu quả cả vòng đời của vườn cây để có cách ứng phó với tác động của quy luật cung cầu hoặc những yếu tố rủi ro trong suốt chu kỳ kinh tế của cây cao su hơn 20 năm. |
Ông Võ Hoàng An,
Tổng Thư ký VRA
Tình hình trên khiến giá cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới giảm liên tục từ năm 2012 kéo sang năm 2014 và nhu cầu nhập khẩu chững lại. Giá cao su Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn của thị trường cao su thế giới. Cụ thể, dưới tác động của các chính sách kích cầu và yếu tố đầu cơ trên thị trường thế giới, giá cao su Việt Nam tăng đột biến và đạt đỉnh điểm 4.562USD/tấn trong tháng 2-2011, riêng chủng loại SVR 3L đạt 5.704USD/tấn.
Thế nhưng, từ năm 2012 đến tháng 6-2014, giá cao su Việt Nam sụt giảm liên tục bởi cung vượt cầu trên toàn thế giới. Trong tháng 5-2014, giá cao su xuất khẩu chỉ đạt 1.842USD/tấn, giảm 41% so với cùng kỳ năm 2013 và giảm 60% so với giá đỉnh điểm tháng 2-2011. Thị trường xuất khẩu cao su cũng bị thu hẹp, trong 5 tháng đầu năm 2014, lượng cao su xuất khẩu đã giảm 17% so với cùng kỳ năm trước và giảm 37% về giá trị.
Sau khi giá cao su tăng liên tục từ năm 2005 và đạt đỉnh điểm vào tháng 2-2011, nhiều người dân đã chuyển đổi cây khác sang trồng cây cao su, đưa diện tích cây cao su lên 955.700ha vào cuối năm 2013, vượt quy hoạch 800.000ha khoảng 155.700ha.
Ngoài ra, một số diện tích cao su dù đã già cỗi cần tái canh hoặc thanh lý vẫn được giữ lại và một số diện tích cây non do trồng nhanh vội, không tuân thủ quy trình kỹ thuật nên chất lượng, năng suất vườn cây kém. Và khi giá cao su giảm, chỉ còn khoảng 37-39 triệu đồng/tấn, người dân lại tìm cách chuyển đổi sang cây trồng khác.
Nói về vòng luẩn quẩn này của cây cao su, ông Võ Hoàng An, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), cho biết tại tỉnh Tây Ninh, tổng diện tích cao su của người dân bị chặt bỏ khoảng 2.000ha, trong đó có 300ha cây dưới 5 tuổi trồng không đúng kỹ thuật, còn lại là vườn đã khai thác trên 10 năm cho năng suất rất thấp.
Giảm sản lượng 2014
Nhu cầu cao su của thế giới đang tăng trưởng trở lại theo đà phục hồi của nền kinh tế, được dự báo từ 11,4 triệu tấn năm 2013 lên 15-15,5 triệu tấn năm 2020, tiếp tục tạo cơ hội cho người trồng phát triển cây cao su lâu dài. Để hỗ trợ cho người trồng cao su giảm bớt khó khăn trong thời kỳ giá thấp hiện nay, Chính phủ Thái Lan và Malaysia vừa quyết định một số chính sách giúp nâng đỡ giá, nhờ vậy, giá cao su đã tăng nhẹ vào cuối tháng 6-2014.
Nhiều nước đang tích cực tìm giải pháp tăng cường sử dụng cao su thiên nhiên vào những sản phẩm mới và điều chỉnh giảm sản lượng trong năm 2014-2015 để sớm cân đối cung cầu, tạo điều kiện có thể phục hồi dần giá cao su thiên nhiên trước năm 2016.
Từ thực tế những vườn cao su đã có 19-20 năm thu hoạch dù giá bán giảm mạnh nhưng vẫn có lãi khi được quản lý tốt và điều chỉnh chi phí hợp lý, VRA khuyến cáo nếu năng suất quá thấp hoặc hiệu quả kém, nên cưa đốn để bán gỗ tạo vốn tái canh hoặc chuyển sang cây trồng khác, tránh thanh lý vườn cao su già ồ ạt để không bị ép giá gỗ.
Khi trồng lại, cần sử dụng những giống năng suất cao trên 2-3 tấn/ha phù hợp theo vùng để đạt hiệu quả kinh tế cao và tăng khả năng chống chịu trong thời kỳ giá thấp. Với những vườn cây đang trong giai đoạn thu hoạch hoặc mới trồng đạt tiêu chuẩn về chất lượng và năng suất bình quân 2-2,2 tấn/ha (Đông Nam bộ) và 1,5-1,8 tấn/ha (miền Bắc và Tây nguyên), cần tiếp tục duy trì.
Mỗi hộ nếu có 3ha cao su có thể thu được ít nhất 165-240 triệu đồng/năm và lãi 22,5-30 triệu đồng/hộ/năm, tỷ suất lợi nhuận khoảng 15%. Trước mắt, nên giảm sản lượng kết hợp với giảm chi phí, giảm số ngày thu hoạch, không thu hoạch sớm vườn cây chưa đủ tiêu chuẩn, giảm phân bón cho vườn đã trưởng thành, làm cỏ tối thiểu… Có thể trồng xen hoặc chăn nuôi kết hợp để tạo thêm nguồn thu nhập trong lúc chờ giá phục hồi.
Đối với những vườn cao su phát triển ngoài vùng quy hoạch hoặc vùng đất không phù hợp, chất lượng kém, nên để người dân chuyển đổi sang mục đích khác hoặc sang những cây trồng khác đang được Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ. Hiện VRA đang tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính xem xét không thu thuế xuất khẩu cao su và tạo điều kiện để doanh nghiệp xuất khẩu cao su không phải kê khai tính nộp thuế giá trị gia tăng như những nông sản khác.
Để góp phần ngăn chặn giá cao su giảm sâu và sớm cân đối cung cầu nhằm phục hồi giá, từ tháng 2-2014, VRA cũng khuyến cáo giảm sản lượng trong năm 2014 và không bán cao su với giá thấp hơn giá quốc tế.
Về lâu dài, ngành cao su Việt Nam và doanh nghiệp cần nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu sản phẩm cao su thiên nhiên đáp ứng thị trường, đảm bảo chất lượng, uy tín, xây dựng thương hiệu quốc gia và quốc tế, tăng tiêu thụ nguyên liệu cao su trong nước cho lĩnh vực chế biến sâu những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và thân thiện môi trường, giảm lệ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô, hướng đến phát triển bền vững.
//Tin tự động cập nhật//