Khuyến cáo mới về công tác kỹ thuật nông nghiệp trong phát triển cao su khu vực miền núi phía Bắc
Theo kế hoạch, năm 2014, các công ty cao su khu vực miền núi phía Bắc sẽ trồng mới khoảng trên 4.000 ha cao su. Để vườn cây phát triển tốt, tỷ lệ cây sống cao và đảm bảo tốc độ sinh trưởng, Ban Quản lý kỹ thuật VRG đưa ra một số khuyến cáo mới.
Quy hoạch, chọn đất: Tiêu chí hàng đầu
Theo Trưởng Ban Quản lý kỹ thuật VRG Lại Văn Lâm, quy hoạch, chọn đất trồng mới là tiêu chí hàng đầu, có tính quyết định đối với hiệu quả đầu tư, vì vậy phải quan tâm thực hiện tốt công tác này.
Trong quy hoạch, nhất định không trồng trên diện tích nhỏ lẻ, phân tán. Ở vùng phát triển trồng mới, chỉ trồng cao su khi giải quyết được quỹ đất đủ lớn (từ 200 – 300 ha trở lên). Đối với diện tích vượt quá cao trình trên 600 m hoặc độ dốc trên 30o nằm trong vùng quy hoạch, để đảm bảo liền vùng, liền khoảng nếu dự kiến triển khai phải trình cấp có thẩm quyền thẩm định, giải quyết. Nhằm hạn chế rủi ro, tiết kiệm chi phí nên tiến hành khảo sát, phân hạng đất trước khi khai hoang.
Về thổ nhưỡng, một số nơi khu vực miền núi phía Bắc có loại “đất đen”, hình thành trên khu vực có mỏ kim loại, không thích hợp để trồng cao su. Nếu đã trồng cao su thì chững lại ở năm thứ 4, sinh trưởng và phát triển kém, không đồng đều. Loại đất này phân bố rải rác ở tỉnh Sơn La, Lai Châu, Lào Cai. Đề nghị không trồng mới trên loại đất này.
Cũng theo ông Lâm, công tác chuẩn bị cây giống phải được thực hiện chu đáo. Chỉ trồng đúng cơ cấu giống theo quy định của Tập đoàn và nhất là trồng giống thích hợp với điều kiện sinh thái của từng tiểu vùng khí hậu. Trồng giống chịu lạnh IAN 873, VNg 77-4 ở những vùng có khí hậu lạnh tương tự Đông Bắc, diện tích trên đỉnh cao lộng gió, nơi dễ bị ảnh hưởng của rét hại Đặc biệt, tăng cường khâu quản lý giống tại vườn ương. Đối với các đơn vị có vườn nhân, gỗ ghép phải được thanh lọc ngay sau khi kiểm định, tránh tình trạng vườn nhân có kiểm định nhưng giống xuất vườn vẫn bị lẫn.
Ngoài ra, các đơn vị phải chuẩn bị đủ số lượng tum bầu, bầu tầng lá đạt tiêu chuẩn, kịp thời vụ để chủ động trồng dặm ngay từ đầu vụ, đảm bảo định hình vườn cây chậm nhất vào năm thứ hai. Chú ý lập vườn ương trung chuyển ngay tại vùng trồng mới để sản xuất tum bầu và bầu có tầng lá để chủ động cây giống tại chỗ. Trong quá trình đảo bầu, chọn lọc, phân loại cây giống phải tuyển lựa cây giống có tầng lá ổn định, đạt tiêu chuẩn chất lượng, chiều cao bằng nhau, khi xuất giống đem trồng tạo vườn cây đồng đều ngay từ năm trồng mới.
Chỉ trồng mới cây bầu có tầng lá
Để vườn cây trồng mới đạt tiêu chuẩn, chất lượng thì phải trồng bằng tum bầu có từ 2 tầng lá ổn định hoặc bầu tầng lá, nhất quyết không trồng tum trần và hạn chế tối đa bầu cắt ngọn. Bên cạnh đó, sử dụng cây bầu tiến bộ kích thước nhỏ, trồng ở nơi có đường vận chuyển khó khăn. Mục tiêu trồng cây nào chắc cây đó, đảm bảo vườn cây trồng mới đạt tiêu chuẩn quy trình từ năm đầu.
Về thời vụ trồng: Trồng dặm định hình vườn cây KTCB năm thứ hai ngay từ đầu vụ trồng mới; trồng mới đúng thời vụ, không trồng trễ sang tháng 8; trồng dặm và trồng mới trong vụ Xuân – Hè ở khu vực Đông Bắc và những nơi có điều kiện thời tiết tương tự vùng Đông Bắc.
“Những lô cao su có độ đồng đều thấp do tỷ lệ cây dặm cao thì cần có chế độ đầu tư chăm sóc đặc biệt, với các lô có tỷ lệ trồng dặm cao trên 50%, dặm trong nhiều năm cần phải kiểm kê, do vanh chi tiết, phân loại chất lượng và xác định đúng tuổi sinh trưởng thực tế của vườn cây để có chế độ đầu tư, chăm sóc phù hợp”, đại diện Ban Quản lý kỹ thuật lưu ý. Ngoài ra, cần làm tốt công tác phúp bồn tủ gốc cho cây trồng mới, trồng dặm vào cuối mùa mưa khi đất còn đủ ẩm. Trồng xen đúng quy định, không để cây trồng xen cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng với cây cao su. Đối với diện tích có cỏ tranh, cây họ tre nứa phải phun thuốc diệt, duy trì thảm phủ tự nhiên có kiểm soát giữa hàng, hạn chế độ ẩm trong mùa đông, chống xói mòn và bổ sung chất hữu cơ cho vườn cây.
Song song đó, cần mở rộng hoàn chỉnh đường băng đồng mức trên hàng cây, xây dựng đường đi bộ “zíc zắc” giữa các hàng trong lô trên đất dốc để thuận tiện trong việc chăm sóc và kiểm tra. Tỉa chồi, tạo tán đúng kỹ thuật, cành nhánh phân bố hợp lý, việc cắt tạo tán đối với giống phân cành tự nhiên phải thực hiện đúng theo Quy trình kỹ thuật cây cao su năm 2012.
Nguồn Tạp chí Cao su Việt Nam
//Tin tự động cập nhật//